A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Tổ chức Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, sáng ngày 06/4/2022, tại Hội trường Công an tỉnh, Công an tỉnh Kon Tum tổ chức Hội nghị trực tuyến đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân.

Chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Kon Tum, đồng chí Thượng tá Lê Xuân Thủy – Phó Giám đốc Công an tỉnh cùng 147 đại biểu là Trưởng các phòng nghiệp vụ có liên quan, Trưởng Công an các huyện, thành phố; Phó trưởng Công an các huyện, thành phố phụ trách công tác Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội; Trưởng Công an các xã, phường, thị trấn.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Kon Tum

Phát biểu tại Hội nghị, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết: “Trong thời gian qua, sau khi ghi nhận tình trạng một số người dân bị chậm trả Căn cước công dân (CCCD), Cục đã triển khai nhiều hình thức (như thông qua các kênh mạng xã hội Facebook; Zalo OA, email…) để ghi nhận phản ánh và giải đáp thắc mắc của người dân trong quá trình làm CCCD. Đồng thời, đã chủ động báo cáo và được lãnh đạo Bộ phê duyệt triển khai hệ thống tổng đài Call Center 1900.0368 ngày 06/01/2022 để tiếp nhận và giải đáp thắc mắc của người dân.

Từ 06/01/2022 đến 05/4/2022, tổng đài đã nhận được 764.476 cuộc gọi đến, trong đó: có 79.086 cuộc gọi phản ánh về tình trạng chậm trả thẻ CCCD. Có 4.293 cuộc gọi hỏi về các quy định trong công tác cấp CCCD và quản lý dân cư. Đặc biệt, có 556 cuộc gọi phản ánh khiếu nại về công tác cấp CCCD tại địa phương”.

Hiện nay, dữ liệu dân cư chưa bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”, nguy cơ không tìm thấy công dân trong hệ thống dân cư; dữ liệu không được đồng nhất khi tiến hành đối sánh thông tin với các cơ sở dữ liệu của các bộ, ban, ngành; gây khó khăn cho người dân trong công tác giao dịch dân sự liên quan đến việc sai định danh cá nhân/CCCD vì dữ liệu đã liên thông. Tỷ lệ thu mới Phiếu thu thập thông tin công dân, phiếu điều chỉnh thông tin công dân cao (chiếm tỉ lệ từ 9,5-10%), gây tổn thất tiền cho Nhà nước khi hủy trường hợp sai CCCD.

Đối với các trường hợp sinh năm 2004 đến tuổi thi Đại học bị sai cấu trúc số, không làm được CCCD, khó khăn trong việc đăng ký thi. Không triển khai được các giải pháp thực hiện cấp định danh điện tử cùng với các tiện ích trong việc cấp CCCD và tài khoản ngân hàng và trợ cấp/cho vay tín chấp lãi suất thấp.

Để đẩy mạnh thực hiện Đề án 06/CP hiện nay, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội yêu cầu lực lượng Công an các địa phương:

Một là, khẩn trương tham mưu với Uỷ ban nhân dân cùng cấp thành lập Tổ công tác tại cấp huyện, cấp xã theo hướng dẫn của Bộ Công an và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trong đó:

– Căn cứ danh sách do C06 gửi về, phối hợp, rà soát để tổ chức tiêm chủng cho các cháu có độ tuổi từ 5 đến 11 tuổi.

– Phối hợp với các cơ sở y tế để rà soát, làm sạch dữ liệu tiêm chủng.

– Chỉ đạo lực lượng Công an cấp huyện phối hợp với phòng Giáo dục Đào tạo triển khai cấp CCCD kèm định danh điện tử; ưu tiên cho số công dân sinh năm 2004 đến độ tuổi đăng ký thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia với hơn 280 nghìn trường hợp và số công dân sinh năm 2007 chuẩn bị tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với hơn 821 nghìn trường hợp.

– Tổ chức triển khai cấp CCCD cho người lang thang, cơ nhỡ để phục vụ công tác cư trú, thông qua đó phát hiện đối tượng truy nã, truy tìm đang lẩn trốn; giúp người lang thang vào các khu bảo trợ xã hội, hỗ trợ an sinh xã hội được thuận lợi…

Hai là, đối với việc cấp tài khoản định danh điện tử, cần tiếp tục triển khai Kế hoạch của Cục C06 về cấp thẻ CCCD và định danh điện tử trên toàn quốc năm 2022, trong đó, triển khai cấp CCCD gắn chíp kết hợp đăng ký định danh điện tử, tài khoản ngân hàng và hỗ trợ trả tiền qua hệ thống cho đối tượng chính sách; hỗ trợ người dân vay vốn ưu đãi, nhằm giảm thiểu tội phạm về “tín dụng đen”./.

Nguyễn Thị Tâm

 


Tin liên quan