A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Kiềm chế hoạt động Cho vay lãi nặng “tín dụng đen”

Qua thời gian triển khai quyết liệt, hiệu quả các mặt công tác của các lực lượng chức năng, đến nay, cơ bản hoạt động Cho vay lãi nặng “tín dụng đen” đã không còn hoạt động phức tạp; các cá nhân, tổ chức không dám công khai hoạt động, chấm dứt tình trạng phát tán tờ rơi quảng cáo tràn lan.

C:\Users\Administrator\Downloads\68605648_2406282619484519_8174337729484554240_o.jpg

Gỡ bỏ quảng cáo, rao vặt trái quy định trên địa bàn thành phố Kon Tum

“Tín dụng đen” là hình thức cho vay, đi vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt mức lãi suất cho vay mà Nhà nước hay pháp luật quy định, được thực hiện bởi các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính, thường gắn với hành vi đòi nợ, chiếm đoạt tài sản trái pháp luật.

Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường hoạt động núp dưới vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh, hội nhóm như: Các cơ sở cầm đồ, cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, công ty tài chính…; các tổ chức tín dụng hoạt động biến tướng dưới mọi hình thức (khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư,… với lãi suất cao); các cơ sở, cá nhân có biểu hiện huy động vốn với lãi suất cao bất thường (chơi hụi, họ, phường…) hoặc góp vốn dưới hình thức kinh doanh đa cấp; một số đối tượng, cơ sở lợi dụng hình thức cho vay trực tuyến, vay online thông qua các trang mạng, mạng xã hội, ứng dụng di động để quảng cáo, tiếp cận, mời chào người có nhu cầu vay để cho vay với lãi suất rất cao.

Với thủ đoạn phổ biến là: Phát, dán tờ rơi, lập các website, sử dụng mạng xã hội, sử dụng số thuê bao không đăng ký chính chủ… đăng tin, gửi tin nhắn quảng cáo vay tiền không cần gặp mặt, không cần thế chấp, thủ tục đơn giản, cấp tiền ngay, với số tiền vay từ 1 triệu đến vài chục triệu đồng. Các đối tượng còn sử dụng công nghệ cao tổ chức hoạt động “tín dụng đen” qua mạng Internet dưới dạng cho vay trực tuyến, vay ngang hàng với lãi suất rất cao… Nếu các con nợ không trả đúng hẹn, các đối tượng cho vay thường sử dụng nhân viên hoặc thuê các đối tượng hình sự tổ chức các hình thức đòi nợ như đe dọa, khủng bố tinh thần, ném chất bẩn, đặt vòng hoa, quan tài, sử dụng sim rác để đe dọa, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích, làm nhục người khác, gây rối tại nơi ở, nơi kinh doanh của con nợ… gây sự sợ hãi, hoang mang bất an, lo lắng trong Nhân dân.

Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, khoảng tháng 6/2018, xuất hiện tình trạng nhiều tờ rơi quảng cáo rao vặt, đặc biệt là loại hình dịch vụ cho vay tiền mặt được dán hầu hết tại các tuyến đường, trụ điện, đèn giao thông, khu vực công cộng…, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động “tín dụng đen” cho vay lãi nặng; có nhiều trường hợp người dân chỉ cần gọi điện đến các số điện thoại cho vay tín dụng đen, thì dù không đạt được thoả thuận vay, các đối tượng lập tức yêu cầu trả phí 500.000 đồng tiền công tư vấn, nếu người dân từ chối thanh toán khoản tiền trên, số tiền này sẽ bị tính lãi suất 30-40% và các đối tượng tổ chức dùng mọi biện pháp đe dọa về con cái, học hành, tài sản nếu người vay không trả được đã gây hoang mang, bức xúc trong Nhân dân.

Trước tình trạng trên, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý hoạt động cho vay lãi nặng “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh; đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp công tác như: Nắm tình hình, rà soát, lên danh sách các nhóm đối tượng, đẩy mạnh công tác quản lý ngành nghề, kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm… Qua rà soát, có 20 cơ sở biểu hiện hoạt động Cho vay lãi nặng “tín dụng đen” (trong đó có 11 cơ sở không đăng ký với khoảng 50 đối tượng nghi vấn cho vay lãi nặng dưới hình thức dán tờ rơi quảng cáo), hầu hết các nhóm đối tượng đều từ các tỉnh phía Bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Nghệ An…) vào địa bàn tỉnh để hoạt động núp bóng dưới nhiều hình thức đa dạng như công ty tài chính, cơ sở cầm đồ…

Qua thời gian triển khai quyết liệt, hiệu quả các mặt công tác, tính đến ngày 15/7/2019, lực lượng chức năng Công an tỉnh đã đấu tranh triệt phá, làm tan rã 13 cơ sở hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, khởi tố hình sự 03 vụ-04 bị can về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, răn đe buộc dừng hoạt động 04 cơ sở.

Riêng từ ngày 15/5/2019 đến ngày 14//2019, lực lượng chức năng Công an tỉnh thường xuyên tiến hành gọi, hỏi số người đại diện theo pháp luật các công ty tài chính; chủ các cơ sở hoạt động cho vay tiền trên địa bàn; những đối tượng có biểu hiện cho vay lãi nặng; đối tượng phát tờ rơi, quảng cáo cho vay tiền… nhằm răn đe, giáo dục; đẩy mạnh công tác nắm tình hình, quản lý địa bàn, đối tượng trọng điểm; chủ động rà soát, lên danh sách các nhóm đối tượng núp bóng doanh nghiệp cho vay lãi nặng; thực hiện hiệu quả công tác quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, quản lý cư trú… Qua đó, đã kịp thời ngăn chặn việc liên kết, hình thành các băng, nhóm tội phạm hoạt động đòi nợ, cưỡng đoạt tài sản; tiếp tục quản lý chặt chẽ hoạt động 09 cơ sở với khoảng 32 đối tượng nghi vấn liên quan đến “tín dụng đen”.

Như vậy, qua thời gian triển khai quyết liệt, tấn công, trấn áp của các lực lượng chức năng, đến nay cơ bản hoạt động Cho vay lãi nặng “tín dụng đen” đã không còn hoạt động phức tạp; các cá nhân, tổ chức không dám công khai hoạt động, chấm dứt tình trạng phát tán tờ rơi quảng cáo tràn lan.

Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động cho vay lãi nặng “tín dụng đen” là công tác phải thực hiện thường xuyên, liên tục và lâu dài. Do đó, thời gian tới, Công an tỉnh tiếp tục triển khai các biện pháp công tác như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, tác hại, hệ quả của hoạt động cho vay lãi nặng “tín dụng đen”; nắm tình hình (nhất là khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số); siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, quản lý cư trú; tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác này.

Thái Ngân