A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Lực lượng Cảnh sát gao thông qua những chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành

 

Từng bước kiện toàn, lực lượng CSGT góp phần đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc, chi viện cho miền Nam (giai đoạn 1965-1975).

Sau ngày hoà bình lập lại ở miền Bắc, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai ráo riết tuyển chọn, huấn luyện, sử dụng bọn tình báo, gián điệp cài cắm vào những địa bàn quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự và vùng mới giải phóng; chúng tung hàng trăm toán gián điệp, biệt kích móc nối với tàn quân phỉ và bọn phản động trong nước hòng gây chia rẽ, bạo loạn, lật đổ chính quyền cách mạng; sử dụng bọn tình báo, gián điệp, đặc vụ tiến hành các hoạt động chống phá công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế ở miền Bắc. Trước tình hình đó, lực lượng Công an đã nhanh chóng chuyển hướng về tổ chức và hành động; tiến hành đấu tranh dập tắt các vụ nhen nhóm phản động và hoạt động gây bạo loạn của bọn phản cách mạng; đấu tranh bóc gỡ mạng lưới gián điệp cài lại của Pháp, bắt gọn hầu hết các toán gián điệp, biệt kích của Mỹ và bè lũ tay sai tung ra phá hoại miền Bắc; bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ sở kinh tế, cơ quan, xí nghiệp, các công trình quốc phòng, an ninh, công trình văn hoá – xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân.

Lực lượng CSGT mưu trí, anh dũng phá thế “độc tuyến, độc vận” của địch, thực hiện khẩu hiệu “Mặt đường, sông nước là chiến trường”, “Phương tiện giao thông là vũ khí”, lực lượng CSGT ngày đêm bám đường, bám sông, bám phương tiện bảo vệ, hàng chục vạn chuyến tàu, xe chở hàng vào chiến trường an toàn; tổ chức cho nhân dân đi sơ tán khỏi vùng có chiến sự ác liệt; đấu tranh trấn áp, bắt giữ, xử lý hàng trăm tên tội phạm nguy hiểm; bảo vệ tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các đoàn khách quốc tế, bảo vệ tính mạng tài sản của nhân dân, của các cơ quan, xí nghiệp, bảo vệ kho tàng quân sự; chống tội phạm hình sự, tội phạm xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa. Mặt khác, nhanh chóng mở đường, thông tuyến bảo vệ an toàn phương tiện khi bị địch đánh phá.

Lực lượng CSGT, lực lượng thanh niên xung phong và ngành giao thông vận tải nêu cao khẩu hiệu “Địch phá, ta sửa, ta đi”. Khi bị địch phá bến phà, đường tắc, các lực lượng bảo vệ giao thông tổ chức phân tán xe cộ, tàu thuyền, tổ chức sửa chữa cầu phà, đường sá để giải phóng xe nhanh; cùng các lực lượng vũ trang khác bảo vệ vững chắc vùng giới tuyến, bờ biển, hải đảo; bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, giữ gìn trật tự xã hội trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước…

 

sua chua duong cu

CSGT khắc phục sữa chữa đường cũ, mở đường cho tiền tuyến


Tại Hà Tĩnh, lực lượng CSGT vừa sửa lại, vừa làm thêm đường tránh mới dài gấp 3 lần thời điểm trước chiến tranh phá hoại. Trên tuyến đường sắt cũng làm được 5.574 km cầu tạm, 132 km đường nhánh, đường tránh; chuyển tải toa xe hàng hoá qua sông Đuống, sông Hồng bằng hệ thống cầu, phà liên hợp và dùng đầu máy xe lửa đẩy toa hàng qua cầu, phà, từ bờ nam sang bờ bắc với tốc độ 3km/h, đến bờ bắc lại có đầu máy xe lửa kéo toa xe lên… Sáng kiến dùng cầu phà liên hợp được coi là một công trình kỳ diệu của ngành đường sắt, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đánh đuổi đế quốc Mỹ, thống nhất nước nhà.

Quân và dân Quảng Bình cùng CBCS CSGT, đơn vị giao thông vận tải nêu cao khí thế cách mạng tiến công, “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, vượt qua thủy lôi, băng qua bom nổ chậm, phát huy truyền thống “xe chưa qua nhà không tiếc, đường không thông không tiếc máu xương”, để dù tình huống nào, dù tình hình ác liệt đến đâu vẫn quyết tâm đảm bảo giao thông vận tải thông suốt, phục vụ đắc lực chi viện cho tiền tuyến lớn anh hùng đánh thắng địch. Để giữ vững giao thông, đảm bảo thông tuyến, quân dân ta đã áp dụng nhiều biện pháp và sáng kiến cứu sập, cứu xe, cứu hàng, dùng thuyền thúng vượt qua bãi thủy lôi…

Từ năm 1965, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường biển bị địch đánh phá ác liệt, trước tình hình đó, tháng 5/1965, Uỷ Ban hành chính tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thành lập Công ty Vận tải thuyền nan chống Mỹ mang tên “Đoàn vận tải Lam Sơn”. Phương tiện vận tải này vừa nhỏ, dễ ngụy trang, dễ cất giấu và di chuyển được trên các kênh, sông nhỏ, ít bị địch phát hiện. Ngay sau đó, nhiều công trường sản xuất thuyền nan  dọc theo Sông Mã, Sông Chu trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng được mở với sự tham gia của hàng nghìn người có tay nghề giỏi ở các địa phương trong tỉnh, gần 5 nghìn chiếc thuyền nan đã được đóng chỉ sau hai tháng. Với một lực lượng hùng hậu trên 17 nghìn lượt người và hơn 12 nghìn chiếc thuyền nan, từ 1965 đến 1974, Đoàn Vận tải Lam Sơn đã góp phần cùng với các phương tiện vận tải khác của tỉnh, vận chuyển được trên 1 triệu 500 tấn hàng hóa, phục vụ chiến trường, hoàn thành vượt mức kế hoạch Trung ương giao.

 

thuyen nan thanh hoa

Thuyền nan dễ cất giấu và di chuyển, ít bị địch phát hiện


Chính tại những nơi ác liệt nhất, CBCS CSGT đã bám trụ kiên cường trên từng tuyến đường, cây cầu, nhà ga, bến phà để chỉ huy, hướng dẫn giao thông. Các anh như những “ngọn đèn đứng gác” đảm bảo mạch máu giao thông thông suốt, an toàn; bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân của bộ đội; cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trong cuộc chiến tranh đầy cam go, khốc liệt nhiều tấm gương chiến sỹ cảnh sát bảo vệ giao thông đã nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, chịu đựng mọi gian khổ, hy sinh, vì nhân dân phục vụ để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ:

Đồng chí Huỳnh Kim Trung đã viết đơn bằng máu xin được vào tuyến lửa Quảng Bình làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT khu vực bến phà Sông Gianh.

Đồng chí Nguyễn Bá Chưng, CSGT Trạm phà Xuân Sơn, làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn giao thông trên các trục đường chiến lược miền Tây – Quảng Bình đã nhiều lần vượt bom đạn để cứu bộ đội bị thương, mai táng các đồng chí đã hy sinh, hướng dẫn, chỉ huy giao thông.

Tiểu đội CSGT Ngã ba Đồng Lộc gồm 11 đồng chí đã kiên cường bám trụ, ngày đêm bám đất, bám đường, không quản ngại gian khổ, hi sinh bảo vệ hàng vạn xe vận tải hàng hóa, lương thực, vũ khí, vượt qua trọng điểm an toàn. CBCS đã nhiều lần vượt qua bãi bom từ trường, bom nổ chậm, hướng dẫn cho từng đoàn xe ra mặt trận. Tiêu biểu như đồng chí Nguyễn Tiến Tuẩn – tiểu đội trưởng đã cùng một số đồng chí khác không quản hy sinh vượt qua bãi bom từ trường để ngăn cản, hướng dẫn cho hàng trăm xe vào đường tránh đi qua trọng điểm an toàn, nhất là thời điểm suốt ngày đêm không lúc nào Đồng Lộc ngớt tiếng bom đạn kẻ thù giày xéo.

 

68701499-04b0-4304-a9c6-d3887760bbc2

Tiểu đội CSGT ngã 3 Đồng Lộc hướng dẫn xe qua trọng điểm


Cán bộ chiến sỹ Đồn Công an đường sắt Nghệ an thuộc Ty Công an đường sắt đã bám trụ kiên cường, chiến đấu dũng cảm cùng công nhân ngành đường sắt và nhân dân cứu được 11.105 tấn hàng hoá, 116 người bị thương…, 21 đầu máy xe lửa, 127 toa chở hàng; đồng chí Huỳnh Nhớ – Trưởng đồn, đồng chí Nguyễn Thạc Thịch – Phó đồn, đồng chí Vũ Xuân Thuỷ cán bộ của đồn nhiều lần đứng trên đầu máy xe lửa động viên và cùng tài xế lái tàu đưa đoàn tàu chở hàng quân sự vượt qua bãi bom nổ chậm an toàn…

Giai đoạn 1975 – 1985, lực lượng CSGT tham gia đảm bảo TTATGT, TTATXH, khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa

Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước ta được hoà bình, thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ quan trọng đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân ta lúc này là phải nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng ở vùng mới giải phóng, tổ chức quản lý, cải tạo số ngụy quân, ngụy quyền, nhân viên của chế độ cũ, truy quét tàn quân địch, đấu tranh làm tan rã các tổ chức FULRO, đập tan âm mưu khủng bố của tổ chức phản động; bên cạnh đó nhiệm vụ bảo đảm TTATGT không kém phần khó khăn, phức tạp và quyết liệt.

Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, ngày 02/6/1975, Ty Công an đường sắt đã được chuyển từ Tổng cục đường sắt về Bộ Công an. Ty Công an đường sắt, Cục Cảnh sát bảo vệ giao thông và Công an các tỉnh, thành phố đã cử nhiều lượt CBCS CSGT tăng cường cho các địa phương Miền Nam ổn định và giữ gìn TTATGT; tiếp quản và triển khai công tác đăng ký phương tiện, tăng cường lực lượng bảo vệ việc xây dựng, khôi phục và khai thông tuyến đường sắt thống nhất, bảo đảm giao thông trên các tuyến quốc lộ và giao thông đô thị. Lực lượng CSGT phối hợp mở nhiều đợt tấn công truy quét tội phạm hình sự trên các tuyến giao thông. Ty Công an đường sắt đã tăng cường công tác bảo vệ nội bộ, góp phần bóc gỡ nhiều mạng lưới tình báo, gián điệp, các đối tượng hoạt động trong ngành đường sắt.

Năm 1975 trong hoàn cảnh thành phố Sài Gòn mới giải phóng, tình hình an ninh trật tự còn vô cùng phức tạp, lực lượng chuyên trách làm công tác bảo vệ còn rất mỏng, song nhờ biết dựa vào sức mạnh và khí thế cách mạng của quần chúng nhân dân với việc phát huy tác dụng của các biện pháp nghiệp vụ nên lực lượng lực lượng CSGT cùng lực lượng Công an nhân dân cả nước đã nắm chắc được tình hình, đề cao cảnh giác với mọi hoạt động phá hoại của kẻ địch, kịp thời giải quyết những hiện tượng gây mất TTATXH, bảo vệ an toàn đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và quần chúng nhân dân tham dự cuộc mít tinh, diễu binh diễu hành mừng chiến thắng và lễ duyệt binh  mừng 30 năm ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Đất nước được hòa bình, độc lập và thống nhất, nhân dân hai miền Nam – Bắc nô nức tham gia cuộc Tổng tuyển cử, bầu Quốc hội chung của cả nước. Trong không khí hân hoan và đầy phấn khởi đó, từ ngày 14 đến 20/12/1976, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đã họp tại Thủ đô Hà Nội với sự tham dự của 1.008 đại biểu đại diện cho hơn 1,5 triệu đảng viên trong cả nước. Để bảo vệ an toàn Đại hội Đảng và cuộc Tổng tuyển cử, các đơn vị Cảnh sát, Công an các huyện, thành, thị, lực lượng CSGT thường xuyên phối hợp làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, canh gác các chốt điểm, bảo vệ các cơ sở quân sự, các trọng điểm về chính trị, kinh tế…; giải quyết dứt điểm, xử lý kiên quyết những vụ việc gây mất trật tự công cộng, TTATGT, vạch ra nhiều phương án và bảo vệ an toàn các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bảo vệ an ninh trật tự ngày bầu cử quốc hội.

Trong giai đoạn này, từ những xung đột biên giới đường bộ với Campuchia và tranh chấp Biển Đông đã khiến cho tình hình chiến sự ở Việt Nam ngày càng căng thẳng. Bước sang năm 1978, đầu năm 1979, mức độ xâm phạm lãnh thổ, vũ trang khiêu khích biên giới Việt Nam của Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng; để chống lại bè lũ bành trướng phương Bắc, cũng như bảo vệ biên giới phía Tây Nam, toàn dân và quân ta đã cùng đứng lên, đồng sức đồng lòng mở cuộc chiến tổng lực, quy mô và khốc liệt giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (nổ ra ngày 17/02/1979). Sát cánh cùng các lực lượng vũ trang khác, lực lượng CSGT đã bảo vệ hàng chục vạn đồng bào đi sơ tán, bảo vệ các cuộc hành quân, trú quân, bảo vệ vận chuyển vũ khí, đạn dược, thực phẩm, bảo vệ bí mật vận chuyển và trực tiếp chiến đấu với kẻ thù; Chiến tranh biên giới năm 1979 được mệnh danh như một cuộc chuyển quân thần tốc bằng cả đường biển, đường bộ, đường sắt và đường không. Trong cuộc tổng tiến công, đồng chí Trịnh Thế Hiền, cán bộ Ty Công an đường sắt đã anh dũng hy sinh, 02 đồng chí bị thương; tại khách sạn Chi Lăng (Ga Hà Nội), Ty Công an đường sắt đã phối hợp với Công an Hà Nội đập tan âm mưu phá hoại của bọn phản động làm nên thắng lợi vẻ vang.

 

cuoc chuyen quan than toc tai chien tranh bien gioi 1979

Cuộc chuyển quân thần tốc tại chiến tranh Biên giới 1979


Chiến thắng Biên giới 1979 thành công, nước ta bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, việc buôn bán tại khu vực biên giới Việt – Trung thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh nở rộ. Ăn theo đó là các toán cướp táo tợn, có vũ trang, chúng thực hiện những vụ cướp xe khách, xe hàng cực kỳ tàn bạo ở nhiều tỉnh…; Phối hợp cùng các lực lượng, Ty Công an đường sắt đã giúp ban chuyên án kết thúc vụ án giết người cướp của trên đoàn tàu HD4 ngày 22/2/1980; bắt giữ và khống chế băng nhóm lưu manh côn đồ đã gây ra hàng chục vụ cướp giật, cưỡng đoạt tài sản của khách đi tàu, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân; góp phần đảm bảo TTAGT, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Mỗi CBCS CSGT không ngừng rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, kiến thức chuyên môn phục vụ yêu cầu công tác trong tình hình mới. Năm 1984, lần đầu tiên trong lịch sử đấu tranh chống tội phạm, Cảnh sát Việt Nam đã dùng đầu máy xe lửa truy đuổi tội phạm, bắt gọn băng cướp 04 tên, thu lại tài sản cho hành khách; đã giành được sự ủng hộ và tin tưởng của quần chúng nhân dân; thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm, sáng tạo trên mặt trận đảm bảo TTATGT, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Với những thành tích đạt được, lực lượng CSGT đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác bảo đảm TTATGT đường bộ, đường sắt, đấu tranh làm giảm TNGT đường bộ, đường sắt trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương; góp phần đắc lực cho công cuộc khôi phục đất nước, giữ vững an ninh chính trị nội bộ, đấu tranh làm giảm tội phạm hình sự, tội phạm cướp có vũ trang, bảo vệ tốt tài sản Xã hội chủ nghĩa.


Thái Ngân – Phòng Tham mưu (ST)