A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phòng chống cháy, nổ mùa mưa bão

Với đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa, Kon Tum có mùa mưa kéo dài 06 tháng, lượng mưa cao nhất vào tháng 7, tháng 8 hàng năm. Nhiều người dân vẫn có quan niệm cho cho rằng vào mùa mưa, hoặc lúc trời đang mưa to sẽ khó xảy ra cháy, thậm chí không thể cháy được; do đó chủ quan, lơ là, mất cảnh giác đối với công tác đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy trong mùa mưa, đặc biệt khi mưa bão đi kèm với hiện tượng sét đánh…

Description: https://congankontum.gov.vn/wp-content/uploads/2019/06/word-image-28.jpeg

Cháy nhà Rông truyền thống huyện Đăk Hà

Các vụ cháy gần đây

Khoảng 20h30, ngày 30/5/2019, nhà Rông truyền thống của huyện Đăk Hà (được xây dựng tại Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện, thuộc TDP 2B, thị trấn Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) bốc cháy dữ dội. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do sét đánh. Đám cháy bắt đầu từ một phần nóc nhà, sau đó lan rộng và cháy bốc cháy toàn bộ phần mái, vách nhà và phần thân nhà. Thời điểm trên, trời đang mưa rất to, gió mạnh. Khoảng 30 phút sau, khi Lực lượng cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Công an tỉnh Kon Tum có mặt, hỗ trợ khống chế, đám cháy mới được dập tắt. Tuy nhiên, nhà rông đã bị thiêu rụi, trơ lại một phần khung và các cột nhà cháy xém.

Hoặc một vụ khác xảy ra vào lúc 12h00 ngày 18/6/2019 tại một nhà dân ở thôn Long Bình 1, xã An Hải, huyện Ninh Phước tỉnh Ninh Thuận. Vụ cháy đã khiến bà Phan Thị Thu Hưởng (32 tuổi) bị thiệt mạng. Hai con của bà Hưởng là cháu Lương Minh Phú (2 tuổi) và Lương Minh Phát (5 tuổi) bị bỏng nặng. Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy được cơ quan chức năng xác định là do chập điện.

Nguyên nhân xảy ra cháy, nổ

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ – Bộ công an, đến 80% nguyên nhân của các vụ cháy nổ, đặc biệt là trong mùa mưa bão đều xuất phát từ hệ thống điện với các nguyên nhân như: Chạm, chập, hay các hiện tượng ngắn mạch, đoản mạch…; hoặc do những yếu tố từ thiên nhiên, chủ yếu là sét.

Sở dĩ sự cố điện, chập cháy thường xảy ra tại mùa mưa và lúc mưa lớn là do sự ô xy hóa các mối nối, độ ẩm lớn gây nổ các trạm biến áp. Bên cạnh đó, một số công trình không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống cháy nổ, đặc biệt là việc lắp đặt hệ thống thu lôi, chống sét chưa đảm bảo theo các quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn và các quy định khác của pháp luật.

1

Sét – nguy cơ tiềm ẩn cháy, nổ (ảnh minh họa)

Giải pháp phòng chống cháy, nổ

Để đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ, nhất là mùa mưa bão, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ – Công an tỉnh Kon Tum khuyến cáo người dân thực hiện nghiêm những nội dung sau:

– Trong căn hộ không nên cùng lúc bật nhiều thiết bị điện có công suất lớn như: Bàn là, quạt sưởi, bình nóng lạnh, điều hòa nhiệt độ…, vì có thể dẫn đến hệ thống dây dẫn bị quá tải gây ra chập, cháy.

– Không sử dụng các phích cắm, ổ cắm bị vỡ vỏ nhựa. Không cắm nhiều thiết bị điện vào cùng một ổ cắm và không cắm dây dẫn trực tiếp vào ổ điện.

– Không để các vật liệu dễ cháy gần hoặc phủ lên các thiết bị điện sinh nhiệt (bóng đèn, quạt sưởi…), các mối nối trên dây dẫn điện, các ổ cắm điện, cầu dao điện… vì đây là những vị trí có nguy cơ cao về phát sinh tia lửa và nguồn điện gây ra đám cháy.

– Cần phải kiểm soát một cách chặt chẽ khi sử dụng các thiết bị điện như bàn là, quạt sưởi, các loại ấm đun nước không có hệ thống ngắt tự động… Khi không sử dụng các thiết bị điện, người dùng nên rút giắc cắm ra khỏi nguồn điện, tránh sự cố chập, nổ ổ cắm điện xảy ra bất ngờ.

– Khi ra khỏi nhà nên tắt hết các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết như: Đèn chiếu sáng, bếp điện, điều hòa… như vậy sẽ vừa đảm bảo tiết kiệm năng lượng điện và vừa hạn chế nguy cơ xuất hiện đám cháy do sự cố ở các thiết bị này.

– Các cơ sở tồn chứa xăng dầu và các công trình đặc biệt có yêu cầu lắp đặt hệ thống thu lôi chống sét, phải thực hiện việc kiểm tra kiểm tra định kỳ hệ thống chống sét. Việc lắp đặt hệ thống thu lôi chống sét phải đảm bảo theo các quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam và các quy định khác của pháp luật.

– Người dân cần gia cố, chằng buộc chắc chắn các cửa, công trình tránh sụp đổ khi có gió mạnh; tăng cường công tác kiểm tra các điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy trước mùa mưa bão. Đối với các kho hóa chất, khi tiếp xúc với nước gây phản ứng tự cháy cần có biện pháp tránh ngập nước.

Mỗi một người dân cần nâng cao ý thức về phòng cháy, chữa cháy, nghiên cứu các biện pháp phòng ngừa; đồng thời trang bị những kỹ năng cần thiết góp phần giảm thiểu số vụ cháy cũng như thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Xuân Đức (Phòng CS PCCC&CNCH)