A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Thực hiện giải pháp an toàn phòng cháy khi hàn cắt kim loại

Cần ban hành nội quy, quy định an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC), quy trình an toàn khi hàn phù hợp với đặc điểm sản xuất và đặc thù của từng cơ sở…

Theo thống kê, phần lớn các cơ sở hàn cắt kim loại là những cơ sở nhỏ và vừa nên chủ cơ sở chưa ý thức được tầm quan trọng của công tác PCCC. Các thợ hàn không nắm được những đặc tính nguy hiểm cháy nổ của hàn cắt kim loại; không biết các biện pháp phòng ngừa sự cố cháy nổ. Khi xảy ra sự cố, thợ hàn cắt kim loại cũng không biết sử dụng các loại dụng cụ, phương tiện chữa cháy tại chỗ nên thường không giữ được bình tĩnh, lúng túng, sợ hãi; không biết cách xử lý để dập tắt đám cháy ngay khi mới phát sinh, thậm chí còn bỏ chạy khiến đám cháy lan nhanh dẫn đến cháy lớn, gây ra những hậu quả khó lường.

Khoảnh khắc khó quên cứu hộ vụ cháy kinh hoàng ở ITC - Tuổi Trẻ Online

Vụ cháy Trung tâm Thương mại quốc tế ITC năm 2002 (ảnh internet)

Vụ cháy tại Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC TPHCM), vào lúc 13h30 ngày 29/10/2002, được cho là vụ cháy làm thương vong về người và thiệt hại về tài sản đứng đầu trong tất cả các vụ cháy, nổ do hàn cắt kim loại gây ra (tính trên phạm vi toàn quốc và tính từ sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước). Vụ cháy đã cướp đi sinh mạng của 60 người, làm 91 người khác bị thương, thiệt hại tài sản hơn 32 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến cháy là khi hàn các bu lông định vị trên trần, thợ hàn để vảy hàn nhiệt độ cao bắn vào tấm xốp cách âm, gây cháy lan nhanh và cháy lớn. Sau khi đám cháy lan rộng, thợ hàn mất bình tĩnh đã đóng cửa phòng đang cháy và để mặc cho đám cháy tiếp tục phát triển.

Vụ cháy ngày 1/11/2016 tại quán karaoke ở đường Trần Thái Tông, phường Cầu Giấy, Hà Nội, cũng do hàn cắt kim loại gây ra. Sau 07 giờ chữa lửa, lực lượng chức năng phát hiện 13 nạn nhân tử vong. Mặt tiền 4 căn nhà cao 8 tầng bị thiêu rụi hoàn toàn. Nhiều xe máy và ô tô bị hư hỏng. Nguyên nhân vụ cháy được xác định do khi cắt bản lề cửa ở tầng 2, thợ hàn đã để tia lửa bắn lên vách, bắt cháy và ngọn lửa lan rộng.

Trước những thiệt hại từ các vụ cháy, nổ do quá trình hàn cắt kim loại gây ra, để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy trong quá trình hàn cắt kim loại các cơ sở hàn cắt, người dân và tổ chức cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. Người đứng đầu cơ sở phải nêu cao tinh thần trách nhiệm về PCCC, quan tâm và đầu tư cho công tác PCCC.

2. Ban hành nội quy, quy định an toàn PCCC, quy trình an toàn khi hàn phù hợp với đặc điểm sản xuất và đặc thù của từng cơ sở.

3. Cần tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn hàn lồng ghép với các buổi phổ biến kiến thức an toàn PCCC và an toàn vệ sinh lao động theo định kỳ đối với công nhân viên của mình.

4. Trong quá trình hàn cắt phải tổ chức che chắn bằng các vật liệu không cháy hoặc di chuyển các vật liệu dễ cháy ra khỏi khu vực hàn cắt (tối thiểu 10m), không để vảy hàn có nhiệt độ cao tiếp xúc với các vật liệu dễ cháy, phải có biện pháp an toàn PCCC và phương án xử lý cháy, nổ.

5. Trong quá trình hàn cắt kim loại phải cử người trông coi. Có mặt thường xuyên trong suốt quá trình hàn cắt và ít nhất có mặt sau 30 phút, kiểm tra thật kỹ trước khi kết thúc việc hàn cắt.

6. Chỉ sử dụng các dụng cụ hàn cắt đảm bảo an toàn như các chai khí trong thời hạn kiểm định, dây dẫn khi đảm bảo kín, đường ống dẫn khí phải được bảo vệ tránh tia lửa hàn, xỉ hàn và dầu mỡ; không đặt các chai khí gần nguồn nhiệt, hệ thống điện.

7. Trang bị các phương tiện PCCC cần thiết như bình chữa cháy tại khu vực hàn cắt để có thể xử lý kịp thời khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.

8. Thợ hàn phải được tập huấn về nghiệp vụ PCCC; nắm vững đặc điểm nguy hiểm cháy, nổ trong công tác hàn cắt kim loại; biết sử dụng thành thạo các loại phương tiện PCCC tại chỗ để có thể dập tắt được đám cháy nây khi mới phát sinh.

9. Áp dụng phương pháp hàn cắt tiên tiến, sử dụng thợ hàn có tay nghề đã qua đào tạo về công tác an toàn trong quá trình hàn cắt kim loại.

Duy Tuấn