A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Hàng nghìn em học sinh được phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy

Nhằm nâng cao sự phối hợp giữa các ngành trong việc thực hiện thực hiện có hiệu quả Thông tư số 06/2022/TT-BGDĐT ngày 11/5/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, cũng như nâng cao hiểu biết pháp luật, kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm của học sinh, giáo viên về PCCC. Thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Kon Tum đã chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Ngọc Hồi tổ chức các buổi tuyên truyền PCCC, hoạt động trải nghiệm, thực hành chữa cháy cho hơn 4.500 em học sinh và giáo viên tại các trường học trên địa bàn.

Cơ sở giáo dục (trường học, trung tâm giáo dục) là một trong số cơ sở có đặc điểm nguy hiểm cháy nổ cao vì đây là khu vực tập trung đông người và nhiều khu vực có các trang thiết bị dễ cháy như: bếp ăn, nhà để xe, thiết bị phục vụ học tập (tivi, máy chiếu, máy vi tính…). Đặc biệt, loại hình cơ sở này chủ yếu là học sinh chưa có kỹ năng PCCC, thoát nạn, tâm lý dễ hoảng loạn khi có hỏa hoạn, cháy nổ xảy ra. Do vậy, công tác tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng cơ bản về phòng ngừa cháy, nổ, thoát nạn an toàn là vô cùng quan trọng.

Trong các buổi tuyên truyền, trải nghiệm, thực hành chữa cháy giáo viên và học sinh nhà trường đã được cán bộ Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH trang bị những kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ bảo đảm an toàn PCCC, hướng dẫn một số biện pháp đảm bảo an toàn PCCC tại gia đình và trường học, cách xử lý sự cố cháy, nổ, kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy. Đồng thời, giúp học sinh tiếp cận, thực hành sử dụng phương tiện chữa cháy và tham gia chữa cháy đám cháy giả định…

Nội dung của các buổi tuyên truyền, trải nghiệm được lựa chọn phù hợp cho từng đối tượng của các bậc giáo dục khác nhau. Đối với giáo dục mầm non, hình thức tuyên truyền chủ yếu sử dụng phương pháp giáo dục trực quan, minh họa thông qua các chương trình trải nghiệm như “Tham quan và trải nghiệm học làm lính cứu hỏa”, “Bé tập làm lính cứu hỏa”,... Qua đó, giúp trẻ nhận biết được về nguồn lửa, nguồn nhiệt và một số vật dụng có thể gây cháy, nổ; biết cách phòng tránh nguồn lửa, nguồn nhiệt và một số sự cố có thể gây cháy, nổ; nhận biết các tín hiệu, phương tiện báo động cháy và có hành động phù hợp khi nghe các tín hiệu báo động cháy, cũng như kỹ năng thoát nạn trong môi trường có khói, khí độc,…

Hoạt động giáo dục trải nghiệm, thực hành chữa cháy cho các em học sinh trường mầm non

Đối với giáo dục tiểu học, trung học và phổ thông, ngoài việc phổ biến các kiến thức và quy định của pháp luật về PCCC, kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra, các em học sinh còn được hướng dẫn quy trình xử lý khi có cháy xảy ra và cách sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy để xử lý và dập tắt một đám cháy.

Tổ chức tuyên truyền PCCC tại Trường tiểu học số 2 thị trấn Plei Kần

Tổ chức tuyên truyền PCCC tại Trường TH-THCS Lý Tự Trọng (xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi) và Trường THPT Nguyễn Trãi

Qua các hoạt động tuyên truyền PCCC, trải nghiệm thực hành chữa cháy đã góp phần nâng cao ý thức, hiểu biết pháp luật, kiến thức cũng như kỹ năng về PCCC và CNCH cho giáo viên và học sinh, tạo tiền đề tốt về nhận thức trong công tác PCCC cho các em học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Từ đó lan tỏa phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mỗi công dân, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia PCCC trong cộng đồng và xã hội./.

 

 


Tác giả: Ích Linh
Tin liên quan