A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo tình trạng đốt cỏ, rác không kiểm soát gây cháy lan thiệt hại về tài sản

Kon Tum đang trong thời gian cao điểm của mùa khô năm 2023-2024 (cuối tháng 11/2023 đến tháng 04/2024), thời tiết nắng nóng cao độ cùng với việc người dân sơ xuất bất cẩn trong quá trình đốt cỏ, rác là nguyên nhân chính xảy ra các vụ cháy cỏ, cháy lan mất kiểm soát gây thiệt hại về tài sản hiện nay.

 

 

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Kon Tum tham gia cứu chữa vụ cháy bãi cỏ ngày 17/2/2024 tại thôn KonKtu, thành phố Kon Tum

Gần đây nhất là vụ cháy bãi mía xảy ra vào lúc 12h30' ngày 04/3/2024, tại vùng đồi thôn 7, xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum làm thiệt hại 5,83 ha mía của 10 hộ dân với sản lượng ước tính khoảng 350 tấn, vụ cháy đã được lực lượng dân phòng xã Đoàn Kết và người dân dập tắt. Nguyên nhân ban đầu được xác định do người dân bất cẩn trong việc đốt rác mía, dọn rẫy vừa thu hoạch xong.

Vụ cháy bãi mía xảy ra vào ngày 04/3/2024 (Nguồn:thanhnien.vn)

Mùa khô cũng là mùa bà con nông dân đốt thực bì, cỏ rác, dọn nương rẫy để đảm bảo chất lượng cho mùa vụ mới. Tuy nhiên, quá trình đốt cỏ, rác nếu không được kiểm soát sẽ trở thành vụ cháy gây thiệt hại về tài sản. Theo quy định của pháp luật, người dân có thể bị xử phạt với hành vi vi phạm trong việc để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại tài sản tuỳ vào mức độ thiệt hại có thể bị phạt đến 10 triệu đồng (quy định tại Điều 51 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ).

Chính vì vậy, để hạn chế tình trạng đốt cỏ, rác mất kiểm soát gây cháy lan, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tác giả khuyến cáo người dân, cơ quan, chính quyền cần quan tâm, chú trọng thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy như sau:

Một là, Người dân chỉ nên đốt rẫy vào sáng sớm hoặc chiều tối khi có gió nhẹ và đốt ngược hướng gió. Khi đốt, cần chia nhỏ và đập dập các đống đốt, phát dập cỏ không để tơi xốp, cỏ khô tự nhiên gây cháy lớn và cháy lan nhanh khó kiểm soát. Lúc đốt phải có người trông coi và bảo đảm đám cháy phải dập tắt hoàn toàn khi rời đi. Khi xảy ra cháy phải tổ chức chữa cháy ngay khi đám cháy mới phát sinh.

Hai là, Tổ bảo vệ dân phố, lực lượng dân phòng cần tổ chức vận động Nhân dân quanh khu vực đốt rẫy ký cam kết thực hiện, chịu trách nhiệm khi xảy ra hậu quả nghiêm trọng. Tuần tra, kết hợp kiểm tra để sớm phát hiện những trường hợp cháy nổ hoặc tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ nhằm có biện pháp hỗ trợ xử lý kịp thời, nhất vào các ngày hanh khô, nắng nóng. Nghiêm cấm các hoạt động vào rừng đốt ong lấy mật, sử dụng nguồn nhiệt săn bắt thú rừng. 

Ba là, Người dân cần đổ rác đúng nơi quy định, không vứt rác bừa bãi. Các loại rác thải là nguồn nhiệt có nguy cơ phát sinh cháy như than tổ ong, than hoa, tro vàng mã còn tàn lửa… cần được tưới nước để dập tắt hoàn toàn, không còn nguồn nhiệt có thể gây cháy tại nơi tập kết rác. Khi phát hiện hành vi đốt cỏ, đốt rác tự phát, người dân cần báo ngay cho chính quyền địa phương gần nhất và lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH qua số điện thoại 114 hoặc ứng dụng báo cháy 114. Tuyệt đối không chủ quan tự cứu chữa đến khi đám cháy phát triển lớn, phức tạp rồi mới báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp.


Tác giả: Vũ Linh
Tin liên quan