A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giúp chàng trai Hlăng khuyết tật sớm có nhà ở

Thương cho bố mẹ già yếu hay đau ốm, chàng trai khuyết tật người Hlăng – A Tua ở làng Rờ Kơi (xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy) đã xin ra riêng tự lập để không là gánh nặng cho gia đình. Từ khi ra riêng đến nay, dù đã rất nỗ lực nhưng cuộc sống của A Tua gặp rất nhiều khó khăn, cần được sẻ chia giúp đỡ.

Những vật dụng và tiện nghi sinh hoạt trong căn nhà A Tua vừa mới được hỗ trợ

Bản thân A Tua từ lúc mới sinh ra đôi chân đã bị teo, bàn chân co quắp không đi lại được – nhiều người bảo đấy là do di chứng chất độc hóa học mà bố anh đã nếm trải trong những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Vì vậy, từ nhỏ, sức khỏe của A Tua rất yếu, đặc biệt khi trái gió trở trời, đôi chân anh cứ tê nhức.

Cách đây 10 năm, A Tua được Nhà nước hỗ trợ đưa xuống Bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) để phẫu thuật chân phải lắp ghép chân giả. Việc phẫu thuật giúp anh phần nào đi lại được nhưng căn bệnh đau nhức bên trong xương khớp chân thì không được chữa khỏi mà ngày càng nặng hơn.

Chứng kiến cảnh bố mẹ bệnh tật, đau ốm, lại phải chăm sóc cả đứa con trai tật nguyền nên nhiều lúc A Tua thấy tuổi thân lắm, vì đã không giúp được gì cho bố mẹ già mà còn là gánh nặng. Năm 2015, A Tua quyết định xin bố mẹ miếng đất nhỏ ở gần rồi nhờ người quen dựng cho căn nhà tạm bằng vách nứa để tách hộ ra riêng.

A Tua nghĩ mình có thể cố gắng làm được nhiều việc để chăm lo cho bản thân, nhưng rồi mọi thứ lại bị sức khỏe khống chế. Cuộc sống của A Tua dựa hoàn toàn vào số tiền trợ cấp của Nhà nước dành cho người nhiễm chất độc hóa học là con của người có công với cách mạng với mức 800.000 đồng/tháng nên rất khó khăn, chật vật. Nhiều lúc túng thiếu nhưng A Tua cố chịu đựng, chi tiêu thật tiết kiệm để không làm bố mẹ lo lắng. Có lúc đôi chân đau nhức, không đi lại được nhưng A Tua cũng không dám đi bệnh viện vì sợ tốn kém nhiều tiền…

Sau chương trình hướng về cơ sở do Đoàn thanh niên Công an tỉnh tổ chức tại xã Rờ Kơi năm 2017, đến nay, tôi mới có cơ hội trở lại nơi này để gặp lại A Tua (1987) ở làng Rờ Kơi (xã Rờ Kơi) – thanh niên khuyết tật người Hlăng đầy nghị lực.

Gặp chúng tôi, A Tua kể rất nhiều chuyện vui đến với anh trong thời gian qua. Đầu tiên là chuyện con heo được Đoàn thanh niên Công an tỉnh tặng trong chương trình từ thiện năm ngoái mới đẻ được 7 con, rồi đến chuyện anh mới được Đoàn thanh niên Công an tỉnh, Huyện đoàn Sa Thầy (các lực lượng tham gia Hành quân xây dựng cơ sở năm nay tại Rờ Kơi) dựng lại căn nhà tạm nên không còn cảnh dột nát trong mùa mưa này…

Đoàn viên Công an tỉnh sửa nhà cho A Tua

A Tua dẫn chúng tôi tham quan căn nhà ván gỗ, lợp bằng tôn, nền xi măng sạch đẹp thay cho cho tre nứa lá, nền đất, cứ mưa đến là nhão nhẹt, ướt sũng với gương mặt rạng rỡ: “Mấy hôm trước, căn nhà dột quá, tôi phải qua nhà bố mẹ ở gần đó ngủ nhờ. Đang rất lo lắng nếu mưa kéo dài chắc sẽ không còn nhà để ở thì tuần vừa rồi, tôi lại được các lực lượng tình nguyện lên đây vận động quyên góp từ nhiều nguồn dựng lại cho căn nhà tạm khác. Không chỉ giúp dựng lại nhà ở, các lực lượng tình nguyện còn giúp đỡ làm vườn rau; tặng giường, tủ, tivi và cuốn sổ tiết kiệm 2 triệu đồng mong tôi có cuộc sống tốt đẹp hơn” – A Tua khoe.

Đang kể chuyện hào hứng bỗng A Tua khựng lại: “Nghĩ sau khi ra riêng có thể làm nhiều việc để tự lo cho bản thân mình nhưng rồi chẳng có đủ sức khỏe để làm được việc gì…”.

Chúng tôi an ủi: “A Tua đã tự mình dựng được chuồng trại và gầy được đàn heo đấy thôi”. Nghe đến đây, A Tua vui vẻ trở lại: “Chăn nuôi như vậy cũng vừa sức với mình. Chỉ tiếc là thời gian qua không có vốn để chăn nuôi thêm…”. Nói rồi vẻ mặt A Tua ưu tư: “Không biết căn nhà tạm mới dựng này trụ được qua bao mùa mưa nữa. Vì mới năm ngoái đây thôi, cũng nhờ lực lượng Đoàn thanh niên Công an tỉnh lên tổ chức chương trình, đi chặt tre nứa sửa chữa cho căn nhà nhưng do ở đây điều kiện thời tiết khắc nghiệt quá nên chỉ được một năm nhà đã bị dột trở lại”.

Một đoàn viên trong Đoàn đi cùng tôi tò mò: Chưa lập gia đình sao A Tua không ở cùng bố mẹ mà phải ra riêng? Người thanh niên Hlăng vẻ mặt đượm buồn: “Mình muốn ra riêng để tự chăm sóc cho bản thân, không muốn trở thành gánh nặng cho bố mẹ cũng đã già yếu”.

Nghe A Tua nói, chúng tôi hiểu được suy nghĩ và tấm lòng của anh’ đối với bố mẹ mình. A Tua kể cho chúng tôi nghe, anh là con thứ 2 trong gia đình có đến 6 anh chị em. Bố A Tua – tên A Iu từng tham gia kháng chiến chống Mỹ, là thương binh hạng nặng với tỷ lệ thương tật 71%. Trở về sau chiến tranh, trong đầu ông A Iu vẫn còn mang một mảnh đạn nên thường hay lên cơn co giật, la hét dữ dội mỗi khi lên cơn đau. Còn mẹ A Tua – bà Y Tỏi cũng đã già yếu, mất sức lao động.

Tặng sổ tiết kiệm trị giá 2.000.000đ cho anh A Tua

A Tua không bao giờ dám mơ ước mình sẽ có một mái gia đình hạnh phúc bên người vợ và những đứa con, bởi cuộc sống của anh cơm chưa đủ ăn, lại không lao động nặng nhọc được thì không thể tiếp tục trở thành gánh nặng cho những người thân yêu của mình. Điều mà A Tua mong muốn nhất hiện nay là làm sao để anh có được một chỗ ở bền vững, lâu dài, không còn nơm nớp nỗi lo vài năm lại phải nhờ nguồn giúp đỡ thay cho cái nhà tạm khác…

A Tua chỉ vào đàn heo đang chạy lon ton ở sân vườn với nhiều hy vọng: “Mình sẽ bắt đầu chăn nuôi heo. Nếu có điều kiện mình sẽ chăn nuôi thêm gà, vịt… Mình sẽ cố gắng vươn lên với khả năng sức lực còn có thể”.

Dù mọi việc mới chỉ bắt đầu cho một cuộc sống mới tự lập còn nhiều khó khăn, nhưng thật đáng khâm phục ý chí của chàng trai Hlăng khuyết tật giàu nghị lực. Để tiếp thêm sức mạnh giúp A Tua vượt qua bệnh tật vươn lên trong cuộc sống, rất cần đến sự chung tay giúp đỡ từ những tấm lòng hảo tâm.

Lã Chí An