A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú có hiệu lực áp dụng đến hết ngày 31/12/2022

Luật Cư trú được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 13/11/2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2021. Theo đó, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định cho đến hết ngày 31/12/2022.

Trường hợp thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú khác với thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú thì sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú. Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Theo quy định tại Điều 38 Luật Cư trú 2020 thì: “Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú”.

z2452351200835_b92ef3539dc0b6181f23132c5b614eef.jpg

Ảnh: Thực hiện cấp Căn cước công dân nhằm đảm bảo mỗi công dân có một Số định danh cá nhân

Như vậy, chỉ thu hồi Sổ hộ khẩu nếu công dân đăng ký thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, trường hợp người dân thực hiện các thủ tục về cư trú mà làm thay đổi thông tin hiện có trong Sổ thì lực lượng Công an mới thu hồi sổ. Không phải tất cả người dân phải tự mang sổ cũ đi nộp từ 01/7/2021; sổ đã cấp nếu không có thay đổi gì thì vẫn được tiếp tục sử dụng đến hết năm 2022.

Hiện nay, có hàng loạt các thủ tục yêu cầu phải có sổ hộ khẩu như đăng ký xe, nhập học cho trẻ, hồ sơ nhà đất… Với những hộ bị thu hồi sổ hộ khẩu thì thực hiện thủ tục mà không có sổ như thế nào?

Ngày 24/3/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 426/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Cư trú. Theo Kế hoạch, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương các cấp rà soát các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành có liên quan đến Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú hoặc có yêu cầu xuất trình giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú để sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cho phù hợp với quy định của Luật Cư trú, hạn chế việc sử dụng thông tin về nơi cư trú là điều kiện để thực hiện các thủ tục hành chính (gửi Bộ Công an để tổng hợp); triển khai thực hiện kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành; khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Như vậy, việc thu hồi sổ hộ khẩu đồng nghĩa với việc toàn bộ thông tin của công dân trên sổ hộ khẩu bị thu hồi đã được cập nhật đầy đủ trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mục đích của việc yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu trước đây là để xác nhận các thông tin nhân thân của cá nhân. Vì vậy, về nguyên tắc, khi thực hiện thủ tục liên quan cần sổ hộ khẩu trước đây thì nay sẽ khai thác thông tin trên Cơ sở dữ liệu dân cư để xác nhận mà không phải xuất trình sổ hộ khẩu nữa.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là có phải cơ quan nào cũng có quyền khai thác thông tin của người dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư?

Tại Nghị định 37/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 137/2015/NĐ-CP ngày 31/12/ 2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật CCCD quy định Thẩm quyền cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như sau:

“1. Thủ trưởng cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư Bộ Công an có thẩm quyền cho phép cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở cấp trung ương; tổ chức tín dụng; tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông, di động; tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, định danh điện tử khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Giám đốc Công an cấp tỉnh có thẩm quyền cho phép cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở cấp tỉnh; tổ chức hành nghề công chứng, thừa phát lại và tổ chức khác được giao thực hiện các dịch vụ công trên địa bàn quản lý khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Trưởng Công an cấp huyện có thẩm quyền cho phép cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội ở cấp huyện, cấp xã và tổ chức khác có trụ sở chính trên địa bàn quản lý quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định này khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

4. Trưởng Công an cấp xã có thẩm quyền cho phép cá nhân đăng ký thường trú hoặc tạm trú trên địa bàn quản lý quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 Nghị định này khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.

Và “Công dân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bằng văn bản yêu cầu cung cấp thông tin hoặc thông qua dịch vụ nhắn tin, cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an”.

z2452351186864_f2c269bcfcbd5b89c598041800f6ce83.jpg

Ảnh. Rà soát, sửa đổi quy định liên quan Sổ hộ khẩu để phù hợp Luật mới

Như vậy, việc bãi bỏ Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú nhằm tránh làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, thêm phiền phức cho người dân, tạo áp lực lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú. Khi các Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú hoàn thành việc xây dựng, vận hành thông suốt và các cơ quan, tổ chức, địa phương đã thực hiện tốt việc kết nối liên thông. Việc này để bảo đảm chỉ cần sử dụng số định danh cá nhân là có thể xác định được thông tin nhân thân, thông tin về nơi cư trú của công dân thì Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú sẽ tự chấm dứt vai trò ngay cả khi chưa đến thời hạn 31/12/2022./.

Nguyễn Thị Tâm

 


Tin liên quan