A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phòng ngừa tội phạm mua bán người

Phát huy vai trò của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn và các tổ chức chính trị-xã hội ở địa bàn cơ sở để tuyên truyền đến mỗi người dân về phòng, chống mua bán người. 

Thực hiện Quyết định số 193/QĐ-TTg, ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, năm 2024, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, công tác phấn đấu kiềm chế, làm giảm tội phạm mua bán người; kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ, tổ chức hiệu quả các giải pháp phòng ngừa ngay từ địa bàn cơ sở, trong đó, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng. 

Đẩy mạnh truyền thông về phòng, chống mua bán người

Đa dạng các hoạt động truyền thông phòng, chống mua bán người (Ảnh minh họa)

Theo đó, cần tập trung xác định rõ đối tượng, nội dung và phương pháp truyền thông phù hợp nhằm mục tiêu năm 2024 kéo giảm số vụ phạm tội mua bán người dưới hình thức lừa đảo xuất cảnh đi nước ngoài làm việc nhẹ lương cao; mua bán người trong nội địa. Đẩy mạnh truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, chú trọng tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng; tuyên truyền chính sách, pháp luật về đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; xây dựng tài liệu truyền thông, tổ chức nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các hoạt động sân khấu hóa, xây dựng pano, áp phích... 

Tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông truyền thống như tổ chức mít tinh và các hoạt động truyền thông hưởng ứng "Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7" và "Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30/7" phù hợp với thông điệp quốc tế về phòng, chống mua bán người năm 2024. Tăng cường tuyên truyền về công tác phòng, chống mua bán người trên Cổng thông tin điện tử các Bộ, ngành, đặc biệt là trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an. 

Xây dựng sản phẩm truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, kênh truyền thông của các tổ chức chính trị xã hội như trên fanpage của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; tổ chức sản xuất, phát sóng các chương trình truyền hình, tin, bài, phóng sự về phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người, chính sách, pháp luật và kết quả đấu tranh phòng, chóng mua bán người của các lực lượng chức năng... trên các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và cơ quan thông tấn, báo chí. 

Lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển, các Quân khu tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tại các địa bàn biên giới, vùng biển, hải đảo về phòng, chống mua bán người. Phát huy vai trò của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn và các tổ chức chính trị xã hội ở địa bàn cơ sở để tuyên truyền đến mỗi người dân về phòng, chống mua bán người. 

Tổ chức chiến dịch truyền thông về phòng, chống mua bán người trong học sinh, sinh viên, các trường đại học, cao đẳng, các trường phổ thông dân tộc nội trú để tuyên truyền phòng, chống mua bán người trong nội địa, mua bán người dưới hình thức lừa đảo xuất khẩu lao động "việc nhẹ lương cao"...


Tác giả: Khánh Vi