A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân

Việc đưa kinh sách, ấn phẩm liên quan tôn giáo vào sử dụng tại các trại giam đã khẳng định thành tựu, chính sách nhất quán của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân.

         Đánh giá không đúng về bảo đảm quyền tự do tôn giáo của phạm nhân tại Việt Nam

          Vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo nhân quyền thường niên năm 2022 gồm 43 trang, đưa ra nhận định, đánh giá về tình hình dân chủ, nhân quyền của 198 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Báo cáo cho rằng “Một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam đã vi phạm nhân quyền có hệ thống”; đồng thời, “phạm nhân cải tạo tốt được tiếp cận sách tôn giáo nhưng đôi khi bị hạn chế hoặc ngăn cản trong việc tiếp cận các ấn phẩm tôn giáo, mặc dù luật pháp quy định”. Báo cáo đưa ra ví dụ về “trường hợp giám thị đã từ chối yêu cầu của phạm nhân Nguyễn Bắc Truyển về tiếp cận các văn bản gốc của đạo Hòa Hảo, thay vào đó là cung cấp văn bản đã được chỉnh sửa bởi nhóm Phật giáo Hòa Hảo do nhà nước tài trợ”…

          Phạm nhân được tiếp cận kinh sách, ấn phẩm tôn giáo đúng quy định (Ảnh minh họa)

          Đánh giá trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về việc Chính phủ Việt Nam đang hạn chế quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và khả năng tiếp cận sách tôn giáo của phạm nhân là thiếu khách quan, chưa chính xác. Bởi thực tế, những nguồn thông tin này, báo cáo đều không đưa ra bằng chứng xác thực mà chỉ thông qua kênh trung gian từ các tổ chức, cá nhân có quan điểm, tư tưởng định kiến, sai lệch với Việt Nam. Trong đó, Nguyễn Bắc Truyển là phạm nhân thụ án 11 năm tù giam về hành vi “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, thành viên cốt cán của tổ chức “Hội anh em dân chủ” do Nguyễn Văn Đài cầm đầu với nhiều hoạt động tuyên truyền, chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; liên hệ với các tổ chức, cá nhân nước ngoài vận động ủng hộ tài trợ kinh phí cho hoạt động của hội, lợi dụng các sự kiện chính trị, sự kiện nhạy cảm trong nước để kích động người dân phản đối chính quyền. Do đó, việc lấy ý kiến của Nguyễn Bắc Truyển để suy luận, đánh giá về việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với phạm nhân của Việt Nam là thiếu khách quan, khoa học.

          Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về việc tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân

          Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 quy định “Người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo”. Tiếp đó, Luật Thi hành án hình sự năm 2019 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020 quy định “Phạm nhân được sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật”; qua đó, khẳng định chính sách nhất quán của Đảng, pháp luật của Nhà nước ta về việc tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với người phạm tội, góp phần thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tạo mọi điều kiện cho phạm nhân theo tôn giáo tiếp tục thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mình.

          Trước khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được ban hành, Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo năm 2002 chỉ quy định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đối với công dân, chưa quy định việc sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo đối với phạm nhân. Song, Bộ Công an đã chủ động bố trí cho một số phạm nhân theo tôn giáo được thực hành niềm tin tôn giáo và tiếp nhận kinh sách, ấn phẩm tôn giáo xuất bản hợp pháp tại Việt Nam từ thân nhân nhưng số lượng, thời gian phải phù hợp quy định của pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ và điều kiện, cơ sở vật chất của từng cơ sở giam giữ. Điển hình như trường hợp Nguyễn Văn Lý trong thời gian chấp hành án tại trại giam Nam Hà đã được cơ sở giam giữ tạo điều kiện cho phép thực hành, bày tỏ niềm tin tôn giáo.

          Kết quả đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của phạm nhân tại Việt Nam thời gian qua

          Tại các cơ sở giam giữ, từ sau khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực thi hành, Bộ Công an đã chủ động xây dựng, bố trí số lượng ấn phẩm liên quan tôn giáo nhất định tại các thư viện hoặc phòng đọc sách của các cơ sở giam giữ phục vụ nhu cầu đọc sách, báo, ấn phẩm liên quan tôn giáo phù hợp điều kiện thực tế. Đối với nguồn sách, báo, ấn phẩm liên quan tôn giáo do thân nhân phạm nhân gửi vào được kiểm duyệt và lưu giữ tại thư viện, phòng đọc sách cho phạm nhân sử dụng. Tất cả phạm nhân, kể cả những người không có niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo đều được đăng ký sử dụng sách, báo, ấn phẩm liên quan tôn giáo tại phòng đọc, thư viện hoặc mượn về buồng giam theo quy định của pháp luật, nội quy cơ sở giam giữ. Bên cạnh đó, các phạm nhân là tín đồ tôn giáo đều được tạo điều kiện để thực hiện một số nghi lễ tôn giáo, không có sự phân biệt đối xử giữa các phạm nhân theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

Hiện nay, tại 54 trại giam thuộc Bộ Công an đang quản lý, giam giữ, giáo dục số lượng lớn phạm nhân theo tôn giáo. Từ ngày 01/4/2022, thực hiện Đề án hỗ trợ thông tin, tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo, Chính phủ đã bố trí 17 đầu sách, trong đó, có 09 đầu sách là kinh sách, kinh thánh; 08 đầu sách thông tin chung về tín ngưỡng, tôn giáo, lịch sử hình thành, tác động đến đời sống, xã hội của tôn giáo, các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo và vận động quần chúng tín đồ tôn giáo… với 4.418 cuốn đưa vào sử dụng tại 54 trại giam, đáp ứng nhu cầu sử dụng kinh sách, ấn phẩm tôn giáo của phạm nhân.

          Bộ Công an đã chỉ đạo Cục An ninh nội địa tiếp tục phối hợp Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở bắt buộc, trường giáo dưỡng xây dựng quy định về việc sử dụng kinh sách, ấn phẩm tôn giáo tại các cơ sở giam giữ; chỉ đạo các trại giam ban hành nội quy, hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho các phạm nhân được sử dụng kinh sách, ấn phẩm tôn giáo trong quá trình  chấp hành án sao cho phù hợp với điều kiện thực tế, số lượng tín đồ của từng trại giam và đặc điểm từng tôn giáo. Bên cạnh đó, kịp thời báo cáo những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thực hiện để tham mưu lãnh đạo Bộ Công an phối hợp Bộ Nội vụ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.

          Bằng những giải pháp hiệu quả nêu trên đã tạo được đồng tình, ủng hộ trong dư luận chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo ở cả trong và ngoài nước đối với quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, thậm chí, một số tổ chức tôn giáo đã bày tỏ mong muốn được cung cấp kinh sách cho Bộ Công an để các phạm nhân được sử dụng tại trại giam; tạo ảnh hưởng sâu rộng toàn diện, tác động tâm lý đại bộ phận chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo phấn khởi, yên tâm, tin tưởng với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của Nhà nước nói chung và việc thực thi các quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo nói riêng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.


Tác giả: Khánh Vi