A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng và quản lý, bảo vệ rừng mùa khô năm 2020

Hiện nay, tình hình nắng nóng, khô hạn trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nền nhiệt độ cao liên tục duy trì và kéo dài, nguy cơ cháy rừng rất cao, đặc biệt là đối với diện tích rừng mới trồng, vườn cao su, đây cũng là thời kỳ người dân tiến hành các hoạt động sản xuất nương rẫy, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng rất cao.

Ảnh minh họa

Theo cảnh báo cháy rừng của Cục Kiểm lâm thì tỉnh Kon Tum đang ở cấp dự báo cháy rừng cao, cực kỳ nguy hiểm (cấp IV, V) và thực tế trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ cháy rừng tại các huyện: Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Đăk Hà, Sa Thầy… với tổng số 12 vụ (05 vụ gây thiệt hại 17,06ha rừng; 07 vụ cháy cỏ tranh lau lách hoặc cháy dưới tán rừng, không gây thiệt hại về rừng).

Trước tình hình nắng nóng kéo dài như hiện nay, để chủ động triển khai các biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng cháy rừng và xâm hại đến tài nguyên rừng, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra các cấp, các ngành, các đơn vị chủ rừng và Nhân dân trên địa bàn tỉnh cần triển khai thực hiện các biện pháp như sau:

Thứ nhất, Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR),

Thứ hai,Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng dân cư về công tác bảo vệ rừng và PCCCR, đặc biệt là công tác phát hiện, nêu gương, nhân rộng các tổ chức, cá nhân điển hình tiên tiến.

Thứ ba, Các cơ quan chức năng, các đơn vị chủ rừng căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ cần chủ động thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng và PCCCR; kiểm tra, khoanh vùng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, chuẩn bị sẵn sàng, huy động các lực lượng tại chỗ xử lý khi có cháy rừng, bố trí trực PCCCR thường xuyên 24/24h trong những tháng cao điểm mùa khô (đặc biệt là các ngày nghỉ, lễ, tết…) để kịp thời phát hiện và xử lý ngay từ thời điểm ban đầu, kịp thời dập tắt đám cháy theo phương châm “bốn tại chỗ” không để xảy ra cháy lớn, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra. Sau mỗi vụ cháy phải kịp thời kiểm tra, xác minh, xác định nguyên nhân và đối tượng gây ra cháy rừng, lập hồ sơ, xử lý nghiêm minh theo quy định.

Thứ tư, Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Phương án PCCCR mùa khô; tăng cường kiểm tra giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện công tác PCCCR ở các địa phương, cơ sở và các chủ rừng trong suốt mùa khô, nhất là các vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng; tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng lửa trong canh tác nương rẫy của người dân. Tại các khu vực rừng có nguy cơ cháy cao và điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái phép phải tổ chức lực lượng chốt giữ, thường xuyên tuần tra, kiểm soát người ra vào rừng, kiên quyết ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ việc chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép.

Thứ năm, Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng (Công an, Quân đội, Kiểm lâm, Dân quân tự vệ…) theo quy định tại Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28/12/2015 của Chính phủ và các Quy chế phối hợp đã ký kết. Chi cục Kiểm lâm, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, bố trí lực lượng, phương tiện để hỗ trợ chữa cháy rừng trong trường hợp có cháy lớn xảy ra; hướng dẫn tổ chức tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCCR; tham gia cứu chữa các vụ cháy rừng, điều tra nguyên nhân để xử lý nghiêm theo quy định.

Bá Tuấn (Phòng CS PCCC và CNCH)