A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nguy hiểm khôn lường từ việc không sử dụng gương chiếu hậu khi tham gia giao thông

 

Gương chiếu hậu là một thiết bị an toàn bắt buộc phải có trên các phương tiện tham gia giao thông. Chức năng của gương chiếu hậu giúp người điều khiển có thể quan sát từ phía sau mà không cần phải quay đầu lại, đảm bảo an toàn khi lái xe. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều người đã sẵn sàng tháo bỏ gương ngay từ khi mới mua xe hoặc thay gương đủ tiêu chuẩn bằng những loại gương “thời trang” hơn. Chính những hành động này đã gây ra những hiểm họa trên đường mà người điều khiển phương tiện giao thông không lường trước được.

Trong tham gia giao thông, tầm nhìn đóng vai trò rất quan trọng, giúp người điều khiển phương tiện dự đoán được những tình huống có thể xảy ra và xử lý kịp thời. Đối với khoảng không gian phía sau người điều khiển thì việc quan sát được thực hiện chính nhờ gương chiếu hậu. Việc quan sát từ phía sau sẽ giúp người lái biết được có xe vượt hay không để từ đó nhường đường an toàn, tránh bị bất ngờ khi có xe vượt lên. Có thể nói, gương chiếu hậu là “con mắt sau” rất hữu ích đối với người điều khiển phương tiện giao thông.

C:UsersAdministratorDesktop1_153151.jpg

Gương chiếu hậu là “con mắt sau” hữu ích với người điều khiển phương tiện giao thông

Hiện nay, khi lưu thông trên đường phố, không khó để thấy những chiếc xe không có gương chiếu hậu, hoặc chỉ lắp một gương bên trái, hoặc thay gương tiêu chuẩn bằng những loại gương nhỏ, gọn, “thời trang” hơn nhưng không có tác dụng. Thậm chí đối với những chiếc xe có đủ cả hai gương tiêu chuẩn thì việc trang bị này cũng chỉ mang tính chất đối phó với lực lượng Cảnh sát giao thông hoặc để “làm cảnh”, vặn vẹo lệch khỏi tầm quan sát của người điều khiển, không sử dụng đúng tính năng của nó. Có rất nhiều lý do để người sử dụng không quan tâm đến tính năng quan trọng của gương chiếu hậu khi lái xe. Họ cho rằng việc trang bị gương đủ tiêu chuẩn sẽ là giảm độ đẹp của xe nên sẽ tháo bỏ hoặc thay bằng những loại gương ngắn, nhỏ, “thời trang” hơn. Cũng có người cho rằng, việc lắp gương chiếu hậu khiến chiếc xe thêm rườm rà, dễ va quẹt với các xe khác khi đường đông và khi tham gia giao thông cũng không sử dụng chúng vào mục đích gì.

Ở Việt Nam, quy chuẩn số 28/BGTVT do Bộ Giao thông vận tải ban hành kèm theo Thông tư số 36/2010/TT-BGTVT về gương chiếu hậu cho ô tô, xe máy quy định: Diện tích bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 69 cm2; trường hợp gương tròn thì đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94mm và không được lớn hơn 150mm. Đồng thời, gương chiếu hậu lắp trên phương tiện giao thông phải đáp ứng được các yêu cầu: Thứ nhất, tất cả các gương chiếu hậu đều phải điều chỉnh được một cách dễ dàng quanh cán gương nhưng cũng không quá rung lắc, lỏng lẻo khi xe chuyển động. Thứ hai, đảm bảo bền khi bị chèn ép hoặc va chạm; khi bị vỡ, các mảnh kính văng ra phải hạn chế tối đa việc gây sát thương cho người điều khiển cũng như những người khác. Thứ ba, bề mặt phản xạ của gương phải có dạng phẳng hoặc cầu lồi tùy theo các loại gương; diện tích cũng như dạng bề mặt của gương phải giúp cho người lái xe dễ dàng quan sát qua gương phía trước bánh xe, xung quanh xe, phía sau xe cũng như phía sau ở trong xe. Chính vì vậy, việc dùng loại gương chiếu hậu chuẩn của từng loại xe rất quan trọng, bởi các nhà sản xuất đã tính toán cẩn thận về góc quan sát tương ứng với thiết kế của xe. Việc người dùng tự lắp những loại gương trôi nổi trên thị trường vừa không đảm bảo về góc quan sát, vừa có khả năng gây ra sát thương vì gương tiêu chuẩn được thiết kế sao cho khi vỡ thì hạn chế tối đa việc tạo ra các mảnh sắc nhọn.

 

C:UsersAdminAppDataLocalMicrosoftWindowsINetCacheContent.Wordreceived_2022068904730026.jpeg

Tình trạng người dân đi xe không có gương chiếu hậu vẫn diễn ra khá phổ biến trên các tuyến đường trong TP.KonTum


Khi tham gia giao thông, việc quan sát từ phía sau đóng vai trò rất quan trọng, giúp người điều khiển phát hiện được những nguy hiểm từ phía sau và tránh được những tai nạn có thể xảy ra. Chẳng hạn, khi sử dụng gương chiếu hậu, người điều khiển sẽ biết được tốc độ, hướng di chuyển cũng như  tín hiệu giao thông của xe phía sau (nhất là xe ô tô), từ đó nhường đường và tránh được những va chạm đáng tiếc. Trong thực tế, phần lớn các vụ tai nạn giao thông giữa hai xe đi cùng chiều (nhất là những vụ xảy ra giữa ô tô và xe máy) là do không sử dụng hoặc không quan sát kỹ gương chiếu hậu khi đi trên đường, từ đó lấn làn, không nhường đường hoặc đi vào khu vực điểm mù của xe phía sau dẫn đến xe phía sau va chạm và gây tai nạn với xe phía trước. Mặt khác, khi chuyển hướng hoặc quay đầu, nếu không có gương chiếu hậu, người điều khiển sẽ phải quay đầu về phía sau để quan sát, khi đó, khoảng không gian phía trước là điểm mù, người điều khiển sẽ bị mất thăng bằng và những nguy hiểm ở phía trước xuất hiện vào thời điểm này họ sẽ không xử lý kịp vì đang tập trung quan sát phía sau. Nếu có gương chiếu hậu, khi muốn chuyển hướng, qua đường hoặc quay đầu, người điều khiển chỉ cần liếc mắt nhìn gương, quan sát khoảng không gian phía sau xem có chướng ngại vật hoặc có phương tiện đi tới hay không và từ đó đưa ra quyết định chuyển hướng, qua đường, quay đầu phù hợp.

Ngoài tác dụng đảm bảo an toàn và tạo thuận lợicho người điều khiển phương tiện giao thông thì việc sử dụng gương chiếu hậu cũng có tác dụng phòng ngừa đối với hoạt động của các đối tượng cướp giật trên đường. Phần lớn những vụ cướp giật tài sản cá nhân trên đường như túi xách, dây chuyền, vòng cổ… thì các đối tượng thường rình rập ở phía sau người điều khiển một thời gian, quan sát kĩ rồi mới hành động. Khi có gương chiếu hậu, người lái có thể biết được có xe đang theo dõi mình cũng như những biểu hiện đáng nghi của các đối tượng để tránh né kịp thời.

Pháp luật nước ta cũng đã quy định rõ về việc lắp gương chiếu hậu trên các phương tiện giao thông. Theo đó, tại Điểm e, Khoản 1, Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới phải có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển. Tại Điểm a, Khoản 1, Điều 17 Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự  xe gắn máy “không có còi, đèn soi, biển số, đèn báo hãm, gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng” sẽ bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng. Từ những quy định trên có thể thấy, hành vi không lắp gương chiếu hậu hoặc lắp gương chiếu hậu không đủ tiêu chuẩn là vi phạm luật giao thông đường bộ. Tuy nhiên, trong thực tế nhận thức của người tham gia giao thông về vấn đề này còn nhiều hạn chế dẫn đến tình trạng xe không có gương chiếu hậu hoặc lắp gương sai quy định vẫn diễn ra khá phổ biến.

Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn tính mạng của chính mình và những người xung quanh khi tham gia thông, đồng thời phát huy tốt văn hóa chấp hành luật lệ an toàn giao thông, mỗi cá nhân hãy tự giác lắp và sử dụng hiệu quả  gương chiếu hậu trên phương tiện của mình. Các lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xử phạt nghiêm khắc, triệt để đối với những trường hợp không lắp hoặc lắp gương chiếu hậu sai quy định để trên cơ sở đó nâng cao tinh thần thượng tôn pháp luật của mỗi người dân đối với hành động mặc dù rất quan trọng nhưng ít người quan tâm.


Khánh Vi