A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác bồi thường nhà nước năm 2023

Ngày 29/3/2023, Sở Tư pháp ban hành Công văn số 487/STP-HC&BTTP về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác bồi thường nhà nước năm 2023. Theo đó, Sở Tư pháp đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện nội dung sau:

Thứ nhất, Tổ chức sơ kết 05 năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước (TNBTCNN) năm 2017 theo Quyết định số 1983/QĐ-BTP ngày 07/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho cá nhân, tổ chức trong phạm vi đơn vị, địa phương mình quản lý.

Thứ hai, Khẩn trương thụ lý, giải quyết các vụ việc yêu cầu bồi thường đã đủ điều kiện theo chỉ đạo của Quốc hội (khoản 15 Điều 2 Nghị quyết số 134/2020/QH14 ngày 17/11/2020 của Quốc hội khóa XIV về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII); thực hiện nghiêm quy định về xem xét trách nhiệm hoàn trả, xử lý kỷ luật (nếu có) đối với người thi hành công vụ gây thiệt hại.

Thứ ba, Trong trường hợp có giải quyết vụ việc yêu cầu bồi thường nhà nước thì thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm gửi các văn bản trong quá trình giải quyết bồi thường và xem xét trách nhiệm hoàn trả đến Sở Tư pháp theo quy định của Luật TNBTCNN năm 2017 và Điều 12 Thông tư số 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường Nhà nước; đồng thời, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 50/2022/UBND ngày 30/12/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum ban hành quy chế phối hợp thực hiện công tác quản lý nhà nước về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Thứ tư, Đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có kết luận người thực thi công vụ (quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017) thuộc thẩm quyền cơ quan, đơn vị mình quản lý mà trong quá trình thực thi công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho cá nhân và tổ chức thì gửi văn bản kết luận giải quyết cho Sở Tư pháp để theo dõi, quản lý, đôn đốc việc giải quyết yêu cầu bồi thường Nhà nước.

Thứ năm, Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp khó khăn, vướng mắc, hoặc vượt thẩm quyền kịp thời tổng hợp báo cáo gửi về Sở Tư pháp để đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết.

Thứ sáu, Sở Tư pháp đề nghị Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh:

Thực hiện các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, đặc biệt là các quy định về điều kiện thụ lý vụ việc yêu cầu bồi thường; xác định thiệt hại được bồi thường; án phí, lệ phí và các loại phí khác đối với nội dung yêu cầu bồi thường… Phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Sở Tư pháp trong việc thực hiện công tác bồi thường Nhà nước.

Thực hiện quy định về trách nhiệm gửi các văn bản trong quá trình giải quyết bồi thường và xem xét trách nhiệm hoàn trả đến Sở Tư pháp theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và Thông tư số 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường Nhà nước.

Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo gửi hoặc gửi các bản án đã có hiệu lực pháp luật sau đây đến Sở Tư pháp: Bản án dân sự giải quyết tranh chấp về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; bản án hành chính có nội dung chấp nhận yêu cầu khởi kiện và các bản án hình sự xét xử người thi hành công vụ có nội dung tuyên người thi hành công vụ có tội, đồng thời có nội dung giải quyết yêu cầu bồi thường.
Thứ bảy, đề nghị Sở Tài chính: Tham mưu bố trí kinh phí bồi thường theo đúng qui định Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017, Luật Ngân sách nhà nước, các quy định pháp luật có liên quan và theo phân cấp ngân sách hiện hành./.


Tác giả: Thái Ngân