A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước cục bộ, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh sẽ chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các địa phương ứng phó, khắc phục hạn hán, thiếu nước, bảo đảm đời sống người dân.

Thực hiện Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm ngập mặn; Ngày 22/01, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Công văn số 214/UBND-NNTN chỉ đạo các đơn vị địa phương triển khai ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước cục bộ, hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 04/CĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 2454/KH-UBND ngày 31 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2023-2025 và Công văn số 4501/UBND-NNTN ngày 25 tháng 12 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc triển khai thực hiện các giải pháp giảm thiểu nguy cơ thiếu nước trong mùa cạn năm 2024.

Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Kon Tum và các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán; xác định mức độ ảnh hưởng đến từng địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Kế hoạch số 2454/KH-UBND ngày 31 tháng 07 năm 2023; tuyên truyên, vận động, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân, các cơ sở y tế, giáo dục và các nhu cầu thiết yếu khác, kiên quyết không để người dân thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn.

Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thủy văn, tăng cường công tác dự báo, cảnh báo về tình hình diễn biến khô hạn, thiếu nước, thông tin kịp thời cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các Nhà máy thủy điện, các đơn vị liên quan biết để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ dự báo chuyên ngành về nguồn nước, chất lượng nước và nguy cơ thiếu nước để phối hợp, tham mưu chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, thiếu nước phù hợp với diễn biến thực tế tại địa phương; đồng thời, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị liên qua theo dõi, kiểm tra các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, các hệ thống thủy lợi nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, tối ưu nguồn tài nguyên nước, bảo đảm nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, vừa bảo đảm nước cho phát điện, nhất là thời kỳ xảy ra nắng nóng cao điểm; hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

Các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ các địa phương ứng phó, khắc phục hạn hán, thiếu nước, bảo đảm đời sống người dân.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, hạn hán, chủ động báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh; tổng hợp báo cáo tình hình thiên tai trên địa bàn tỉnh theo quy định.


Tác giả: Thái Ngân