A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những khó khăn, vướng mắc trong tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính về TTATGT

 

Tạm giữ phương tiện là một trong những hình thức xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trên lĩnh vực giao thông đường bộ thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT). Tuy nhiên, trên thực tế công tác này đang gặp không ít những khó khăn và vướng mắc.

Những năm qua, được sự quan tâm của Bộ Công an, các cấp Ủy đảng, chính quyền địa phương, TTATGT trên địa bàn tỉnh Kon Tum cơ bản được ổn định, tai nạn giao thông được kiềm chế. Trong năm 2017, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện 19.143 trường hợp vi phạm; trong đó, tạm giữ 9.055 phương tiện (85 ô tô; 8.970 mô tô, xe gắn máy; 16 phương tiện khác); 6.932 giấy tờ xe các loại; phạt tại chỗ 3.140 trường hợp; tước giấy phép lái xe 1.005 trường hợp; phạt cảnh cáo 412 trường hợp. Và đối với những trường hợp bị tạm giữ phương tiện, để phục vụ công tác xử lý vi phạm, hầu hết người vi phạm đã đến trụ sở Cảnh sát giao thông để làm thủ tục nộp phạt, nhận lại phương tiện, giấy tờ. Song, cũng có trường hợp người vi phạm sẵn sàng bỏ lại giấy tờ và phương tiện vi phạm, phó mặc cho lực lượng chức năng xử lý.

Vì đời sống của đại đa số nhân dân thuộc khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều khó khăn nên đa phần sử dụng xe cũ mua lại để phục vụ cho việc đi nương, rẫy, chở hàng hóa nông sản. Trong khi đó, có nhiều trường hợp do mức phạt quá cao, phương tiện vi phạm cũ, nát, không còn giá trị; nhiều trường hợp không có giấy tờ hợp lệ nên người vi phạm không đến cơ quan Công an để thực hiện quyết định gây ra tình trạng quá tải ở một số kho tạm giữ phương tiện.

Mặt khác, theo quy định, đối với các trường hợp đã quá hạn tạm giữ, nếu người vi phạm không đến nhận phương tiện mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì được tiến hành thanh lý theo quy định để sung ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhiều trường hợp người vi phạm khai báo không trung thực (tên, địa chỉ) nên cơ quan Công an thông báo không đến đúng địa chỉ; nhiều trường hợp phương tiện bị trộm cắp hoặc được mua – bán qua nhiều lần; trường hợp phương tiện bị cà lại số máy, số khung… gây khó khăn trong việc xác minh nguồn gốc phương tiện; gây mất thời gian trong việc hoàn thiện các thủ tục thanh lý. Tính đến cuối năm 2017, tổng số các phương tiện đang bị tạm giữ tại các kho tạm giữ trên toàn tỉnh là 1.958 phương tiện; trong đó, các phương tiện phải tiến hành tịch thu sung vào ngân sách nhà nước là 989 phương tiện và 140 phương tiện tịch thu để tiêu hủy.

Tiến hành tiêu hủy những phương tiện giao thông mục, nát, không còn giá trị sử dụng tại

Công an huyện Đăk Glei

Theo quy định tại Điều 119 và Điều 125 Luật Xử lý VPHC năm 2012: Trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời VPHC để xác minh tình tiết vi phạm hoặc để đảm bảo thi hành Quyết định xử phạt VPHC thì người có thẩm quyền tịch thu tang vật, phương tiện VPHC hoặc người có thẩm quyền xử phạt VPHC (đối với trường hợp chỉ phạt tiền) có quyền tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Và theo trình tự, thủ tục, người có thẩm quyền tạm giữ phải ban hành Quyết định tạm giữ theo mẫu 14 (ban hành kèm theo Nghị định 81/2013/NĐ-CP); lập biên bản ghi rõ họ, tên, số lượng, chủng loại, tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; có chữ ký của người ra quyết định tạm giữ; giao cho người vi phạm 01 bản. Do đó, khi tạm giữ tang vật, phương tiện, người ra quyết định tạm giữ phải có mặt tại hiện trường… Quy định này gây khó khăn trong quá trình tạm giữ tang vật, phương tiện VPHC vì những người có thẩm quyền tạm giữ không thể có mặt thường xuyên tại nơi xảy ra vi phạm để ký biên bản.

Một bất cập khác liên quan đến xử lý tang vật vi phạm hành chính như đối với những tang vật phải thành lập Hội đồng định giá để xác định giá, thời gian quy định là 24 giờ kể từ thời điểm ra Quyết định tạm giữ tang vật, có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 24 giờ. Tuy nhiên, theo quy định tại Thông tư 173/2013/TT-BTC và Thông tư 190/2013/TT-BTC, Hội đồng định giá phải bao gồm thành viên là đại diện Sở Tài chính cùng cấp; vì vậy với khoảng thời gian rất ngắn như trên rất khó khăn trong việc triệu tập thành viên.

Như vậy, tình trạng quá tải phương tiện tạm giữ ở một số nhà kho, buộc phải để phương tiện tạm giữ ngoài trời, bảo quản bằng bạt trong thời gian dài, đã làm các phương tiện nhanh bị hư hỏng, xuống cấp, gây lãng phí cùng những bất cập, vướng mắc trong thực hiện các thủ tục thanh lý hoặc tiêu hủy phương tiện tạm giữ đã gây không ít khó khăn cho các cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ. Đòi hỏi cần phải nhanh chóng sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật cho phù hợp; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không thu mua, sử dụng phương tiện giao thông hết niên hạn sử dụng, xe độ chế, chấp hành nghiêm Luật giao thông đường bộ góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nêu trên, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.


Thái Ngân