A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Các hành vi bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh năm 2018

Ngày 12/6/2018, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019.

Luật Cạnh tranh được thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019

Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 (Luật Cạnh tranh năm 2004) được Quốc hội Khóa XI thông qua ngày 03/12/2004 tại Kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2005. Sự ra đời của Luật Cạnh tranh năm 2004 là dấu mốc quan trọng trong quá trình tạo lập một hành lang pháp lý thống nhất cho hoạt động cạnh tranh của các doanh nghiệp trên thị trường. Tuy nhiên, sau hơn 12 năm thi hành, với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế – xã hội cùng xu hướng hội nhập quốc tế, một số nội dung của Luật Cạnh tranh năm 2004 đã không còn phù hợp. Vì vậy, để khắc phục những tồn tại, bất cập của Luật Cạnh tranh năm 2004; nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của các chính sách và pháp luật cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu trong xu thế hội nhập kinh tế và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam; nhằm hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh cho phù hợp với các luật có liên quan vừa được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, việc sửa đổi Luật Cạnh tranh năm 2004 là cần thiết.

Luật Cạnh tranh năm 2018 gồm có 10 chương, 118 điều. Trên cơ sở chuẩn hóa các quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời rà soát, loại bỏ các hành vi không phù hợp, Điều 45 Luật Cạnh tranh năm 2018 đã sửa đổi, bổ sung một số hành vi bị cấm được quy định tại Điều 39 Luật Cạnh tranh năm 2004, cụ thể như sau:

“1. Xâm phạm thông tin bí mật trong kinh doanh dưới các hình thức sau đây: a) Tiếp cận, thu thập thông tin bí mật trong kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu thông tin đó; b) Tiết lộ, sử dụng thông tin bí mật trong kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó. 2. Ép buộc khách hàng, đối tác kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng hành vi đe dọa hoặc cưỡng ép để buộc họ không giao dịch hoặc ngừng giao dịch với doanh nghiệp đó. 3. Cung cấp thông tin không trung thực về doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp đưa thông tin không trung thực về doanh nghiệp gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính hoặc hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó. 4. Gây rối hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp khác bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh hợp pháp của doanh nghiệp đó. 5. Lôi kéo khách hàng bất chính bằng các hình thức sau đây: a) Đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về doanh nghiệp hoặc hàng hóa, dịch vụ, khuyến mại, điều kiện giao dịch liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà doanh nghiệp cung cấp nhằm thu hút khách hàng của doanh nghiệp khác; b) So sánh hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác nhưng không chứng minh được nội dung. 6. Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ dẫn đến hoặc có khả năng dẫn đến loại bỏ doanh nghiệp khác cùng kinh doanh loại hàng hóa, dịch vụ đó. 7. Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác bị cấm theo quy định của luật khác”.

Các quy định về trình tự, thủ tục trong tố tụng cạnh tranh trong Luật đã được hoàn thiện theo hướng đơn giản hơn, rút ngắn thời gian và có sự phân định rõ các khâu trong quá trình giải quyết vụ việc cạnh tranh, từ phát hiện, điều tra cho đến xử lý và giải quyết khiếu nại. Trong mỗi khâu sẽ gắn với trách nhiệm cụ thể của các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cạnh tranh. Đồng thời, Luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. Điều này bảo đảm các hoạt động tố tụng cạnh tranh được rõ ràng, minh bạch để mọi cá nhân, tổ chức, các doanh nghiệp và toàn xã hội có thể theo dõi, giám sát. Cụ thể Luật quy định:

Về chứng cứ (Điều 56), điều này cơ bản vẫn giữ nguyên nội dung của Điều 60 Luật Cạnh tranh năm 2004, có bổ sung nguồn chứng cứ thu thập được từ “Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử” (điểm a khoản 2) và việc xác định nguồn chứng cứ tại khoản 3.

– Về trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ trong giải quyết vụ việc cạnh tranh (Điều 57), điều này cơ bản vẫn giữ nguyên tinh thần của Điều 97 Luật Cạnh tranh năm 2004, tuy nhiên do có sự thay đổi về mô hình cơ quan cạnh tranh nên nội dung này được sửa đổi lại như sau:

1. Cơ quan, người có thẩm quyền, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ quá trình điều tra và xử lý vụ việc cạnh tranh theo yêu cầu của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh. 2. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời các thông tin, tài liệu đang quản lý, nắm giữ liên quan đến vụ việc cạnh tranh theo yêu cầu của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh”.

– Về cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh, người tiến hành tố tụng cạnh tranh (Điều 58), trên cơ sở những thay đổi về mô hình cơ quan cạnh tranh, Luật Cạnh tranh năm 2018 đã tổng hợp Điều 74 về “Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh” và Điều 75 về “Người tiến hành tố tụng cạnh tranh” của Luật Cạnh tranh năm 2004 thành một điều chung, cụ thể:

“1. Cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh bao gồm: a) Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; b) Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh; c) Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; d) Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh; 2. Người tiến hành tố tụng cạnh tranh bao gồm: a) Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia; b) Chủ tịch Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh; c) Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh; d) Thành viên Hội đồng giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; đ) Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh; e) Điều tra viên vụ việc cạnh tranh; g) Thư ký phiên điều trần”.

– Về thay đổi người tiến hành tố tụng cạnh tranh (Điều 65), điều này được xây dựng trên cơ sở kế thừa cơ bản và tổng hợp nội dung quy định tại các điều 83, 84 và 85 Luật Cạnh tranh năm 2004 về việc từ chối hoặc thay đổi thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, điều tra viên, thư ký phiên điều trần. Theo đó, Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh, điều tra viên vụ việc cạnh tranh, thư ký phiên điều trần phải từ chối tiến hành tố tụng cạnh tranh hoặc bị thay đổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: là người thân thích với bên bị điều tra hoặc bên khiếu nại; là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc cạnh tranh; có căn cứ rõ ràng cho rằng họ không khách quan khi làm nhiệm vụ.

– Về người tham gia tố tụng cạnh tranh (Điều 66), so với Điều 64 Luật Cạnh tranh năm 2004, điều này thay “Luật sư” bằng “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên khiếu nại, bên bị khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” theo hướng mở rộng người tham gia tố tụng cạnh tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên khiếu nại, bên bị điều tra, phù hợp với pháp luật về tố tụng dân sự.

– Bổ sung quy định về quyền và nghĩa vụ của bên khiếu nại, bên bị khiếu nại, bên bị điều tra (Điều 67). Theo đó, bên khiếu nại là tổ chức, cá nhân có hồ sơ khiếu nại quy định tại Điều 77 của Luật này được Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia tiếp nhận, xem xét để điều tra; bên bị điều tra là tổ chức, cá nhân bị Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định tiến hành điều tra trong các trường hợp quy định tại Điều 80 của Luật này; bên bị khiếu nại là tổ chức, cá nhân bị khiếu nại về hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

– Về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên khiếu nại, bên bị khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Điều 68). Theo quy định tại Điều 67 Luật Cạnh tranh năm 2004, chỉ có luật sư tham gia tố tụng (theo quy định của pháp luật về luật sư) mới có thể tham gia tố tụng cạnh tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên khiếu nại hoặc bên bị điều tra. Quy định này đã giới hạn các cá nhân (ngoài luật sư) có thể tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự theo quy định của pháp luật hiện hành như trợ giúp viên pháp lý hoặc cá nhân được uỷ quyền. Do vậy, để phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo quyền của các bên khi tham gia tố tụng cạnh tranh, Luật Cạnh tranh năm 2018 đã quy định: “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên khiếu nại, bên bị khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là người được bên khiếu nại, bên bị khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu bằng văn bản tham gia tố tụng cạnh tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình” (khoản 1 Điều 68).

– Về cung cấp thông tin về hành vi vi phạm (Điều 75), Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định một trong những nguồn thông tin đầu vào làm căn cứ để Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh, đó là những thông tin được cung cấp bởi mọi tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh.

– Về khiếu nại vụ việc cạnh tranh (Điều 77), nhìn chung, quy định tại Điều 77 của Luật giữ nguyên những nội dung cơ bản của Điều 58 Luật Cạnh tranh năm 2004. Tuy nhiên, có sự điều chỉnh về thời hiệu khiếu nại, từ 02 năm lên “03 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện”, do: các vụ việc hạn chế cạnh tranh không giống các hành vi vi phạm hành chính thông thường, mà có xu hướng kéo dài liên tục, bền vững, mức độ và phạm vi ảnh hưởng cũng rất lớn, bên cạnh đó, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh lại có xu hướng “ngầm hóa” nhằm che dấu hành vi vi phạm, nên rất khó bị phát hiện và chứng minh, đến khi hành vi bị phát hiện thì phần lớn đã quá thời hiệu 2 năm. Việc tăng thời hiệu khiếu nại như Luật Cạnh tranh năm 2018 giúp việc áp dụng pháp luật cạnh tranh đảm bảo tính nghiêm minh, không bỏ sót vi phạm.

– Về căn cứ ra quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh (Điều 80), được sửa đổi, bổ sung thêm nguồn cung cấp thông tin là tổ chức, cá nhân. Theo đó, Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh ra quyết định điều tra vụ việc cạnh tranh trong trường hợp: “tổ chức, cá nhân cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm hại do hành vi vi phạm quy định của pháp luật về cạnh tranh” (khoản 1 Điều 77) và “Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh trong thời hạn 03 năm kể từ ngày hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật về cạnh tranh được thực hiện” (khoản 2 Điều 80).

– Về thời hạn điều tra vụ việc cạnh tranh (Điều 81), Luật Cạnh tranh năm 2018 không còn chia quá trình điều tra thành hai giai đoạn (điều tra sơ bộ và điều tra chính thức) nên quy định về thời hạn điều tra không còn tách thành hai điều riêng như tại Điều 87 và 90 Luật Cạnh tranh năm 2004, mà chỉ có một quy định duy nhất về thời hạn điều tra vụ việc cạnh tranh. Cụ thể:

1. Thời hạn điều tra vụ việc hạn chế cạnh tranh là 09 tháng kể từ ngày ra quyết định điều tra; đối với vụ việc phức tạp thì được gia hạn một lần nhưng không quá 03 tháng. 2. Thời hạn điều tra vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 90 ngày kể từ ngày ra quyết định điều tra; đối với vụ việc phức tạp thì được gia hạn một lần nhưng không quá 60 ngày. 3. Thời hạn điều tra vụ việc cạnh tranh không lành mạnh là 60 ngày kể từ ngày ra quyết định điều tra; đối với vụ việc phức tạp thì được gia hạn một lần nhưng không quá 45 ngày. 4. Việc gia hạn điều tra phải được thông báo đến bên bị điều tra và các bên liên quan chậm nhất là 07 ngày làm việc trước ngày kết thúc thời hạn điều tra”.

– Về lấy lời khai (Điều 83), đây là quy định mới quy định về một nghiệp vụ điều tra quan trọng của Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh là lấy lời khai của bên khiếu nại, bên bị điều tra, người làm chứng, các tổ chức, cá nhân khác có liên quan để xác minh và thu thập các thông tin, chứng cứ cần thiết giúp giải quyết vụ việc cạnh tranh. Trên cơ sở quy định tại Điều 91 Luật Cạnh tranh năm 2004 về “Biên bản điều tra” và Điều 78 Nghị định số 116/2005/NĐ-CP về “Lấy lời khai của bên khiếu nại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng”, Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định về các nguyên tắc chung khi tiến hành lấy lời khai như: người có thẩm quyền tiến hành lấy lời khai, địa điểm tiến hành lấy lời khai, biên bản ghi lời khai,…

– Về đình chỉ điều tra (Điều 86), quy định cơ chế xử lý nhanh để rút ngắn thời gian, chi phí giải quyết vụ việc, hạn chế việc khiếu kiện kéo dài ra Tòa án. Trên sơ sở kết quả thương lượng, thỏa hiệp của bên khiếu nại và bên bị điều tra về việc một bên chấm dứt hành vi, cam kết khắc phục hậu quả và một bên rút đơn khiếu nại, Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh xem xét, chấp thuận cam kết và quyết định đình chỉ điều tra.

– Tách quy định về xử lý vụ việc vi phạm quy định về tập trung kinh tế (Điều 89) và xử lý vụ việc cạnh tranh không lành mạnh (Điều 90), xử lý vụ việc hạn chế cạnh tranh (Điều 91). Xuất phát từ thực tiễn là các vụ việc cạnh tranh không lành mạnh và tập trung kinh tế do tính chất vụ việc thường đơn giản, hành vi vi phạm dễ nhận biết nên việc xử lý đối với các vụ việc này cũng cần được thực hiện nhanh chóng, tránh thủ tục kéo dài như các vụ việc hạn chế cạnh tranh.

– Về khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh (Điều 96), trên cơ sở sửa đổi quy định tại Điều 107 Luật Cạnh tranh năm 2004 về việc khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, tổ chức, cá nhân không nhất trí với một phần hoặc toàn bộ nội dung quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

– Về hậu quả của việc khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh (Điều 99), bổ sung thêm một khoản mang tính chất dự phòng, đó là: “Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu xét thấy việc thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh bị khiếu nại sẽ gây hậu quả khó khắc phục thì Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành một phần hoặc toàn bộ quyết định đó. Quyết định tạm đình chỉ của Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia hết hiệu lực kể từ ngày quyết định giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh có hiệu lực pháp luật”. Quy định này là cần thiết, đặc biệt là trong các trường hợp buộc chia tách, bán lại một phần hoặc toàn bộ vốn góp, tài sản của doanh nghiệp, hoặc trong các trường hợp buộc cơ cấu lại doanh nghiệp lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, thường có tác động, phạm vi ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và thị trường.

– Để đảm bảo tính minh bạch trong hoạt động tố tụng cạnh tranh, đồng thời, kế thừa các quy định tiến bộ của Luật Cạnh tranh năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Cạnh tranh năm 2018 quy định một mục mới là Mục 6 Chương VIII (từ Điều 104 đến Điều 107) về “Công bố các quyết định của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia” và Mục 7 Chương VIII (Điều 108, Điều 109) về hợp tác quốc tế trong quá trình tố tụng cạnh tranh.

Chương IX “Xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh” của Luật Cạnh tranh năm 2018 kế thừa những quy định tiến bộ, phù hợp tại Mục 8 Chương V Luật Cạnh tranh năm 2004, có sửa đổi, bổ sung một số quy định sau:

– Bổ sung nguyên tắc xử lý vi phạm tại Điều 110 Luật Cạnh tranh năm 2018, theo đó, “Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật” (khoản 1 Điều 110).

– Về phạt tiền đối với hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh (Điều 111), trên cơ sở tách bạch việc xử lý đối với các nhóm hành vi có tính chất khác nhau (gồm: cạnh tranh không lành mạnh; vi phạm quy định về tập trung kinh tế; hạn chế cạnh tranh; và các hành vi khác vi phạm pháp luật cạnh tranh), Luật Cạnh tranh năm 2018 đã xác định các mức phạt tiền tối đa khác nhau được áp dụng đối với các nhóm hành vi nêu trên. Cụ thể:

+ Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp có hành vi vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm, nhưng thấp hơn mức phạt tiền thấp nhất đối với các hành vi vi phạm được quy định trong Bộ luật Hình sự.

+ Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế là 05% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm thực hiện hành vi vi phạm.

+ Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh là 2.000.000.000 đồng.

+ Mức phạt tiền tối đa đối với hành vi khác vi phạm quy định của Luật này là 200.000.000 đồng.

+ Mức phạt tiền tối đa quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này áp dụng đối với hành vi vi phạm của tổ chức; đối với cá nhân có cùng hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, mức phạt tiền tối đa bằng một phần hai mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức.

Về điều khoản chuyển tiếp (Điều 118), để đảm bảo hiệu lực thi hành của Luật, tránh xảy ra các khoảng trống pháp lý trong việc điều tra, xử lý các vụ việc cạnh tranh tại thời điểm Luật Cạnh tranh năm 2018 có hiệu lực, Điều này quy định: “Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh theo quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 được tiếp tục xem xét, giải quyết như sau:

1. Hành vi vi phạm đang bị điều tra, xử lý mà được xác định không vi phạm quy định của Luật này thì được đình chỉ điều tra, xử lý;

2. Hành vi vi phạm đang bị điều tra, xử lý, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh mà vẫn bị xác định vi phạm quy định của Luật này thì tiếp tục bị điều tra, xử lý, giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật này. Trường hợp hình thức xử lý hoặc mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm theo quy định của Luật này cao hơn quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11 thì áp dụng quy định của Luật Cạnh tranh số 27/2004/QH11”.

Zin Bon