A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tiếp tục nâng cao hiệu quả quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện

Sau 10 năm triển khai thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện trên tất cả các tuyến đường theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 26/9/2007 của Chính phủ và Luật giao thông đường bộ, ý thức chấp hành pháp luật giao thông trong Nhân dân được nâng cao, hình thành thói quen đội mũ bảo hiểm đối với người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện tạo nên nét văn hóa giao thông trong cả nước nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng; tỷ lệ đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy với người lớn đã đạt trên 90%, góp phần quan trọng kéo giảm thương vong do tai nạn giao thông ở nước ta trong 10 năm qua.

IMG_1925

Công dân chấp hành quy định đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe máy điện

Tuy nhiên việc thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm vẫn còn một số tồn tại, bất cập như: Tỷ lệ người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện ở khu vực nông thôn, miền núi vùng sâu, vùng xa còn thấp; tỷ lệ trẻ em từ 06 tuổi trở lên đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện chỉ đạt ở mức 30 – 40%; tình trạng sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, mũ bảo hiểm giả, mũ không phải là mũ bảo hiểm còn phổ biến và tiếp tục có những diễn biến phức tạp, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.

Để tiếp tục đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, đồng thời thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-Ttg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện trên địa bàn tỉnh, ngày 05/11/2018, Ban An toàn giao thông tỉnh đã ban hành Công văn số 132/CV-BATGT về tiếp tục nâng cao hiệu quả quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, theo đó:

Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ mở các đợt cao điểm, chuyên đề tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông nhất là các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông (trong đó có hành vi vi phạm quy định quy định đội mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện khi tham gia giao thông; chú trọng người đi mô tô, xe gắn máy chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm); kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật giao thông nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong Nhân dân.

Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tại địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đội mũ bảo hiểm cho người ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, nhất là quy định của pháp luật về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em.

Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Kon Tum tăng cường sản xuất chương trình, thời lượng phát sóng tin, bài, phóng sự về an toàn giao thông cho người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện nhất là việc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện và việc chấp hành quy định về đội mũ bảo hiểm đối với trẻ em nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra.

Ban An toàn giao thông các huyện, thành phố phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật giao thông tại địa phương, vận động Nhân dân chấp hành nghiêm quy định về bắt buộc đội mũ bảo hiểm và đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, mỗi người dân cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, quy định về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, vận động người thân chấp hành nghiêm chỉnh nhằm giảm thiểu mức độ thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra, gìn giữ nét đẹp trong văn hóa giao thông; đồng thời tố giác những hành vi sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia, mũ bảo hiểm giả, mũ không phải là mũ bảo hiểm của các tổ chức, cá nhân đến các lực lượng chức năng để kịp thời xử lý, giải quyết.

Thái Ngân