A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thắm tình đoàn kết hữu nghị Việt – Lào: Đón Tết cổ truyền Bunpimay 2014 cho sinh viên Lào tại Kon Tum

            Cũng giống như Tết Nguyên đán của Việt Nam, ở Lào cũng có ngày tết truyền thống của mình. Tết Lào có tên gọi là Bunpimay và được diễn ra từ 13/4 đến 15/4 hàng năm. Nhằm động viên, khuyến khích các sinh viên Lào đang học tập và làm việc tại tỉnh Kon Tum, với chủ đề “Thắm tình đoàn kết hữu nghị Việt- Lào”, UBND tỉnh Kon Tum vừa tổ chức đêm hội chào đón Tết cổ truyền Bunpimay dành cho 35 sinh viên, cán bộ nước bạn Lào đang học tập, công tác tại tỉnh Kon Tum với không khí trang trọng, ấm cúng, ý nghĩa theo đúng nghi lễ truyền thống tại trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật tỉnh.

alt

Thầy cúng và lưu sinh viên Lào đang thực hiện nghi thức cầu nguyện năm mới

Thực hiện sự liên kết đào tạo của hai nhà nước, toàn tỉnh Kon Tum hiện có 01 cán bộ công tác tại Sở Ngoại vụ tỉnh và 34 lưu sinh viên nước bạn Lào đang theo học tại 04 trường chuyên nghiệp: Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum 10 sinh viên, trường Cao đẳng sư phạm 06 sinh viên, trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật 10 sinh viên và trường Trung cấp Y tế 08 sinh viên.

Tadam Zatakun- cán bộ của Sở Ngoại vụ tỉnh Attapư được cử sang công tác, học tập kinh nghiệm làm việc tại tỉnh Kon Tum. Công việc chính của em là dịch các văn bản ngoại giao từ tiếng Việt sang tiếng Lào và ngược lại. Tadam Zatakun tâm sự: Em sang đây được 4 tháng rồi, mới đầu nhớ nhà lắm, nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ của mọi người ở đây đã làm em thấy yêu và gắn bó với Kon Tum. Người Kon Tum thật thân thiện. Cảm ơn tỉnh Kon Tum đã tạo điều kiện cho chúng em được đón Tết cổ truyền của dân tộc mình ngay trên quê hương đất bạn như thế này.

Học tiếng Việt 6 tháng trước khi vào học chuyên ngành, sinh viên năm cuối chuyên ngành Chăn nuôi thú y, Trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật Kon Tum Khăm đít Miêng La Văn chỉ còn mấy tháng nữa thôi là tốt nghiệp và về quê hương công tác ở tỉnh Attapư lại cho chúng tôi đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác: Em nói tiếng Việt khá chuẩn, biết sử dụng cả ca dao, tục ngữ của Việt Nam và đặc biệt là kể vanh vách khá nhiều món ăn của Việt Nam mà em thích. Trong không khí đón Tết cổ truyền Bunpimay 2014, cũng chung niềm vui như Tadam Zatakun và các lưu sinh viên Lào ở đây, em cho biết: Tết Bunpimay về mà phải xa quê hương, em và các bạn đang theo học ở đây rất buồn, nhớ gia đình, nhớ bạn bè lắm. Giờ được tỉnh Kon Tum tổ chức như thế này, em cảm thấy rất hạnh phúc. Em sẽ cố gắng học tập tốt hơn, nói tiếng Việt rành rõi hơn, thi tốt nghiệp nhận bằng để về phục vụ cho đất nước của mình”.

alt

Lãnh đạo tỉnh tặng quà Tết cho các lưu sinh viên và cán bộ Lào

Đến dự và chung vui cùng các em, thay mặt lãnh đạo tỉnh Kon Tum, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt – Lào Lê Thị Kim Đơn nói: Với truyền thống tốt đẹp trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam- Lào; mối quan hệ giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh Nam Lào liên tục được củng cố phát triển, trong những năm qua công tác đối ngoại giữa tỉnh Kon Tum với các tỉnh Nam Lào tiếp tục được triển khai tích cực góp phần xây dựng và thắt chặt mối quan hệ đoàn kết giữa hai nước Việt Nam- Lào. Các địa phương đã tích cực hợp tác trên các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng…Tỉnh Kon Tum đã đón nhận nhiều học sinh, sinh viên và cán bộ sang học tập và công tác. Đây là một hoạt động khẳng định mối quan hệ đặc biệt giữa Việt Nam và Lào. Qua các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao chào mừng Tết cổ truyền Bunpimay còn tạo điều kiện cho tuổi trẻ hai nước hiểu thêm về truyền thống văn hóa hai nước Việt Nam- Lào, tạo điều kiện giao lưu, học hỏi nhằm góp phần thắt chặt mối quan hệ đặc biệt mà bao thế hệ cha ông đã vun đắp. Đề nghị các sở, ban, ngành, các trường học tạo điều kiện thuận lợi nhất để các em lưu học sinh, sinh viên Lào phấn đấu học tập và làm việc đạt kết quả cao nhất, góp phần tăng cường và củng cố tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt Nam- Lào. Chúc mối quan hệ, hợp tác toàn diện của hai nước Việt Nam- Lào “Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững”. Chúc mối quan hệ và hợp tác của tỉnh Kon Tum với các tỉnh Nam Lào ngày càng phát triển và thành công. Chúc các em lưu học sinh Lào cùng gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng.

alt

Thiếu nữ Lào với vòng hoa chăm-pa trên ngực đang buộc chỉ cổ tay cầu phúc lành

Giữa vòng tay bạn bè, thầy cô, dù đang học tập xa quê hương, đất nước song các sinh viên Lào vẫn cảm nhận được hơi ấm quê nhà thông qua những nghi thức đón Tết cổ truyền Bunpimay ngay trong đêm hội như: Nghi thức cầu nguyện năm mới, buộc chỉ cổ tay cầu phúc lành, té nước để gột rửa điều xấu và cầu chúc cho một năm mới mạnh khỏe, hạnh phúc.

Cùng với Đêm hội đón Tết cổ truyền Bunpimay do UBND tỉnh tổ chức, các trường có sinh viên Lào học tập còn tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao bắt đầu từ ngày 11 – 15/4 – khi Tết cổ truyền Bunpimay kết thúc.

Lễ hội Bunpimay mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, ấm no hạnh phúc thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Tết Bunpimay diễn ra trong ba ngày (13-15/4). Ngày đầu tiên người ta lau dọn sạch sẽ trong nhà ngoài ngõ, để xua đuổi tà ma quấy nhiễu. Nhà cửa thì đã được sơn sửa từ trước để đón vị thần Song Kan mới, cũng như trước đó các pho tượng phật trong tất cả các ngôi chùa ở Lào đều được cọ rửa bụi bặm, rêu phong và dựng những cây phướn với những giải giấy dài bay phất phới, mầu sặc sỡ, có in hình tượng 12 con giáp cắm quanh sân chùa. Ngày thứ hai không được tính đến vì đó là giao thời giữa năm cũ và năm mới. Hội bắt đầu vào ngày cuối cùng với nhiều hoạt động tưng bừng khắp nơi. Ngày cuối cũng là ngày kết thúc tuần trăng.

Trong những ngày Tết, tất cả người dân trên nước Lào tập trung ở chùa để làm lễ cúng Phật, cầu nguyện, nghe các nhà sư giảng đạo. Sau khi làm lễ ở chùa, mọi người có thể vào tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại đem về nhà để sức vào người làm phước. Người ta còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa. Họ không chỉ té nước vào người mà còn vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất.

Ngày Tết không thể thiếu hoa 2 loài hoa phổ biến đó là hoa Chăm pa và hoa Muồng vàng. Hoa Chăm pa thì được kết vòng đeo cổ hoặc cài lên tóc, còn hoa muồng vàng được treo khắp nơi, thậm trí trên cửa kính ôtô, xe máy hay cả xe lam để mong gặp may mắn trong năm mới

Sau khi kết thúc buổi lễ, thì hội té nước chính thức bắt đầu. Từ trẻ em đến người lớn tụ tập thành từng nhóm để té nước người qua đường. Trước khi té nước cho nhau, người ta thường dành cho nhau những lời chúc tốt lành. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, sạch sẽ và mạnh khỏe. Ai bị ướt nhiều là hạnh phúc nhiều.

Dương Nương