A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội trên địa bàn thành phố Kon Tum

Đối tượng lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi khi dàn dựng những kịch bản hoàn hảo để đưa nạn nhấn vào bẫy rồi chiếm đoạt tài sản số lượng ngày càng lớn. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, đặc biệt là sự bùng nổ của công nghệ viễn thông và công nghệ thông tin, những hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có sự phát triển, biến tướng ngày càng tinh vi, khó dự đoán và khó phòng ngừa hơn.

Từ đầu năm 2020 đến nay, số lượng tội phạm, đơn thư tố giác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên tục gia tăng với rất nhiều thủ đoạn khác nhau. Cụ thể đã xảy ra 32 vụ, thiệt hại hơn 3 tỷ đồng tiền mặt cùng các tài sản có giá trị khác. Trong đó, các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Messenger dù được cảnh báo bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng vẫn diễn ra rất thường xuyên. Vô hình chung đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong quần chúng Nhân dân cũng như ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Hình ảnh giao dịch của các đối tượng

Gần đây nhất là vụ việc của chị N, trú tại xã Đăk Năng, TP Kon Tum. Đầu tháng 10/2020, chị kết bạn với 02 người nước ngoài trên Facebook là Daneil Hassan và Maria Kely Wets rồi thường xuyên trò chuyện qua mạng Messenger (tạo sự tin cậy bằng việc nói rằng có thời gian sinh hoạt cùng tại Tòa giám mục Kon Tum, sau này được mẹ nuôi chuyển qua nước ngoài sinh sống, hiện đang làm phi công). Đối tượng đã gọi video quay cảnh đi mua sắm kim cương, trang sức, quần áo và ngỏ ý muốn chuyển số đồ trên cùng tiền mặt cho chị N. Sau đó, có chị tên Đỗ Thị Anh gọi điện cho chị N nói là nhân viên giao hàng nhưng muốn nhận hàng phải đóng phí chuyển và thông quan là 13.000.000đ. Vì không có tiền nên chị N vay mượn của bạn là chị B để chuyển khoản cho Đỗ Thị Anh. Nhưng sau đó, đối tượng tên Anh lại gọi cho chị N nói giá trị hàng hóa lớn nên bị cảng hàng không giữ lại và phải đóng thêm phí mới lấy được hàng. Trong quá trình đó, cả 2 đối tượng trên vẫn liên lạc với chị N và lấy danh nghĩa công ty Top Star gửi tin nhắn qua email cá nhân của chị N với nội dung đóng phí nhận hàng nhưng chị B vẫn không nhận được số tiền được gửi. Cứ vậy, chị B đã vay mượn và chuyển khoản 14 lần vào tài khoản nhiều ngân hàng của các đối tượng khác nhau với tổng số tiền là 319.000.000đ. Dễ dàng nhận thấy, các đối tượng đã giả danh quan nhân, bác sĩ, chính trị gia…ở nước ngoài làm quen rồi kế bạn với bị hại, đặc biệt là phụ nữ. Chúng đánh vào tâm lý “cô đơn”, “nhẹ dạ, cả tin” của bị hại rồi tâm sự chuyện riêng tư nhằm tạo lòng tin, hứa hẹn tặng quà, nhờ cấp phát hàng từ thiện, gợi ý hùn vốn làm ăn hoặc tặng quà rồi bị giữ tại hải quan để lừa đảo nạn nhân chuyển tiền nhiều lần với nhiều số tiền khác nhau.

Ngoài ra, còn có hình thức lừa đảo thông báo trúng thưởng, các đối tượng gọi điện thoại yêu cầu bị hại chuyển tiền. Hoặc giả bán hàng online, khi bị hại đặt hàng thì yêu cầu nạp thẻ cào để làm phí vận chuyển, phí đảm bảo nhưng sau đó khóa tài khoản, không giao hàng và chiếm đoạt tiền. Ngoài các chiêu thức này, đối tượng còn sử dụng công nghệ cao để đánh cắp thông tin, mật khẩu tài khoản của nạn nhân rồi nhắn tin cho bạn bè trong danh sách kết bạn yêu cầu chuyển tiền giúp hoặc vay mượn, hay phố biến hơn là hình thức nạp thẻ điện thoại. Chiêu trò không mới nhưng vẫn còn nhiều nạn nhân sập bẫy. Đề phòng ngừa, ngăn chặn không đề vụ việc trên tiếp diễn, người dân cần hết sức lưu ý khi sử dụng mạng xã hội kết bạn với người lạ. Không nên tin hay làm theo những lời đề nghị, những thông tin chưa được kiểm chứng, đặc biệt chú ý đối với những trường hợp kết bạn, yêu cầu gửi quà, gửi tiền. Tuyệt đối không chuyển tiền dưới bất cứ hình thức nào khi nghi vấn đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản; nếu đã chuyền phải thông báo cho ngân hàng đề phong tỏa số tài khoản và báo ngay cho lực lượng Công an nơi gần nhất để xử lý kịp thời.

CATP

 


Nguồn:congankontum.gov.vn Copy link