A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chiến dịch phòng “giặc lửa” thực hiện trong 68 ngày

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 3.732 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy thuộc Phụ lục I của Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 21/11/2020 của Chính phủ, trong đó 248 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ thuộc Phụ lục II, 1.137 cơ sở do cơ quan Công an quản lý thuộc Phụ lục III và 2.595 cơ sở do UBND cấp xã quản lý thuộc Phụ lục IV.

 

Tính đến ngày 12/10/2022, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 13 vụ cháy, làm 01 người chết, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 4.973.000 đồng, nguyên nhân do hiện tượng tự nhiên (sét đánh), do sự cố hệ thống điện, do sơ xuất bất cẩn trong sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt... Công an tỉnh tổ chức thanh tra, kiểm tra 1.134  lượt với 1.134 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; qua kiểm tra, phát hiện nhiều thiếu sót đã hướng dẫn cơ sở khắc phục, đồng thời xử phạt số tiền là 416.700.000 đồng, tạm đình chỉ hoạt động 03 cơ sở do vi phạm quy định pháp luật về PCCC và CNCH. Chuyển quyền xử phạt vi phạm hành chính thẩm quyền Ủy ban nhân dân tỉnh đối với 04 tổ chức vi phạm, tổng số tiền xử phạt là 294.000.000 đồng.

Trong thời gian qua, số vụ cháy, nổ thương tâm xảy ra nhiều nơi trên phạm vi cả nước, Bộ Công an đã tổ chức nhiều đợt cao điểm, ban hành nhiều kế hoạch tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCCC và CNCH, kết luận, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện các mặt nghiệp vụ trong công tác PCCC và CNCH. Bám sát ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị công tác PCCC và sơ kết 05 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP ngày 18/7/2017 quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC và nhiệm vụ trọng tâm trong Kế hoạch số 513/BCA-C07 về tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH trên phạm vi toàn quốc, đồng chí Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum yêu cầu Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, Trưởng phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng các phòng nghiệp vụ có liên quan, Trưởng Công an cấp huyện, cấp xã tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Thống nhất quan điểm trong công tác PCCC và CNCH là luôn lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể chính trong phòng chống cháy, nổ và CNCH, sự an toàn, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; phòng ngừa cháy, nổ là “cơ bản, chiến lược, quyết định”. Khi xảy ra cháy, nổ sự cố, tai nạn thì chữa cháy, CNCH kịp thời, hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ “lực lượng trong dân, phương tiện trong dân, hậu cần trong dân, chỉ huy trong dân”.

Huấn luyện nghiệp vụ PCCC và CNCH cho lực lượng PCCC cơ sở kinh doanh xăng dầu

trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Xác định đợt tổng rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ này như là 01 “chiến dịch” chấm dứt ngay tình trạng cơ sở không đủ điều kiện an toàn về PCCC và CNCH, chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC nhưng vẫn hoạt động, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT hoặc cơ sở không đủ điều kiện nhưng vẫn được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC.

Tham mưu UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các sở, ban ngành, UBND cấp huyện, cấp xã thực hiện đúng trách nhiệm quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, phối hợp lực lượng Công an thực hiện công tác tổng rà soát, kiểm tra; chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với các cơ sở thuộc Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định số 136/2020/NĐ-CP.

Xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai thực hiện trong đó cần phân công và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị nghiệp vụ liên quan, Trưởng Công an cấp huyện, cấp xã trong thực hiện tổng rà soát; phân công các lực lượng khác hỗ trợ Cảnh sát PCCC và CNCH trong thực hiện tổng rà soát.

Việc tổng kiểm tra phải được triển khai quyết liệt, toàn diện đối với 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC. Tất cả các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH phải được kiến nghị và bắt buộc khắc phục theo hướng “rõ trách nhiệm, đúng thẩm quyền”. Sau kiểm tra phải tổ chức giám sát chặt chẽ, kiên quyết không để các cơ sở vi phạm về PCCC và CNCH, có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động.

Ngân hàng HD Bank Chi nhánh Kon Tum bị xử phạt 87 triệu đồng vì vi phạm quy định PCCC

Đoàn kiểm tra an toàn về PCCC đối với cơ sở kinh doanh karaoke

trên địa bàn thành phố Kon Tum

Việc xử lý vi phạm phải thực hiện chặt chẽ, nghiêm minh, triệt để, không để sót lọt cơ sở không được kiểm tra, xử lý; cơ sở có vi phạm quy định về PCCC mà không tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc hoạt động mà không được giám sát, không để lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, chống tiêu cực trong giám sát, kiểm tra. Tuyệt đối không được bỏ qua lỗi vi phạm hoặc chuyển lỗi nặng thành lỗi nhẹ. Quán triệt cán bộ chiến sĩ có người thân tham gia kinh doanh tại các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC phải tuyên truyền, vận động người thân chấp hành các quy định về PCCC, hướng dẫn, kiến nghị của lực lượng kiểm tra; nghiêm cấm lãnh đạo, cán bộ, chiến sĩ can thiêp vào hoạt động rà soát, kiểm tra, xử lý.

Chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Công an tỉnh nếu trên địa bàn có tình trạng công trình không đủ điều kiện nhưng vẫn được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC; cơ sở chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, không bảo đảm đủ điều kiện an toàn về PCCC (bao gồm cả công trình không thuộc diện thẩm duyệt thiết kế về PCCC) nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, đưa vào hoạt động.

Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng và nhân rộng mô hình điển hình an toàn phòng cháy, chữa cháy, an ninh trật tự, các mô hình tổ liên gia tự quản an toàn PCCC tại các khu dân cư, hộ gia đình, chợ…; đề cao ý thức của người dân trong công tác PCCC và CNCH là hết sức quan trọng. Từ đó góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển – kinh tế của đất nước trong tình hình hiện nay./.

                                                                           


Tác giả: Phương Quý
Tin liên quan