A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Nỗ lực phòng, chống tội phạm mua bán người

        Nhìn chung, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Kon Tum ít phức tạp so với các địa phương khác. Nạn nhân của hành vi mua bán người hiện nay không chỉ là phụ nữ, trẻ em như trước đây mà tập trung nhiều vào số lao động, thanh thiếu niên không có việc làm ổn định.

Nổi lên gần đây là tình trạng một số công dân trên địa bàn tỉnh “nhẹ dạ, cả tin” bị các đối tượng sử dụng mạng xã hội/hoặc qua các mối quan hệ quen biết dụ dỗ sang làm việc tại Lào, Campuchia với hứa hẹn “việc nhẹ, lương cao” và lừa bán vào các công ty tại Campuchia, Myanma để cưỡng bức lao động, nếu không làm việc thì buộc gia đình giao nộp tiền chuộc về.

Công an tỉnh giải cứu thành công 1 nạn nhân trong vụ mua bán người

Tháng 8-2023, lực lượng Công an giải cứu thành công 01 nạn nhân trong vụ mua bán người từ Myanmar về Việt Nam an toàn (Ảnh: HA)

Thời gian qua, Công an tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh Kon Tum; trọng tâm là Kế hoạch số 1583/KH-UBND, ngày 17-5-2021 thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 194/KH-UBND, ngày 19-01-2021 thực hiện Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em… Định kỳ hằng năm, ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người (30-7); tổ chức đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người (từ ngày 01-7 đến 30-9)…

Lực lượng Công an các cấp duy trì, phát huy hiệu quả hộp thư tố giác tội phạm, đường dây nóng, hộp thư điện tử trên Internet tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố giác và cung cấp thông tin. Phối hợp tổ chức tập huấn điều tra tội phạm mua bán người cho lực lượng điều tra, trinh sát viên, Công an các xã dễ phát sinh loại tội phạm này. Triển khai kế hoạch nắm tình hình tội phạm mua bán người và các loại tội phạm liên quan; điều tra rà soát tuyến, địa bàn, đối tượng trọng điểm, băng nhóm, đường dây hoạt động tội phạm mua bán người. Chủ động quản lý số đối tượng có tiền án, tiền sự còn điều kiện, khả năng phạm tội; số đối tượng có mối quan hệ thân tộc, dân tộc làm ăn, sinh sống ở nước ngoài, thường xuyên qua lại biên giới, có biểu hiện nghi vấn phạm tội.

Công an cấp xã, phường, thị trấn rà soát tăng cường công tác quản lý cư trú, lập danh sách số phụ nữ, trẻ em vắng mặt lâu ngày tại địa phương không rõ lý do nghi bị mua bán để tập trung xác minh, làm rõ. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm việc chấp hành quy định về quản lý nhà nước trong các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; kết hôn, lao động có yếu tố nước ngoài, du lịch, thăm thân, cho nhận con nuôi... để chủ động phát hiện, ngăn chặn hoạt động liên quan đến tội phạm mua bán người và các hành vi có liên quan.

Phối hợp với Bộ đội Biên phòng tổ chức tuần tra, kiểm soát biên giới, tập trung vào các khu vực trọng điểm trọng yếu, chủ động nắm chắc tình hình, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm mua bán người và hành vi liên quan; thường xuyên trao đổi thông tin, quản lý hoạt động của các đối tượng có biểu hiện phạm tội thường xuyên qua lại biên giới, đối tượng người Việt Nam, người nước ngoài kinh doanh dịch vụ nhạy cảm khu vực biên giới để phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh xử lý hành vi phạm tội mua bán người và tội phạm có liên quan.

 Trong công tác tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm và điều tra, xử lý, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh tiếp nhận, thụ lý điều tra 01 vụ “Mua bán người” xảy ra vào tháng 4-2022 do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng khởi tố, qua đó, khởi tố 03 bị can và tiếp tục mở rộng điều tra. Đối với các biện pháp hỗ trợ nạn nhân mua bán người trở về hòa nhập cộng đồng, Công an tỉnh phối hợp Sở Lao động, Thương binh và xã hội, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Ngoại vụ xây dựng và triển khai Chương trình phối hợp số 16/QCPH-LĐTBXH-CA-BĐBP-SNgV về công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Từ năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng đã phối hợp điều tra, xác minh và giải cứu 02 nạn nhân mua bán người trở về địa phương an toàn; quan tâm động viên và thực hiện công tác hỗ trợ bám sát quy định tại Nghị quyết số 34/2020/NQ-HĐND, ngày 13-7-2020 của HĐND tỉnh về mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân và mức chi chế độ hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP, ngày 11-01-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

 


Tác giả: Khánh Vi