A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Báo động tình trạng lái xe gây tai nạn rồi bỏ chạy

 

Việc lái xe gây tai nạn rồi bỏ chạy không chỉ là hành vi coi thường tính mạng của người khác mà nó còn cho thấy sự xuống cấp đạo đức ở một số người khi tham gia giao thông.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum trong nhiều năm vừa qua cũng xảy ra nhiều vụ gây tai nạn giao thông nghiêm trọng rồi bỏ chạy, cụ thể như: Vào 23h45 đêm 20/12/2016, tài xế Đại điều khiển xe tải BKS: 82K- 3946, lưu thông trên đường Hồ Chí Minh, khi tới km158+80, đoạn qua địa bàn huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum đã tông xe máy BKS: 82K9 – 6923 do 1 thanh niên tên Hoàng (SN: 1991) điều khiển, chở theo Hồ Xuân Long (SN: 1991, trú tại thị trấn Đắk Hà, huyện Đắk Hà). Hậu quả khiến Hoàng và Long tử vong tại chỗ, xe máy bị hư hỏng nặng. Sau khi xảy ra tai nạn, tài xế này đã không đưa người bị thương đi cấp cứu mà điều khiển xe tải bỏ trốn khỏi hiện trường. Vụ thứ hai, vào khoảng 13h00′, ngày 23/6/2016, tại Km 1433+666 đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận thôn Đăk Rú, xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông xe mô tô BKS: 82N1-06208 do A Hoa (SN: 1958; HKTT: thôn 14A, xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei) điều khiển theo hướng Đăk Glei – Phước Sơn. Sau khi gây tai nạn đối tượng cùng phương tiện đã bỏ trốn khỏi hiện trường. Nạn nhân đã tử vong bên cạnh chiếc xe máy của mình…

Bên cạnh gây tai nạn dẫn đến cái chết thương tâm rồi bỏ trốn thì trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn xảy ra nhiều vụ va chạm gây thương tích xong bỏ chạy, đã có nhiều cái chết đau lòng do tai nạn giao thông đã từng xảy ra, vì nạn nhân không được cứu chữa kịp thời làm cho người bị thương nhẹ trở thành bị thương nặng, người bị thương nặng dẫn tới tử vong, do người gây tai nạn bỏ trốn khỏi hiện trường, không cứu giúp người bị nạn. Vấn đề này thực sự đang là nỗi lo của cộng đồng xã hội và đang rất cần hình phạt nghiêm khắc hơn, để ngăn chặn những vụ việc tương tự lặp lại.

Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, người điều khiển, người được chở trên ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, cấp cứu người bị nạn thì sẽ bị phạt tiền từ 5 đến 6 triệu đồng. Mức phạt với hành vi này đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt từ 2 đến 3 triệu đồng. Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác mức phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng. Ngoài các mức phạt hành chính, người gây ra tai nạn mà bỏ trốn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2015 người gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn thì sẽ bị phạt tù từ 3 đến 10 năm.

Theo Cơ quan điều tra, một số trường hợp lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn là do quá sợ hãi. Họ sợ rằng, nếu ở lại hiện trường thì rất có thể sẽ bị người dân hoặc người thân của nạn nhân hành hung hoặc có hành động quá khích. Tuy nhiên, pháp luật cho phép lái xe khi gây tai nạn được rời khỏi hiện trường để đến cơ quan Công an trình diện. Nhưng “cho phép rời khỏi hiện trường” không có nghĩa là được phép “một đi không trở lại”, mà vẫn phải chịu những hậu quả mà mình đã gây ra.

Trước thực trạng trên, nhiều người cho rằng, để giảm thiểu những tình huống lái xe gây tai nạn rồi bỏ trốn khỏi hiện trường, trốn tránh pháp luật, ngoài việc tăng chế tài xử phạt với những người gây tai nạn thì phải tăng việc giáo dục và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Tuy nhiên, khi ý thức của người tham gia giao thông chưa cao thì biện pháp xử phạt nặng, phạt nghiêm đối với những người có hành vi này là điều hết sức cần thiết để răn đe và giáo dục.


Quang Nhật