A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy mốc son chói lọi của lực lượng An ninh đối ngoại từ "Kế hoạch phản gián CM12"

         Hướng tới kỷ niệm 40 năm thắng lợi của Kế hoạch CM12, kế thừa, phát huy mốc son chói lọi, tô đậm truyền thống anh hùng của các thế hệ đi trước, sáng ngày 31/5/2024, Phòng An ninh đối ngoại  tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề Cùng ôn lại chiến công xuất sắc, đầy tự hào và kế thừa, phát huy mốc son chói lọi, tô đậm truyền thống anh hùng của lực lượng an ninh đối ngoại từ kế hoạch phản gián CM12”. Đồng chí Đại tá Nguyễn Đình Thúy, Trưởng phòng An ninh đối ngoại chủ trì buổi tọa đàm. 

          Tại buổi toạ đàm, lãnh đạo, cán bộ trong đơn vị đã cùng nhau ôn lại kỳ tích chói lọi “Kế hoạch phản gián CM12”, qua đó, trao đổi, đúc rút kinh nghiệm, bài học trong thực hiện nhiệm vụ công tác đảm bảo an ninh, trật tự (ANTT) nói chung, đảm bảo an ninh đối ngoại nói riêng để vận dụng vào thực tiễn góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Quang cảnh buổi tọa đàm

Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc, Kế hoạch CM12 là một trong những chiến công đặc biệt xuất sắc và đáng tự hào của lực lượng CAND. Kế hoạch CM12 là một chiến dịch phản gián có quy mô lớn cả về thời gian, không gian và bố trí lực lượng đấu tranh. Bộ Công an xác định: “Thắng lợi của Kế hoạch CM12 là một trong những trận đánh hay nhất, lớn nhất và an toàn nhất của lực lượng Công an Nhân dân Việt Nam kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và sự sáng tạo tuyệt vời của lực lượng CAND; trong đó, chủ công là lực lượng An ninh nhân dân”.

Kế hoạch CM-12 là một chiến dịch phản gián của lực lượng An ninh Việt Nam. Chiến dịch này kéo dài từ năm 1981 đến năm 1984 nhằm làm thất bại kế hoạch của tổ chức Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng miền Nam Việt Nam do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh đứng đầu. Tổ chức này cùng với sự hỗ trợ của tình báo Thái Lan và Trung Quốc, bí mật đưa gián điệp biệt kích, vũ khí từ nước ngoài vào, liên kết với các tổ chức chống chính quyền trong nội địa, tiến hành gây bạo loạn cướp chính quyền từng vùng để đi đến bạo loạn cướp chính quyền trên cả nước.

Đối tượng đấu tranh trong Kế hoạch là bọn gián điệp, biệt kích, các tổ chức phản động lưu vong, nhất là tổ chức phản động "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu, Kế hoạch CM12 được thực hiện trong vòng 3 năm (từ tháng 9/1981 - 9/1984). Trung tâm chỉ huy của Kế hoạch được đặt tại Hòn Đá Bạc, thuộc địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; Kế hoạch do đồng chí Phạm Hùng - Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) chỉ đạo, đặt tên…

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, các tổ chức phản động được hậu thuẫn của các thế lực chống phá Việt Nam từ bên ngoài điên cuồng, quyết liệt chống phá, lợi dụng bối cảnh Việt Nam khi đó đang gặp nhiều khó khăn sau thời kỳ hậu chiến, tổ chức phản động "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" đã tổ chức móc nối với các tổ chức phản động và các cơ sở được cài cắm theo “Kế hoạch hậu chiến” nhằm phối hợp “trong”, “ngoài, cài cắm "chân rết" mục tiêu là chống phá Việt Nam tại khắp các tỉnh phía Nam, vươn ra các nước trong khu vực và trải dọc biển Đông đến vùng đảo cực Bắc Tổ quốc ”…

Tháng 7/1975, Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh sang một nước châu Âu, thành lập một tổ chức phản động với tên gọi “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam”. Ngày 17 tháng 2 năm 1976, tại khách sạn Méridien, Paris, Túy và Hạnh tổ chức họp báo công khai Mặt trận trước 300 nhà báo hải ngoại và lực lượng lưu vong tại Pháp. Mặc dù Túy công bố là mặt trận được thành lập trong một cuộc họp bí mật ở miền Nam vào tháng 10 năm 1975 nhưng chỉ nhằm phô trương thanh thế của mặt trận vì tháng 7 năm 1975, do mang quốc tịch Pháp, Túy đã bị lực lượng Công an Việt Nam trục xuất ra khỏi Việt Nam. Lúc này đây vẫn còn là một tổ chức chính trị ít thanh thế và ảnh hưởng.Trong buổi họp báo này, Mặt trận cho công khai Túy làm chủ tịch, Lê Phước Sang làm phó chủ tịch còn Lê Phước Tài làm tổng thư ký. Đến năm 1979, tổ chức phản động của Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh được chính quyền cực hữu của một quốc gia trong khu vực cho mượn đất, tạo điều kiện hoạt động. Chúng thành lập trụ sở với tên gọi “Tổng hành dinh”, có sự liên lạc chặt chẽ với bọn phản động quốc tế và các căn cứ, lực lượng phản động trong nước, lập hai căn cứ có tên “Tự thắng” và “Quyết tiến”, để huấn luyện, thao diễn, làm doanh trại…với mục đích tung bọn gián điệp. biệt kích cùng với phương tiện, vũ khí xâm nhập về nước. 

Trong năm 1980, tình báo Thái Lan phụ trách công tác huấn luyện biệt kích và cơ sở hậu cần trên đất Thái, cho phép sử dụng cảng Rayon và đảo Samui làm đầu cầu tập kết vũ khí và huấn luyện biệt kích để tiến hành xâm nhập miền Nam Việt Nam bằng đường biển, còn cục Hoa Nam hỗ trợ tin tình báo quốc nội, và các phương tiện hoạt động như in đến 300 triệu tiền Việt Nam giả, cung cấp vũ khí hệ XHCN cho lục lượng biệt kích, một số tàu chở biệt kích thậm chí từ Thái Lan vòng lên đảo Hải Nam để lấy vũ khí và trang bị, nhằm đánh lạc hướng hải quân Việt Nam, rồi vòng xuống phía Nam tiếp cận khu vực Cà Mau. Có thể nói, đây là lần đầu tiên, các tổ chức hậu thân của Việt Nam Cộng hòa bắt tay với một nước Cộng Sản nhằm lật đổ hệ thống chính trị ở một nước Cộng sản khác. Đến cuối năm 1980, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh tung toán gián điệp biệt kích đầu tiên gồm 23 tên xâm nhập vào nước ta bằng đường bộ vào tỉnh An Giang. Tuy nhiên, toán biệt kích mang với tên gọi “Minh Vương I” này bị ta phát hiện, truy lùng, bắt gần hết (trong đó 1 tên đã bị tiêu diệt) và thu giữ điện đài, vũ khí cùng nhiều phương tiện hoạt động khác…

Trong khi đó, Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh không biết các toán biệt kích "mở đường" từ đầu năm 1981, kể cả toán "Minh Vương I" đã bị bắt gọn, khống chế, thuyết phục nên đã tự giác phục vụ cho chính quyền cách mạng… Và qua phân tích và nhận định tình hình, xác định nhiều khả năng bọn phản động sẽ thay đổi hướng xâm nhập bằng cách đi bằng đường biển vào các tỉnh phía Nam Tổ quốc nên Ban Chuyên án đã có những đối sách tiếp theo…

Dựa trên những thông tin mà các đối tượng chuyển về căn cứ theo chỉ đạo của Ban Chuyên án CM12, các đối tượng Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh tiếp tục chỉ đạo lập kế hoạch "Minh Vương 2" và không di chuyển bằng đường bộ mà thâm nhập bằng đường biển vào Việt Nam. Toán này có nhiệm vụ luồn sâu vào rừng U Minh Thượng lập mật cứ kháng chiến để tiếp nhận vũ khí, thuốc men, lương thực, tiền bạc từ các chuyến tàu biển chuyển đến. Đồng thời nghiên cứu, lập ra những biệt đội ám sát, dùng chất nổ phá hoại những mục tiêu quan trọng ở các tỉnh, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh để gây tiếng vang rồi từng bước đưa cái gọi là "Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam" ra công khai, nhằm lật đổ chính quyền cách mạng…

Được sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của quần chúng nhân dân cùng với triển khai đồng bộ nhiều kế hoạch có liên quan, từ ngày 9/9/1981 đến 9/9/1984, lực lượng An ninh nhân dân đã đón lõng được 18 chuyến xâm nhập của tổ chức do Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh cầm đầu. Mỗi chuyến xâm nhập, chúng mang theo hàng chục tấn vũ khí, thuốc nổ cực mạnh, gián điệp biệt kích…

Đặc biệt, với vai trò chỉ huy, cầm đầu, Mai Văn Hạnh nhiều lần trực tiếp xâm nhập về nước để kiểm tra "kho tàng", "mật cứ", gặp gỡ số gián điệp biệt kích đã xâm nhập từ trước cùng với những tên cầm đầu các tổ chức phản động trong nước vạch các kế hoạch đánh phá cách mạng mà không biết rằng tất cả đã nằm trong tầm tính toán và kế hoạch của lực lượng CAND Việt Nam. Đến ngày 9/9/1984, khi 2 con tàu xâm nhập cuối cùng đổ bộ vào Việt Nam, Ban Chuyên án đã quyết định bắt giữ toàn bộ tài liệu, tang vật cùng Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá, riêng Lê Quốc Túy do bệnh nặng đã không đi trong chuyến này. Như vậy, hầu hết số gián điệp, biệt kích đã được huấn luyện với vũ khí, phương tiện đã được trang bị, lực lượng An ninh Việt Nam quyết định kết thúc Kế hoạch CM12 bằng trận đánh cuối cùng vào đêm 9/9/1984 tại địa điểm Hòn Đá Bạc…

Như vậy, sau hơn 3 năm “từ năm 1981 đến ngày 9/9/1984”, Kế hoạch phản gián CM12 của lực lượng CAND Việt Nam đã thành công tốt đẹp. Lực lượng An ninh Việt Nam đã tổ chức đón, bắt 18 chuyến xâm nhập, 189 tên phản động lưu vong, thu giữ 143 tấn vũ khí, 90 tấn đạn dược, 1,2 tấn chất nổ, 14 tấn tiền giả; bắt và tiêu diệt hàng trăm tên gián điệp, biệt kích, thu hàng trăm tấn vũ khí, nhiều phương tiện chiến tranh. Phá tan hàng chục tổ chức phản động trong nước, làm phá sản toàn bộ hoạt động vũ trang và xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam hòng gây bạo loạn, lật đổ... Qua thực hiện Kế hoạch CM12, lực lượng an ninh còn phát hiện, đấu tranh bóc gỡ hàng chục tổ chức phản động do địch cài lại trong nội địa, bắt hàng ngàn tên đang ẩn nấp trong các vỏ bọc khác nhau ở miền Trung, miền Đông và miền Tây Nam bộ...

Ghi nhận, đánh giá cao chiến công đặc biệt xuất sắc của các lực lượng tham gia thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12, Đảng, Nhà nước đã phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho 2 tập thể và 3 cá nhân thuộc CAND và nhiều phần thưởng cao quý khác. Để ghi lại dấu ấn lịch sử Hòn Đá Bạc - địa danh đã thực hiện thắng lợi Kế hoạch CM12 địa danh này được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử - văn hóa Quốc gia. Nơi đây có Nhà truyền thống, Tượng đài chiến thắng CM12, góp phần tăng cường giáo dục truyền thống, chính trị tư tưởng cho các thế hệ cán bộ, chiến sĩ CAND.

Thắng lợi của Kế hoạch CM12 là một trong chiến thắng hay nhất, lớn nhất và an toàn nhất của lực lượng Công an nhân dân  Việt Nam kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và sự sáng tạo của lực lượng CAND; trong đó, chủ công là lực lượng An ninh nhân dân. Thắng lợi trọn vẹn của kế hoạch phản gián CM 12 có tầm vóc, ý nghĩa lịch sử hết sức to lớn. Nó đánh dấu sự thất bại ý đồ thâm độc, xảo quyệt của địch; khẳng định tinh thần đấu tranh quyết liệt, mưu trí, dũng cảm, sự sáng tạo và trình độ nghiệp vụ. Đây là thắng lợi của sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy, chính quyền các địa phương; kết quả của mối quan hệ máu thịt giữa lực lượng Công an với quần chúng nhân dân, của sự hiệp đồng phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa CAND với QĐND và các cấp, các ngành. Là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh chính trị, lòng dũng cảm, sự sáng tạo, sự chủ động trong bố trí thế trận đảm bảo an ninh của lực lượng Công an Việt Nam

Nhìn lại 40 năm chiến thắng vẻ vang của lực lượng An ninh nhân dân, đồng chí Tô Lâm - Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, khẳng định: “Thành công của Kế hoạch phản gián CM12 là một trong những chuyên án điển hình, có ý nghĩa to lớn, mang tầm chiến lược, không chỉ về mặt nghiệp vụ mà còn có giá trị lịch sử quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia; là đòn tấn công quyết định làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, thắng lợi của Kế hoạch phản gián CM12 là bài học lớn, là mốc son chói lọi để thế hệ trẻ phải nhắc nhớ và không bao giờ quên truyền thống vệ quốc vĩ đại của lớp lớp cha anh đi trước”.


Tác giả: Y Ngoan