A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo tập trung triển khai công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai trên địa bàn tỉnh

                 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ các địa phương ứng phó với các tình huống thiên tai và tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu.

Trong những ngày qua, tại một số địa phương khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, gây sạt lở đất, lũ quét cục bộ. Sáng sớm ngày 29/6/2023 đã xảy ra vụ sạt lở tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng làm 2 người bị vùi lấp, một số người bị thương, nhà cửa của người dân bị hư hại.

Căn biệt thự bị đất đá sạt lở xô nghiêng trong vụ sạt lở taluy tại Lâm Đồng (Nguồn ảnh: baolamdong.vn)

Để tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa lũ, ngày 29/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký ban hành Công điện số 591/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân yêu cầu:

            Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn kéo dài, nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường để chủ động sơ tán, di dời và có phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân; đồng thời, tổ chức cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm, khu vực bị ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét, các khu vực có nguy cơ mất an toàn; thông tin kịp thời, hướng dẫn, khuyến cáo người dân trong các hoạt động, nhất là việc đi lại khi có mưa lũ.

            Sở Công Thương (đối với các hồ chứa thủy điện), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (đối với các hồ chứa thủy lợi) phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra và đề nghị các chủ hồ, chủ đập thủy điện, thủy lợi tuân thủ các quy định liên quan đến quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện nhằm bảo đảm an toàn công trình đập, an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân ở vùng hạ du đập; khắc phục tồn tại, phát sinh trong vận hành, triển khai công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện trên địa bàn theo thẩm quyền, trách nhiệm được giao.

            Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị rà soát, chuẩn bị sẵn lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ các địa phương ứng phó với các tình huống thiên tai và tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, hiệu quả khi có yêu cầu.

            Các sở, ngành liên quan và các Ủy viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giaotheo dõi, chỉ đạo kiểm tra, rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh Kế hoạch, phương án ứng phó thảm họa, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương, đơn vị để triển khai thực hiện theo quy định; phối hợp với các đơn vị, địa phương tại địa bàn được phân công phụ trách để kịp thời chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 591/CĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2023 theo quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai.

            Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ theo dõi sát tình hình thời tiết, thiên tai, sự cố, chủ động tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với các địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm kịp thời, hiệu quả theo quy định.

 

 


Tác giả: Xuân Hoàng
Tin liên quan