A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai thực hiện Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, giai đoạn 2023-2028 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Ngày 05/5/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1297/KH-UBND về triển khai thực hiện Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam, giai đoạn 2023-2028 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Mục tiêu tổng quát: Truyền thông về quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của Nhân dân về các quyền con người; thông tin đầy đủ, kịp thời nhằm giúp Nhân dân các dân tộc trong tỉnh hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam; kiên quyết phê phán, vạch trần những luận điệu sai trái, vu cáo, xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở nước ta. 

Mục tiêu cụ thể đến năm 2028: 100% cơ quan hành chính cấp tỉnh thực hiện cơ chế phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí về công tác quyền con người theo quy định. Phấn đấu 100% cán bộ, công chức làm công tác quyền con người; 100% cán bộ công chức làm công tác quản lý thông tin, truyền thông; 100% nhân sự tham gia công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan báo chí; 70% cán bộ chủ chốt của các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh được cập nhật thông tin tình hình công tác quyền con người và tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người. 

Tổ chức và phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các cuộc Triển lãm ảnh, tài liệu lưu trữ về quyền con người trên địa bàn tỉnh. Đa dạng hóa hình thức các sản phẩm truyền thông; phấn đấu các sản phẩm truyền thông bằng tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài và sản phẩm truyền thông trên nền tảng số chiếm từ 15 - 20% tổng số sản phẩm truyền thông về quyền con người. Phấn đấu 100% nguồn dữ liệu và sản phẩm truyền thông về quyền con người được số hóa, kết nối và phổ biến trên không gian mạng để lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn. Phát hiện, xử lý 90% tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng.

Về nội dung tuyên truyền: Tuyên truyền Luật pháp quốc tế về quyền con người, trong đó đặc biệt quan tâm tới 07 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên gồm: (1) Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị; (2) Công ước về các quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa; (3) Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; (4) Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; (5) Công ước về quyền trẻ em; (6) Công ước về quyền của Người khuyết tật; (7) Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo và thúc đẩy quyền con người. 

Tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền con người; kết quả nội luật hóa và triển khai thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, các cam kết quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên hoặc có kế hoạch gia nhập. 

Tuyên truyền về những nỗ lực, thành tựu của Đảng, Nhà nước và của tỉnh trong việc bảo đảm quyền con người trên mọi lĩnh vực; trong đó tập trung vào công tác xóa đói giảm nghèo, chăm lo đời sống của người dân, đặc biệt vùng miền núi, dân tộc, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương để không ai bị bỏ lại phía sau; những đánh giá, nhận định tích cực của dư luận, truyền thông quốc tế về kết quả công tác bảo đảm và phát triển quyền con người của Việt Nam. Các thông tin tích cực, đề cao các giá trị đạo đức, hướng thiện, lối sống nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lòng yêu nước, tự hào dân tộc. 

Thông tin, phản ánh về các vụ việc, các đối tượng trong nước và nước ngoài, các hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, quyền con người để vi phạm pháp luật, phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, hình ảnh, uy tín quốc tế của Việt Nam. 

Tuyên truyền về các ưu tiên trong đối ngoại về quyền con người của Việt Nam; về vị trí, vai trò, sáng kiến và đóng góp của Việt Nam trong các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người ở cấp độ khu vực và quốc tế.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương sử dụng kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước; các nguồn kinh phí lồng ghép từ các chương trình, đề án, dự án liên quan đã được phê duyệt và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện Kế hoạch.

Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối, chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện Kế hoạch; theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện và tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định. 

Ban tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp định hướng truyền thông về công tác quyền con người cho các cơ quan báo chí tuyên truyền của tỉnh; đồng thời chỉ đạo đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị về Nhân quyền của Việt Nam


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan