A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thể lệ Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Kon Tum - lần thứ V năm 2023

Ngày 04 tháng 8 năm 2023, Ban Tổ chức Hội thi ban hành Thể lệ số 01/TL-BTCHT về Hội thi Hòa giải viên giỏi tỉnh Kon Tum - lần thứ V năm 2023 (sau đây gọi tắt là Hội thi). Nội dung Thể lệ được quy định cụ thể như sau:

I. ĐỐI TƯỢNG, KINH PHÍ DỰ THI

1. Đối tượng dự thi: Đối tượng tham dự Hội thi là hòa giải viên được công nhận theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở đã đạt giải cao tại Hội thi của địa phương hoặc hòa giải viên xuất sắc, tiêu biểu của địa phương được lựa chọn đại diện cho huyện, thành phố tham dự Hội thi.

2. Mỗi huyện, thành phố chọn 01 đội tham gia Hội thi. Mỗi đội dự thi gồm 03 thành viên chính thức, 01 thành viên dự bị, trong đó 01người làm Đội trưởng. Đội thi được huy động thêm tối đa 05 người tham gia các vai phụ trong phần thi giới thiệu và tiểu phẩm, các vai phụ này không được đóng vai hòa giải viên trong phần thi tiểu phẩm.

3. Ban Tổ chức Hội thi không chi trả, hỗ trợ kinh phí ăn, ở, đi lại... của các đội dự thi. Kinh hí ăn, ở, đi lại... của các đội dự thi do địa phương (cấp huyện) có đội dự thi hỗ trợ theo quy định của pháp luật và Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh.

II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC, THỜI GIAN VÀ ĐIỂM THI

1. Nội dung thi: Thực hiện theo mục 2 phần II Kế hoạch số 2010/KH-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ câu hỏi lý thuyết, tình huống do Ban Tổ chức Hội thi tỉnh phát hành (có Phụ lục Bộ câu hỏi lý thuyết, tình huống gửi kèm theo).

2. Hình thức và các phần thi

2.1. Hình thức: Hội thi được tổ chức theo hình thức sân khấu hóa và thi tập thể theo đội.

- Các đội thi sẽ bốc thăm số thứ tự để xác định thứ tự tham gia thi, nhóm thi trước khi khai mạc Hội thi.

- Các đội dự thi phải thực hiện đủ 4 phần thi, trong trường hợp không thực hiện đủ sẽ không được xem xét xếp giải thưởng.

2.2. Các phần thi: Mỗi đội thi tham gia 4 phần thi theo thứ tự:

a) Phần thứ I. Thi giới thiệu

- Nội dung phần thi: Giới thiệu về đội thi và đặc điểm, tình hình công tác hòa giải ở cơ sở của địa phương, trong đó giới thiệu tên các thành viên chính thức của đội thi; đặc trưng văn hóa xã hội, phong tục tập quán, điều kiện địa lý, chính trị, kinh tế và các yếu tố khác tác động đến công tác hòa giải ở cơ sở hoặc đóng góp của công tác hòa giải ở cơ sở đối với an ninh trật tự, sự phát triển của địa phương; mong muốn khi đến với Hội thi, thông điệp muốn truyền tải khi tham gia Hội thi… Hình thức thể hiện do đội thi tự quyết định.
- Cách thức và thời gian thi: Các đội thi lần lượt theo thứ tự từ thấp đến cao. Đến lượt thi, đội thi ra sân khấu giới thiệu về đội thi trong thời gian tối đa 05 phút. Nếu quá thời gian quy định, sẽ bị trừ điểm theo quy định tại mục 2 Phần IV Thể lệ này.

- Điểm thi: Tối đa 15 (mười lăm) điểm.

Ghi chú: Điểm của phần thi này, ngoài việc được tính vào tổng điểm chung, còn được sử dụng để xét giải thưởng phụ:“Đội có phần thi giới thiệu ấn tượng nhất”.

b) Phần thứ II. Kiến thức

- Nội dung phần thi:Bộ câu hỏi trắc nghiệm của mỗi nhóm do Ban Tổ chức Hội thi đưa ra gồm 15 câu hỏi. Nội dung câu hỏi được thực hiện theo mục 2 phần II Kế hoạch số 2010/KH-UBND ngày 29 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Cách thức và thời gian thi: Đến lượt thi, các đội thi trong nhóm theo thứ tự từ thấp đến cao ra sân khấu để thực hiện thi kiến thức theo bộ câu hỏi trắc nghiệm do Ban Tổ chức Hội thi đưa ra ngẫu nhiên. Các câu hỏi sẽ được trình chiếu trên màn hình, đồng thời được người dẫn chương trình đọc theo thứ tự từng câu.Sau khi người dẫn chương trình đọc xong từng câu hỏi, các đội thi có 10 giây chuẩn bị. Kết thúc thời gian chuẩn bị, tất cả các đội thi trong nhóm cùng đưa ra phương án trả lời bằng hình thức giơ bảng có ký hiệu A, B, C, D tương ứng với lựa chọn của mình và không phải giải thích. Đáp án được trình chiếu lên màn hình sau khi đội thi kết thúc trả lời. Sau khi đáp án được công bố, chuyển sang câu hỏi tiếp theo cho đến hết.

- Điểm thi: Trả lời đúng mỗi câu hỏi được 01 điểm. Điểm thi tối đa của phần thi là 15 (mười lăm) điểm.

*Lưu ý: Không thực hiện việc đổi gói câu hỏi tại phần thi này. Hết thời gian trả lời theo quy định, đội thi không đưa ra phương án trả lời hoặc phương án trả lời sai sẽ không được tính điểm đối với câu hỏi tương ứng.

c) Phần thứ III. Xử lý tình huống

- Nội dung phần thi: Căn cứ vào câu hỏi tình huống đã lựa chọn, đội thi vận dụng kiến thức pháp luật; kinh nghiệm sống, sự hiểu biết về phong tục, tập quán tốt đẹp, quy ước, đạo lý truyền thống, ca dao, tục ngữ; nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải của hòa giải viên để đưa ra cách giải quyết tình huống. Tình huống thi giới hạn trong Bộ Câu hỏi tình huống của Ban Tổ chức Hội thi ban hành.

- Cách thức và thời gian thi: Các đội thi lần lượt theo thứ tự tham gia thi đã được bốc thăm từ thấp đến cao. Đến lượt thi, đội thi ra sân khấu bốc câu hỏi tình huống trong Bộ câu hỏi tình huống do Ban Tổ chức Hội thi đưa ra. Sau khi người dẫn chương trình đọc xong câu hỏi tình huống, đội thi có 06 phút thực hiện phần thi này (bao gồm 01 phút chuẩn bị và 05 phút trả lời). Đội thi cử một thành viên thay mặt đội trình bày phương án xử lý tình huống, các thành viên khác được bổ sung, đính chính câu trả lời của đội mình (nếu cần thiết) cho phần thi của đội mình, nhưng tổng thời gian không vượt quá 06 phút. Nếu quá thời gian quy định, sẽ bị trừ điểm theo quy định tại mục 2 Phần IV Thể lệ này.

* Lưu ý: Sau khi bốc thăm câu hỏi, đội thi không trả lời được thì được bốc đổi câu hỏi tình huống 01 lần.Việc đổi câu hỏi tình huống được thực hiện ngay sau khi người dẫn chương trình nêu tình huống mà đội thi đã bốc (thời gian đổi tình huống không tính vào thời gian thi) và việc đổi câu hỏi sẽ bị trừ điểm theo quy định tại mục 2 Phần IV Thể lệ này. Đáp án được trình chiếu lên màn hình sau khi đội thi kết thúc trả lời tình huống.
Kiến thức pháp luật được vận dụng trong quá trình thi phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực thi hành.Khi viện dẫn cơ sở pháp lý để trả lời, không phải nêu cụ thể điều, khoản, điểm của văn bản đó. Tuy nhiên: đối với Hiến pháp, Bộ luật, Luật, phải nêu được tên loại và năm ban hành văn bản (ví dụ: Hiến pháp năm 2013, Luật Hòa giải ở cơ sở năm 2013). Đối với các văn bản quy phạm pháp luật khác, phải nêu được số, ký hiệu, ngày, tháng, năm ban hành văn bản và tên văn bản (ví dụ: Nghị định số 15/2014/NĐ-CP ngày 27/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở...).

- Điểm thi: Tối đa của phần thi là 30 (ba mươi) điểm.
Ghi chú: Điểm của phần thi này, ngoài việc được tính vào tổng điểm chung, còn được sử dụng để xét giải thưởng phụ “Đội có phần thi xử lý tình huống đúng và nhanh nhất”.

d) Phần thứ IV. Tiểu phẩm

- Nội dung phần thi: Đội thi trình bày, biểu diễn 01 tiểu phẩm sân khấu về một vụ, việc thuộc phạm vi hòa giải ở cơ sở đã xảy ra tại địa phương, được tổ hòa giải tiến hành hòa giải thành công (các bên hiểu rõ được bản chất vụ việc, lý lẽ đúng sai, có tình có lý và tự nguyện thống nhất cách thức giải quyết) và mang lại hiệu ứng tích cực trong dư luận, góp phần giữ gìn an ninh trật tự, sự bình yên, đoàn kết, hạnh phúc cho gia đình, cộng đồng dân cư. Hình thức thể hiện của tiểu phẩm bao gồm: Kịch nói, ca kịch hoặc các hình thức nghệ thuật, sân khấu phù hợp khác, bảo đảm có sự liên kết và thống nhất giữa chủ đề với nội dung, hình thức và thông điệp cần truyền tải.

Kịch bản tiểu phẩm đăng ký dự thi phải được gửi cho Ban Tổ chức Hội thi (qua Sở Tư pháp) trước 03 ngày diễn ra Hội thi ở cấp tỉnh. Địa phương nào gửi quá thời hạn quy định, sẽ bị trừ theo quy định tại mục 2 Phần IV Thể lệ này.

- Cách thức và thời gian thi: Các đội thi lần lượt theo thứ tự đã được bốc thăm từ thấp đến cao. Đến lượt thi, đội thi ra sân khấu trình diễn 01 tiểu phẩm đã được chuẩn bị trước trong thời gian không quá 07 phút. Nếu quá thời gian quy định, sẽ bị trừ điểm theo uy định tại mục 2 Phần IV Thể lệ này.

* Lưu ý: Đội thi phải chủ động chuẩn bị cho phần dự thi như: diễn viên, bố trí sân khấu, đạo cụ, nhạc đệm… Kiến thức pháp luật được vận dụng trong quá trình thi phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực thi hành.

- Điểm thi: Tối đa của phần thi là 40 (bốn mươi) điểm.

Ghi chú: Điểm của phần thi này, ngoài việc được tính vào tổng điểm chung, còn được sử dụng để xét giải thưởng phụ “Đội có phần thi tiểu phẩm xuất sắc nhất”.

II. GIẢI THƯỞNG HỘI THI

1. Quy định chung: Ban Tổ chức Hội thi căn cứ vào kết quả chấm thi của Ban Giám khảo Hội thi sẽ xếp giải theo thứ tự từ cao xuống thấp và trao giải ngay khi kết thúc Hội thi. Trường hợp các đội thi có tổng số điểm bằng nhau thì đội thi nào có số điểm phần thi xử lý tình huống cao hơn sẽ được xếp giải cao hơn, nếu điểm phần thi xử lý tình huống cũng bằng nhau thì đội thi nào có số điểm phần thi tiểu phẩm cao hơn sẽ được xếp giải cao hơn. Trường hợp các đội thi có tổng số điểm và điểm phần thi xử lý tình huống, phần thi tiểu phẩm bằng nhau thì sẽ bốc thăm và trả lời câu hỏi phụ của Ban Giám khảo, đội thi nào đạt điểm trả lời câu hỏi phụ cao hơn sẽ được lựa chọn trao giải.

2. Cơ cấu giải thưởng

- Giải thưởng Hội thi:

+ 01 Giải nhất:                 8.000.000 đồng/giải;

+ 02 Giải nhì:                   5.600.000 đồng/giải;

+ 02 Giải ba:                    4.000.000 đồng/giải;

+ 05 Giải khuyến khích:   2.400.000 đồng/giải;

+ 03 Giải phụ (giới thiệu ấn tượng nhất, xử lý tình huống đúng và nhanh nhất, tiểu phẩm xuất sắc nhất):   400.000 đồng/giải.

- Ngoài ra, căn cứ vào kết quả Hội thi và tình hình thực tế, Ban Tổ chức Hội thi sẽ trao thưởng các giải phụ khác (nếu có) cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc, mỗi giải thưởng trị giá 400.000 đồng.

- Tùy theo kết quả Hội thi, cơ cấu giải thưởng của Hội thi có thể thay đổi do Ban Tổ chức Hội thi xem xét, quyết định và thông báo công khai cho các đội thi..../.


Tác giả: Thái Ngân