A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cảnh giác tội phạm liên quan tới hoạt động cho vay nặng lãi, siết nợ, bảo kê, đòi nợ thuê “tín dụng đen”

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Kon Tum, các băng nhóm tội phạm có xu hướng đan xen, chuyển hóa hoạt động. Các đối tượng cầm đầu, nhất là các băng nhóm nguy hiểm có sự thay đổi phương thức, thủ đoạn hoạt động theo chiều sâu, hướng đến các hoạt động liên quan đến kinh tế, tạo vỏ bọc và thu lợi bất chính qua các hình thức như bảo kê đối với các cơ sở kinh doanh của các nhà hàng, khách sạn, hoạt động khai thác khoáng sản, nông sản,…

Ngoài việc làm cho người vay tiền lâm vào cảnh khánh kiệt về tài chính, hoạt động vay lãi, thu nợ còn trực tiếp làm gia tăng tỷ lệ các vụ án như cưỡng đoạt tài sản, đánh bạc, cố ý gây thương tích hay các vụ tự tử không rõ nguyên nhân… trên địa bàn thành phố cũng đã xảy ra một số vụ việc gây thương tích liên quan đến hoạt động này gây hoang mang, bức xúc trong dư luận quần chúng, làm ảnh hưởng đến ANTT tại địa phương. Nguyên nhân làm phát sinh tội phạm là do nhu cầu vay tín dụng của người dân nhiều và rất lớn; khi vay thì không cần nhiều thủ tục, không cần khai báo mục đích vay, chỉ cần chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu, không cần thể chấp tài sản để đảm bảo; ngoài ra, còn một bộ phận người dân, nhất là thanh niên không chịu làm ăn, ham mê cá độ bài bạc, game online đã vay nặng lãi để sử dụng vào mục đích ăn chơi không chính đáng của bản bất chấp lãi suất cao ngất ngưỡng; mặt khác, một bộ phận người dân hám lợi nhuận, tài sản dư giả đem cho các đối tượng vay với lãi suất cao,… Nắm bắt được tâm lý này, các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi “tín dụng đen” đã lợi dụng danh nghĩa các cơ sở kinh doanh dịch vụ (công ty đòi nợ thuê, công ty mua bán nợ, công ty tài chính….); các tổ chức tín dụng lợi dụng hoạt động biến tướng dưới các hình thức như khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư, đầu tư trái phiếu với lãi suất cao, “vay nóng” tiêu dùng…, các cơ sở, cá nhân huy động vốn với lãi suất cao bất thường (chơi hụi, họ, phường…) hoặc góp vốn dưới hình thức kinh doanh đa cấp…để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức như: Phát, dán tờ rơi tại các địa điểm công cộng, cột điện, tường rào, nơi có nhiều người qua lại hoặc quảng cáo qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, cấu kết thành lập những nhóm đòi nợ thuê hoạt động lưu động trên địa bàn thành phố. Thủ đoạn của các đối tượng này là in tờ rơi, quảng cáo ghi các thông tin cho vay tiền nhanh gọn, không cần thế chấp, phát hoặc dán tại các địa điểm công cộng như tường rào, trụ điện…Khi đến vay tiền, người dân chỉ cần đưa bản phô tô CMND, hộ khẩu, GPLX… Sau đó, các đối tượng sẽ tiến hành làm hợp đồng vay mượn, trả góp, trong đó có kèm theo lãi suất nhưng không quá mức lãi suất mà pháp luật quy định. Hợp đồng này có chữ ký của người vay tiền, những nhóm các đối tượng cho vay sẽ giữ hợp đồng mà không đưa cho người vay. Một loại cho vay khác là cho vay mua xổ số (hay “đề đóm”), khi con nợ không có khả năng trả thì ép viết giấy nợ, tính lãi cao, sau đó ép phải chuyển nhượng nhà cửa, tài sản để trừ nợ…

Tờ rơi quảng cáo được các đối tượng dán tại khu vực đông dân cư

Hiện nay cũng xuất hiện một số đối tượng, cơ sở lợi dụng hình thức cho vay trực tuyến, vay online thông qua các trang, mạng xã hội, ứng dụng di động với cách tính lãi và lãi suất tương tự. Ngoài ra, một số trường hợp cần tiền kinh doanh, đáo hạn ngân hàng, thua tiền đánh bạc…sẵn sàng “vay nóng” hoặc mượn tiền trả góp theo ngày (với lãi suất 15 – 30%/tháng). Nếu không trả đủ lãi, họ sẽ cộng số lãi này vào tiền gốc. Cứ như vậy, số tiền nợ càng nhiều, đến khi người vay không còn khả năng chi trả, các đối tượng cho vay tiền sẽ đe dọa hành hung, bắt cóc, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm, thậm chí đe dọa người thân của người vay nợ nhằm tạo sức ép buộc phải xoay được tiền trả nợ, kể cả bán nhà cửa, xe cộ. Vì thấy cái lợi trước mắt có tiền ngay để giải quyết nhu cầu, mục đích cá nhân mà nhiều người không màng tới hậu quả nghiêm trọng gây ảnh hưởng toàn xã hội: Với người cho vay, do hám lợi nên đưa tiền cho số đối tượng vay với lãi suất cao, dẫn đến bị các đối tượng này lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đối với người đi vay, khi không có khả năng chi trả sẽ bị các đối tượng nhắn tin, gọi điện hoặc trực tiếp tới nhà đe dọa, khủng bố tinh thần, hành hung, cưỡng đoạt tài sản khiến người vay khiếp sợ, không dám tố cáo hoặc không dám hợp tác với cơ quan Công an để điều tra. Để đẩy lùi, phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh, vô hiệu hóa và xử lý triệt để các băng nhóm, đối tượng cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, người dân cần hiểu rõ những phương thức, thủ đoạn và đặc biệt là hậu quả nặng nề của “tín dụng đen” gây ra cho bản thân và gia đình. Qua đó, nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa với tội phạm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê, tuyệt đối không tiếp tay để các đối tượng lợi dụng hoạt động. Khi thấy có các tờ rơi quảng cáo cho vay dán ở khu vực công cộng, xung quanh các hộ dân sinh sống, dán trên cột điện, góc tường, tường rào…đề nghị bà con xóa bỏ hoặc bôi xóa số điện thoại nhằm phòng ngừa và không để cơ hội cho nhiều người “túng quá hóa liều”. Người dân cần tích cực tham gia lên án, tố giác tội phạm liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng, siết nợ, đòi nợ thuê “tín dụng đen”. Đối với người đang tham gia vào hoạt động “tín dụng đen” bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị đe dọa, hành hung, cưỡng đoạt tài sản cần đến ngay cơ quan Công an nơi gần nhất để trình báo hoặc gọi điện theo đường dây nóng của lực lượng Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn biện pháp xử lý.

CA.TP