A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm quyền tiếp cận công tin của công dân trong thi hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

Bảo vệ bí mật nhà nước là một nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước, liên quan đến sự ổn định và phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bảo vệ bí mật nhà nước có mối quan hệ mật thiết với bảo đảm các quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin.

Quyền tiếp cận thông tin của người dân ở Việt Nam luôn được bảo đảm

Quyền tiếp cận thông tin là một trong các quyền cơ bản của con người, của công dân thuộc nhóm quyền dân sự - chính trị được ghi nhận trong Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền của Liên hợp quốc năm 1948 và Công ước quốc tế về các quyền dân sự năm 1966 mà Việt Nam là thành tiếp cận thông tin viên.

Ở nước ta, để đảm bảo quyền được thông tin, Đảng ta đề ra Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội tại Đại hội VII năm 1991. Điều 69 Hiến pháp Việt Nam năm 1992 sau đó ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin theo quy định của pháp luật”. Trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, giữa Nhà nước và quyền con người nói chung, quyền tiếp cận thông tin nói riêng có mối quan hệ tác động qua lại rất mật thiết. Quyền được thông tin có vai trò tích cực và tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền thực sự của dân, do dân và vì dân. Trong thời gian qua, quyền tiếp cận thông tin cũng được sự quan tâm thích đáng của Đảng và đã được thể hiện trong nhiều chủ trương, chính sách của Đảng. Cụ thể, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Ba, Ban chấp hành Trung ương Đảng (Khoá X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã đề ra nhiệm vụ nghiên cứu ban hành Luật bảo đảm quyền được thông tin của công dân và coi đây là một trong các biện pháp phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước.

Cụ thể hoá quy định của Hiến pháp, thực hiện chủ trương của Đảng, đồng thời nội luật hoá một số quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, nhiều văn bản pháp luật đã được ban hành có quy định về quyền được thông tin và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin do cơ quan nhà nước đang nắm giữ (các thông tin về môi trường, thông tin về quy hoạch, về xây dựng, về đất đai, về các dự án, về vệ sinh, an toàn thực phẩm, về chi tiêu ngân sách...), như Luật Báo chí, Luật Xuất bản, Luật Kiểm toán, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, Luật Nhà ở... Việc quy định trách nhiệm công khai, minh bạch và cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước trong các văn bản pháp luật được ban hành sau ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn so với các văn bản được ban hành trước.

           

Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 và để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân, ngày 06-4-2016, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật tiếp cận thông tin số 104/2016/QH13, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2018. Luật tiếp cận thông tin quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Bảo vệ bí mật nhà nước phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết nhưng không được hạn chế quyền tiếp cận thông tin.

Trong từng thời kỳ phát triển của đất nước, bí mật nhà nước luôn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của đất nước. Luật An ninh quốc gia năm 2004, Điều 14 đã xác định bảo vệ bí mật nhà nước là một trong năm nhiệm vụ quan trọng của bảo vệ an ninh quốc gia.

Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 154-SL ngày 17/11/1950 ấn định những hình phạt, trừng trị việc tiết lộ bí mật cơ quan hay công tác của Chính phủ; Sắc lệnh số 69-SL về giữ gìn bí mật quốc gia. Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các văn bản: Nghị định số 69-CP ngày 14/6/1962 quy định những vấn đề thuộc phạm vi bí mật nhà nước và trách nhiệm giữ gìn bí mật nhà nước; Thông tư số 67-TTg ngày 02/6/1962 quy định về biện pháp, tổ chức giữ gìn bí mật nhà nước. Ngày 28/10/1991, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước và ngày 28/12/2000 và sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh số 30/2000/PL-UBTVQH. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng để bảo vệ bí mật nhà nước, qua đó góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia trong từng giai đoạn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời điểm hiện nay, đất nước ta đang ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, bên cạnh những thời cơ, vận hội mới, chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đan xen. Các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng điều kiện mở cửa, hội nhập, sử dụng các thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, nhất là Internet, thông tin, truyền thông, lợi dụng quá trình toàn cầu hóa với những đòi hỏi phải xóa bỏ mọi rào cản để dân chủ hóa, công khai, minh bạch hóa trên các mặt của đời sống xã hội, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, xuất bản… để thu thập, lấy cắp, chiếm đoạt bí mật nhà nước nhằm chống phá Việt Nam. Do đó, bảo vệ vững chắc an ninh nội bộ, phòng chống âm mưu, hoạt động thu thập bí mật nhà nước của các thế lực thù địch và tội phạm đặt ra yêu cầu cấp thiết phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, để pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trở thành công cụ pháp lý quan trọng trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước, phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác này, ngày 15/11/2018, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước số 29/2018/QH14 có hiệu lực từ ngày 01/07/2020, thay thế Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH.

Để tránh việc lạm dụng quy định bảo vệ bí mật nhà nước dẫn đến hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân, khuynh hướng tuyệt đối hóa việc bảo vệ bí mật nhà nước, xác định phạm vi bí mật nhà nước quá rộng, lợi dụng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước để từ chối việc cung cấp thông tin, từ chối công dân tiếp cận thông tin, thậm chí lợi dụng yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời, để tránh tư tưởng xem nhẹ yêu cầu bảo vệ bí mật nhà nước, lạm dụng quyền tiếp cận thông tin xâm phạm bí mật nhà nước, tuyệt đối hóa quyền tiếp cận thông tin, cung cấp thông tin tùy tiện, dẫn đến lộ, lọt, mất bí mật nhà nước, cần giải quyết tốt vấn đề sau:

Một là, nhận thức cho đúng về vị trí, vai trò và mối quan hệ giữa bảo vệ bí mật nhà nước với bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Hai là,  quán triệt và thực hiện đúng nguyên tắc “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”; cần ưu tiên hoàn thiện các luật về quyền con người.

Ba là, xác định phạm vi bí mật nhà nước phù hợp, bảo đảm vừa bảo vệ thông tin bí mật quan trọng, vừa thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Luật bảo vệ bí mật nhà nước ra đời với sứ mệnh tạo khuôn khổ pháp lý đầy đủ, vững chắc cho công tác bảo vệ bí mật nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; bảo đảm tốt các quyền con người, quyền công dân; phòng ngừa lộ, mất bí mật nhà nước; nghiêm cấm các hành vi lợi dụng hoặc lạm dụng bảo vệ bí mật nhà nước để che giấu hành vi vi phạm pháp luật. Trong quá trình xây dựng Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, một trong những tiêu chí được Đảng và Nhà nước đặt ra là bảo vệ bí mật nhà nước phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết nhưng không được hạn chế quyền tiếp cận thông tin.

Khẳng định rằng, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành, các bộ, ban, ngành, địa phương đã tổ chức triển khai nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả tích cực, nhận thức của cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân được nâng cao, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ bí mật nhà nước ngày càng được củng cố chặt chẽ hơn và đi vào chiều sâu; công tác phòng chống âm mưu, hoạt động thu thập bí mật nhà nước của các thế lực thù địch và các loại tội phạm khác được triển khai có hiệu quả. Những kết quả đó đã góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia nói chung, an ninh nội bộ nói riêng, giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của đất nước.


Tác giả: Hoài Nhung
Tin liên quan