A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” trên các tuyến giao thông

 

Họ – những người đại diện cho hàng ngàn tình nguyện viên vẫn đang hàng ngày lặng lẽ có mặt trên những cung đường, không phải để mưu sinh, cũng không vì người thân, mà để giúp đỡ những người xa lạ phải đối mặt với hiểm nguy…

Biểu dương những điển hình tiên tiến trong công tác đảm bảo TTATGT

(Ảnh minh họa)

Nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trên các tuyến giao thông là hình thức cơ bản, hiệu quả nhằm thu hút đông đảo Nhân dân tham gia phong trào, là động lực mạnh mẽ để đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Do đó, những năm gần đây, công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên các tuyến giao thông đã có những bước chuyển biến rõ rệt, từng bước được củng cố, phát triển đa dạng các loại mô hình, ngày càng phát triển cả về bề rộng và chiều sâu.

Bằng sự năng động và sáng tạo của mình, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác này. Hiện toàn quốc có 14.427 mô hình nhân dân tự quản bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT); trong đó, có 14.427 mô hình trên đường bộ, 28 mô hình trên đường sắt và 1.646 mô hình trên đường thủy nội địa. Các mô hình đã thu hút trên 719.277 người dân tự giác tham gia. Điển hình là các địa phương: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Đăk Lắk, Cần Thơ…

Quy chế hoạt động của các mô hình dựa trên nguyên tắc dân chủ, lấy nhân tố tích cực để tác động đến những phần tử tiêu cực, tạo điều kiện nhân rộng mối quan hệ, đoàn kết trong cộng đồng và tinh thần tương thân tương ái trong đời sống, sản xuất, kinh doanh. Định kỳ, các mô hình đều sinh hoạt để đánh giá kết quả cụ thể và ghi nhận những phản ánh, những ý kiến đóng góp của các thành viên. Xây dựng mô hình là bước phát huy sức mạnh lực lượng tại chỗ từ những người dân sinh sống trên địa bàn và chính quyền địa phương trong giảm thiểu tai nạn giao thông, vi phạm an toàn giao thông và tham gia tố giác, cung cấp thông tin, trực tiếp đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Thông qua việc triển khai thực hiện các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến trong công tác bảo đảm TTATGT, nổi bật là các tấm gương: Ông Mai Văn Phước, tên thường gọi Bảy Đèo (82 tuổi) ngụ khóm Mỹ Phú, phường Mỹ Phú, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã tình nguyện cặm cụi vá từng “ổ gà” trên tuyến đường thuộc địa bàn thành phố Cao Lãnh suốt 12 năm; ông Trần Bài – Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, Tổ trưởng tổ dân phố số 16 phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, mặc dù đã bước sang tuổi 80, ông đã cùng gần 10 người trong Đội tự quản phối hợp với Công an phường thay phiên nhau giữ ổn định trật tự, điều tiết giao thông tại thành phố Thái Bình; Hội chữ thập đỏ thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đã thành lập các đội tình nguyện viên tham gia sơ cấp cứu TNGT để giúp đỡ những nạn nhân trong các vụ tai nạn… Họ – những người đại diện cho hàng ngàn tình nguyện viên vẫn đang hàng ngày lặng lẽ có mặt trên những cung đường, không phải để mưu sinh, cũng không vì người thân, mà để giúp đỡ những người xa lạ phải đối mặt với hiểm nguy… Những việc làm này đã cho thấy, phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ đã thu hút được đông đảo người dân tham gia, có sức lan tỏa sâu rộng, góp phần quan trọng trong công tác bảo đảm TTATGT, trật tự an toàn xã hội.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, thông qua thực hiện phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, Công an tỉnh luôn chú trọng gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn TTATGT, xây dựng nếp sống văn hóa giao thông”. Bên cạnh việc phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định có liên quan về quyền, nghĩa vụ và chế độ, chính sách để Nhân dân nắm và chấp hành tốt, tích cực tham gia bảo đảm an ninh trật tự tại địa phương, Công an tỉnh còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng, triển khai có hiệu quả các mô hình tự quản về TTATGT ở các khu dân cư, thôn, xóm.., căn cứ kết quả chấp hành pháp luật về TTATGT để đánh giá, phân loại “gia đình văn hóa”, “khu dân cư văn hóa kiểu mẫu”…; tổ chức nêu gương, khen thưởng kịp thời với các điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân giữ gìn TTATGT; phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động Đoàn thanh niên, đồng thời nhân rộng mô hình “Đội Thanh niên tình nguyện ứng cứu tai nạn giao thông” hiện đang hoạt động có hiệu quả trên tuyến đường Hồ Chí Minh (khu vực Đèo Lò Xo thuộc địa bàn huyện Đăk Glei) ra các tuyến giao thông trọng điểm, Bảo vệ dân phố, dân quân tự vệ… trong tham gia bảo đảm TTATGT. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.714 Tổ an ninh nhân dân; 132 Tổ Bảo vệ dân số; 53 Tổ tự quản về an ninh trật tự; 206 Tổ hòa giải; 45 mô hình (Mô hình “Tổ cộng đồng tự quản”, mô hình “Tiếng kẻng làng tôi”, mô hình “Đội Thanh niên tình nguyện ứng cứu tai nạn giao thông”…) và nhiều điển hình tiên tiến như anh Đinh Văn Hoàng (30 tuổi) được mọi người gọi với cái tên Hoàng “lò xo” bởi đã nhiều năm qua, anh âm thầm làm công việc cứu người bị nạn trên đèo Lò Xo, đoạn đi qua địa bàn xã Đắk Man, huyện Đắk Glei…

Như vậy, thông qua công tác xây dựng, nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên các tuyến giao thông đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương, tích cực đấu tranh phòng, chống tội phạm và các vi phạm pháp luật, kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn. Năm 2016, 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xảy ra 174 vụ tai nạn giao thông, làm chết 180 người, 149 người bị thương; riêng 06 tháng đầu năm 2018, tai nạn giao thông giảm 09 vụ, giảm 10 người chết, giảm 02 người bị thương so với cùng kỳ năm 2017.

Để tiếp tục phát huy vai trò của mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên các tuyến giao thông góp phần đảm bảo TTATGT, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, các lực lượng chức năng Công an tỉnh cần nâng cao chất lượng, hiệu quả, đổi mới nội dung, hình thức công tác xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến này, tạo điểm nhấn có sức lan tỏa, lôi cuốn trong phong trào; xây dựng các mô hình điểm trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, bảo đảm TTATGT; lồng ghép phong trào “Toàn dân tham gia giữ gìn TTATGT” với các phong trào khác như: Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, xóm văn hóa và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; phát huy vai trò của truyền thông trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân cùng chung sức tham gia bảo đảm TTATGT, trật tự an toàn xã hội.

Thái Ngân