A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người 06 tháng đầu năm 2020

06 tháng đầu năm 2020, tình hình mua bán người trên địa bàn tỉnh ít phức tạp, chưa phát hiện hoạt động của tội phạm mua bán người xảy ra tại địa phương. Tuy nhiên, với xu hướng ngày càng mở rộng về quy mô, phương thức, thủ đoạn và địa bàn hoạt động, nguy cơ các hoạt động mua bán người sẽ diễn biến phức tạp nếu không có biện pháp phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả.

http://nguoilambao.vn/upload_images/images/2(353).jpg

Tuyên truyền phòng, chống mua bán người (ảnh MA)

06 tháng đầu năm 2020, các sở, ngành, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm các huyện, thành phố đã quan tâm chỉ đạo, xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2020; đã chủ động kịp thời tham mưu, đề xuất ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: Công tác phòng ngừa mua bán người tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, nhất là công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người ít phức tạp, chưa phát hiện các vụ việc, đối tượng liên quan.

Điển hình: Công an tỉnh-Cơ quan thường trực đã định kỳ cập nhật tình hình, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan để các cơ quan, đơn vị và toàn thể Nhân dân biết, nâng cao cảnh giác. Đẩy mạnh công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn cơ sở, nhất là các tuyến địa bàn giáp biên giới, vùng sâu, vùng xa; thực hiện tốt công tác quản lý nhân hộ khẩu, ngành nghề kinh doanh có điều kiện về ANTT… kết hợp đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát công khai, bí mật các đường mòn, tiểu ngạch nhằm ngăn chặn các trường hợp xuất cảnh trái phép, đưa phụ nữ, trẻ em bán ra nước ngoài…

Duy trì và tăng cường quan hệ hợp tác trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm (trong đó có tội phạm mua bán người), đảm bảo ANTT khu vực biên giới với các cơ quan tương ứng của Rattanariki (Campuchia) và Atapư (Lào); thực hiện có hiệu quả Hiệp định hợp tác về bảo vệ ANTT giữa 03 quốc gia Việt Nam-Lào-Campuchia… Hiện Công an tỉnh đang thụ lí điều tra 01 vụ-0 bị can về tội “Mua bán người”.

Phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đánh giá thực trạng, kết quả công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện “Chiến lược truyền thông thay đổi vì cộng đồng”; đặc biệt đã phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao kiến thức cho phụ nữ các dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết các vấn đề bức xúc liên quan đến phụ nữ thường xảy ra ở địa bàn biên giới (mua bán, xâm hại tình dục phụ nữ, bạo lực gia đình, xuất nhập cảnh trái phép…); tổ chức các buổi tọa đàm cho mạng lưới báo cáo viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên có kiến thức, kỹ năng về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy và phòng chống mua bán người.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tổ chức tập huấn pháp luật, nghiệp vụ; tọa đàm nâng cao nhận thức cho cán bộ các đồn Biên phòng và một số huyện biên giới về phòng, chống mua bán người; phối hợp cơ quan thông tin đại chúng địa phương tuyên truyền hàng trăm tin, bài về công tác đáu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có tội phạm mua bán người. Thường xuyên bổ sung, tiến hành điều tra cơ bản theo tuyến, chuyên đề; lập hồ sơ đối tượng đưa vào diện quản lý nghiệp vụ; giải quyết nhanh chóng, đúng thời hạn các tin có liên quan đến hoạt động mua bán người… Qua đó phát hiện, ngăn chặn hàng trăm lượt người xuất nhập cảnh trái phép, vi phạm quy chế biên giới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng chống mua bán nguời vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn đã ảnh hưởng đến công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng tại địa bàn biên giới; Nhân dân hai bên khu vực, địa bàn biên giới có mối quan hệ họ hàng, dòng tộc nên thường xuyên qua lại thăm thân nhân, trao đổi hàng hóa… gây khó khăn cho công tác quản lý; trình độ chuyên môn của một số cán bộ làm công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người còn hạn chế, số lượng cán bộ biết, thông thạo tiếng nước ngoài (Lào, Campuchia) rất ít, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra…

Với xu hướng ngày càng mở rộng về quy mô, phương thức, thủ đoạn và địa bàn hoạt động, nguy cơ các hoạt động mua bán người sẽ diễn biến phức tạp; vì vậy, thời gian tới các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người năm 2020.

Công an tỉnh phối hợp với Bộ đội Biên phòng triển khai thực hiện có hiệu quả công tác nghiệp vụ cơ bản; tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm; kịp thời phát hiện, xử lý tin báo, tố giác tội phạm; điều tra khám phá các vụ án, truy bắt các đối tượng phạm tội, giải cứu và bảo vệ nạn nhân. Phối hợp chặt chẽ với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân các cấp tổ chức điều tra, truy tố, xét xử vụ án mua bán người, đảm bảo không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Các cơ quan truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tiếp tục định hướng các cơ quan báo chí xây dựng, duy trì các chuyên trang, chuyên mục; tăng thời lượng phát sóng, đưa tin, bài, hình ảnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống mua bán người.

Thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, trọng tâm là đánh giá các mô hình hỗ trợ nạn nhân hoạt động hiệu quả, lựa chọn mô hình phù hợp để nhân rộng…

Thái Ngân