A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cách nhận biết cuộc gọi lừa đảo sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo

Trong thời gian qua, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra những video hoặc hình ảnh giả, sao chép chân dung của người thân, bạn bè để thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến. Đây là một hình thức tội phạm mới, rất nguy hiểm và tinh vi.

Theo các chuyên gia về an ninh mạng, công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể dùng để tạo ra các video giả chỉ từ một hoặc vài tấm ảnh của một người. Các video này được gọi là deepfake, tức là sự kết hợp giữa công nghệ học sâu (deep learning) và giả mạo (fake). Các video này có thể khiến người xem tin rằng họ đang nhìn thấy và nghe thấy người thật đang nói chuyện.

5 mối nguy hại từ Deepfake bạn cần biết | Học trực tuyến CNTT, học lập  trình từ cơ bản đến nâng cao

Ảnh minh họa

Các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng công nghệ này để gọi điện cho nạn nhân, giả danh là người thân, bạn bè hoặc cơ quan chức năng để yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân. Tuy nhiên, phần lớn hình thức lừa đảo trực tuyến này nhắm tới việc lừa đảo tài chính và “để lộ” một số dấu hiệu nhận biết sau:

- Thời gian gọi thường rất ngắn, chỉ vài giây.

- Khuôn mặt trên khuôn hình thiếu tính cảm xúc và khá “trơ” khi nói, tư thế trông lúng túng, không tự nhiên.

- Hướng đầu và cơ thể của họ trong video không nhất quán với nhau.

- Có tiếng ồn hoặc tiếng vọng trong cuộc gọi.

- Tài khoản chuyển tiền không phải của người đang thực hiện cuộc gọi.

- Kẻ gian sẽ ngắt giữa chừng, nói là mất sóng, sóng yếu hoặc có việc bận.

Để phòng tránh các cuộc gọi lừa đảo sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, các chuyên gia khuyến cáo người dùng cần có ý thức bảo vệ bản thân và thông tin cá nhân khi sử dụng internet và điện thoại. Cụ thể:

- Không chia sẻ hoặc upload hình ảnh cá nhân lên các trang web không an toàn hoặc không rõ nguồn gốc, vì chúng có thể bị lấy cắp và sử dụng để tạo video giả.

- Nếu nhận được cuộc gọi từ người thân, bạn bè hoặc cơ quan chức năng yêu cầu chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân, hãy kiểm tra lại số điện thoại và xác minh danh tính của người gọi bằng cách gọi lại hoặc liên hệ trực tiếp.

- Nếu có nghi ngờ về tính xác thực của video, hãy chú ý đến các chi tiết nhỏ như khuôn mặt, giọng nói, ánh sáng, nền hoặc các đối tượng khác trong video. Hãy so sánh với các video khác của người đó để tìm ra sự khác biệt.

- Nếu phát hiện ra video giả hoặc bị lừa đảo, hãy báo ngay cho cơ quan chức năng và cung cấp các bằng chứng có liên quan để xử lý kịp thời.


Tác giả: Hoàng Phúc