A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xử lý phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường đòi hỏi lực lượng Công an phải tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý triệt để.

Thời gian qua, tình trạng người dân sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành, nhất là ở vùng nông thôn khá phổ biến. Phần lớn người dân, đặc biệt người dân tộc thiểu số sử dụng phương tiện tự chế, tự lắp ráp phục vụ hoạt động thồ chở nông sản, hàng hóa. Việc sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành, thiếu những thông số kỹ thuật cần thiết không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông, đồng thời gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý phương tiện khi không được đăng ký sử dụng theo quy định của luật giao thông đường bộ.

http://baokontum.com.vn/uploads/Image/2017/08/24/20170824153940nhung%20chiec%20xe%20do%20che%20bi%20luc%20luong%20cong%20an%20Ngọc%20hồi%20phát%20hiện%20tịch%20thu%20(3).jpg

Xử lý các phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành. Ảnh: baokontum.com.vn

Trên cơ sở quán triệt và triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Công an và của tỉnh, Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, xử lý phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành, đặc biệt là việc sử dụng các phương tiện này để vận chuyển lâm sản trái phép; đồng thời phối hợp với các ngành, các lực lượng chủ động tuyên truyền, vận động, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi vi phạm. Công an tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã quan tâm thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; trong đó, chú trọng tuyên truyền các quy định của pháp luật về xử lý phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành; quy định về cấm sản xuất, lắp ráp các phương tiện giao thông trái quy định, các hình thức xử phạt và mức phạt đối với người sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành, đồng thời vận động người dân ký cam kết không đưa phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành tham gia giao thông, không sản xuất, lắp ráp các phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông.

Để chủ động nắm số lượng phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành tại từng địa bàn, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp Công an xã tiến hành rà soát, thống kê phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành trên địa bàn quản lý; đồng thời, thông báo cho chủ các phương tiện biết để thực hiện thu hồi giấy đăng ký, biển số xe theo quy định; thông báo đến các cơ quan liên quan để có biện pháp quản lý và xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Với công tác tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý hành vi sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành, lực lượng Cảnh sát giao thông tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm để kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành với hình thức linh hoạt, phù hợp từng khu vực, địa bàn. Lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với Công an huyện, thành phố tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường tỉnh lộ, đường liên thôn, liên xã, các địa bàn phức tạp về phương tiện không đảm bảo điều kiện tham gia giao thông, khu vực biên giới, giáp ranh giữa các địa phương và khu vực khai thác lâm sản, các mỏ khoáng sản, công trình thủy điện, các bãi tập kết vật liệu và công trình xây dựng đang tập trung nhiều phương tiện giao thông hoạt động. Trong Quý III/2020, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã phát hiện 39 trường hợp vi phạm, trong đó, 11 xe ô tô vi phạm có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, 20 mô tô, xe máy vi phạm các lỗi: tự ý thay đổi kết cấu xe, không có đăng ký xe, không có giấy phép lái xe, không gắn biển số. Qua tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, việc sử dụng các phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành có chiều hướng giảm, công khai sử dụng phương tiện này ở địa bàn thành phố, các thị trấn và trên các tuyến quốc lộ ít xảy ra.

Đối với các cơ sở sản xuất, lắp ráp, sửa chữa phương tiện cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa, lực lượng Công an phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra, qua đó phát hiện một số cơ sở còn việc nhận sửa chữa các máy kéo chưa được đăng ký, cấp phép lưu hành, đồng thời yêu cầu chấm dứt và cam kết thực hiện theo quy định.

Nhìn chung, thời gian qua, với sự nỗ lực của lực lượng Công an và chính quyền các địa phương, tình trạng sử dụng các loại phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành đã giảm và không còn phổ biến; việc sản xuất, lắp ráp trái phép phương tiện được kiểm soát; thông qua tuyên truyền, vận động, nhắc nhở và xử lý vi phạm, đa số các tổ chức, cá nhân đã nắm được quy định, chấp hành tốt và cam kết không vi phạm. Tuy nhiên, tại khu vực vùng sâu, vùng xa, việc phát hiện và xử lý triệt để phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành gặp nhiều khó khăn bởi đây là phương tiện chính phục vụ hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế của người dân; một số người dân chủ động đối phó với lực lượng chức năng trong sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành như thường hoạt động vào ban đêm, tự mở đường mòn, lối mở ở khu vực rừng núi hiểm trở nơi lực lượng chức năng khó tiến hành tuần tra, kiểm soát để vận chuyển lâm sản trái phép; với địa bàn quản lý rộng nên lực lượnCông an cơ sở đôi lúc không thể thường xuyên, liên tục bám sát địa bàn, kiểm soát hết các tuyến, nhất là địa bàn giáp ranh khu vực biên giới… Do đó, để giảm thiểu thấp nhất hậu quả tiêu cực do loại phương tiện này gây ra, đòi hỏi sự nỗ lực của lực lượng chức năng và ý thức tự giác chấp hành của người dân trong việc không lắp ráp, sản xuất, sử dụng phương tiện không đảm bảo điều kiện lưu hành.

Khánh Vi