A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lớp Đại học An ninh nhân dân hệ vừa làm vừa học Khoá IV tham quan khu di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum

Nằm trong kế hoạch giảng dạy của Khoa Lý luận Chính trị và khoa học xã hội và nhân văn của Trường Đại học An ninh nhân dân (ANND), vừa qua, toàn bộ học viên lớp Đại học ANND hệ VLVH – Khóa IV mở tại Công an tỉnh Kon Tum đã tiến hành tham quan khu di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum và tìm hiểu về 02 cuộc đấu tranh Lưu huyết và Tuyệt thực tại Nhà ngục. 

          Trong không khí trang nghiêm, thành kính trước bia tưởng niệm của 02 cuộc đấu tranh Tuyệt thực và cuộc đấu tranh Lưu huyết tại Nhà ngục Kon Tum, 118 học viên đã tiến hành dâng hương, dâng hoa và dành phút mặc niệm đến các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng áp bức tại Tỉnh Kon Tum. Mặc khác, các học viên còn được nghe hướng dẫn viên tường thuật lại 02 cuộc đấu tranh và quá trình hình thành Chi bộ Đảng đầu tiên tại Kon Tum, Chi bộ trong binh lính địch được thành lập vào cuối tháng 9/1930 đã tạo những sự chuyển biến tích cực trong đấu tranh xâm lược tại tỉnh Kon Tum nhằm phục vụ tốt cho những môn học của Khoa Lý luận Chính trị và khoa học xã hội và nhân văn đặc biệt là môn Xây dựng Đảng .

  

Toàn thể học viên tiến hành dâng hương, dâng hoa trước bia tưởng niệm

Toàn thể học viên tiến hành dâng hương, dâng hoa trước 02 bia mộ chung của Nhà ngục

         Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên với nhiệm vụ xây dựng cơ sở trong quần chúng nhân dân, tạo nên những mầm mống tư tưởng cách mạng trong đồng bào các dân tộc, đánh thức được lương tri của nhiều người đã từng là chủ làng, chánh phó tổng, sĩ quan, binh lính Pháp, các viên chức trong bộ máy cai trị thực dân, các chức sắc tôn giáo, không phải ngẫu nhiên mà có được. Đó là kết quả của quá trình đấu tranh kiên trì, gian khổ, hy sinh và sáng tạo của nhiều thế hệ chống ngoại xâm. Trong đó, trước hết phải kể đến công lao của các đảng viên của các chi bộ cộng sản trong binh lính và tù chính trị cộng sản; sự gắn bó keo sơn trong đấu tranh giữa tù chính trị với đồng bào các dân tộc; giữa Chi bộ đường phố với Chi bộ binh và tù chính trị... Và cuộc đấu tranh ngày 12/12/1931, cuộc đấu tranh Lưu huyết đã là minh chứng hùng hồn nhất cho tinh thần quả cảm của dân tộc, tinh thần bất khuất của các anh hùng tại ngục tù tăm tối. Cuộc chiến tranh là sự kết tinh của mạch nguồn dân tộc và sự khao khát được sống, được giành lại quyền cơ bản nhất của con người. Từ khi Chi bộ Đảng ra đời, phong trào đấu tranh trong Ngục Kon Tum được tổ chức chặt chẽ để vừa đạt được mục đích, vừa đỡ mất mát hy sinh, xây dựng được khối đoàn kết, thống nhất trong anh em tù chính trị, giác ngộ tù thường phạm và cả những người lính cai ngục có lòng yêu nước.

…“Bất khuất thay những con người không ngủ

Vụt sáng đi lên, trong đêm tối ngục tù

Quyết đấu tranh, không lùi bước quân thù

Giành lại quyền sống, quyền tự do dân chủ.

Trận chiến năm ấy, không có sự đắn đo

Tám anh ngã xuống, giành lại quyền tự do

Cuộc chiến “Lưu huyết” mãi vang trang sử đỏ

Vẫn viết tiếp lên, những chiến tích lẫy lừng”.

Sáng tác: Trịnh Quang Thành, học viên lớp Đại học ANND hệ VLVH – Khóa IV trích từ bài thơ “Kon Tum đất và người” trong tập thơ “90 năm, vang mãi bản hùng ca”.

          Tuy cuộc đấu tranh Lưu huyết cuối cùng bị địch đàn áp, song đã mang lại kết quả quan trọng: làm thức tỉnh được hàng ngũ binh lính địch, làm cho chính quyền thực dân phải nhượng bộ từng bước thông qua việc cải tiến chế độ làm việc, quan tâm hơn đến chế độ ăn uống, chăm sóc tù nhân lúc ốm đau, nới lỏng hơn hình thức cai trị hà khắc mà trước đây bọn chúng thường áp dụng. Các chiến sỹ cách mạng được tự do hơn trong sinh hoạt lao tù. Trong điều kiện bị giam cầm hà khắc, các chiến sỹ cộng sản ở ngục Kon Tum bằng khí tiết, niềm tin, lý tưởng cách mạng đã đấu tranh, cảm hoá  hàng ngũ binh lính địch bằng công tác tư tưởng. Với các hình thức tuyên truyền, vận động thông qua các cuộc nói chuyện trực tiếp với các lính gác nhà ngục, các bản tuyên ngôn và yêu sách của tù chính trị,….công tác tư tưởng đã góp phần làm chuyển biến tích cực trong nhận thức của hàng ngũ binh lính địch về tình người, quyền làm người; góp phần thắng lợi vào cuộc đấu tranh chống địch khủng bố ở nhà ngục Kon Tum, buộc chúng phải nhượng bộ và đi đến xoá bỏ chế độ ngục tù - một công cụ giam cầm đày ải giết chóc các tù nhân chính trị giai đoạn 1931-1934.

       Đồng chí Trung tá Lê Tùng Phương, đại diện Ban Chỉ huy lớp viết cảm tưởng tại bàn ghi cảm tưởng của Nhà ngục

          Chín mươi hai năm đã trôi qua, trải qua những biến cố, thăng trầm của lịch sử, bụi thời gian phủ tường thành rêu phong, dù phải chịu nhiều biến cố, tàn phá khốc liệt của thời gian Ngục Kon Tum vẫn sừng sững đứng bên dòng Đăk Bla hiền hòa, mãi mãi là chứng tích, minh chứng hùng hồn nhất cho những bản hùng ca tráng lệ đầy niềm tự hào của những năm tháng tranh đấu hào hùng, đầy máu và nước mắt của dân tộc nói chung, đất và người Kon Tum nói riêng và là điểm hẹn truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam, là nơi hội tụ khí thiêng của vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Hàng ngày, Ngục Kon Tum vẫn mở cửa đón du khách đến viếng anh linh các chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống.

          Qua hoạt động thực tế này đã góp phần vun đắp truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của toàn thể Cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân nói chung và học viên lớp Đại học ANND hệ VLVH – Khóa IV mở tại Công an tỉnh Kon Tum nói riêng. Hoạt động còn bày tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến những người con ưu tú của quê hương đã cùng với những người con trên mọi miền đất nước không tiếc máu xương, anh dũng chiến đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước nói chung và giải phóng mảnh đất tỉnh Kon Tum nói riêng.

 


Tác giả: Quang Thành