A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Covid 19 trở lại – Khẩu trang y tế lại tiếp tục “thổi giá”

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 “quay trở lại” với diễn biến phức tạp, trong khi cả nước cùng nhau chung tay đẩy lùi dịch bệnh thì tình trạng khẩu trang y tế lại tiếp tục tăng giá bất chấp quy định của pháp luật và ý thức nhân văn cộng đồng.

Đại dịch Covid 19 thêm một lần nữa diễn biến phức tạp, nhiều người đã lợi dụng để tăng với giá “cắt cổ” đối với khẩu trang y tế tăng gấp 2 – 3 lần so với thời điểm trước dịch.

Dễ dàng cập nhật tình trạng khẩu trang y tế tiếp tục tăng giá tại các quầy thuốc nhỏ, lẻ trên các tuyến đường thành phố Kon Tum như Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư,… Với những hộp khẩu trang được mệnh giá từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng, trong khi trước đó giá thực của những hộp khẩu trang y tế chỉ 40.000 đồng đến 50.000 đồng. Điều đáng nói, ngay cả các nhà thuốc lớn trên tuyến đường Trần Hưng Đạo cũng bán với giá 120.000 đồng/hộp và còn tùy thuộc vào màu sắc, chất liệu, độ dày,… của khẩu trang để tăng giá cho “phù hợp”. Với hình thức bán hàng online trên facebook, giá online cũng “bắt kịp” với “giá offline” (giá thị trường thực tế), rao bán khẩu trang y tế từ 120.000 đồng đến 130.000 đồng/hộp.

C:\Users\Administrator\AppData\Local\Microsoft\Windows\Temporary Internet Files\Content.Word\uri_mh1596701597160.jpg

Với hình thức kinh doanh online, giá khẩu trang y tế cũng tăng dao động từ 120.000 đồng đến 150.000 đồng.

Khi đề cập đến vấn đề “Tại sao khẩu trang y tế lại có giá cao như vậy?” thì hầu hết tất cả các quầy thuốc đều trả lời “Đây là khẩu trang 04 lớp đạt chuẩn Châu Âu” hoặc “Do công ty bên quầy nhập về quy định giá như vậy”,… và còn nhiều hơn thế những câu trả lời “vòng vo”, giải thích. Trong khi đó, về chất liệu của khẩu trang vẫn là những chất liệu cũ như trước đây, không có gì thay đổi.

C:\Users\Administrator\Desktop\maxresdefault.jpg

C:\Users\Administrator\Desktop\14b3ffc9c68a2fd4769b.jpg

Tại các nhà thuốc, khẩu trang y tế tùy vào chất liệu, độ dày, mỏng,… mà tiếp tục tăng giá ở những mức khác nhau. (Ảnh minh họa: Nguồn Internet)

Mặc dù đã có quy định về hành vi bán cao giá khẩu trang y tế là vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định, nhưng người bán vẫn tiếp tục “duy trì thổi giá”. Không chỉ vậy, giá các loại dung dịch rửa tay, sát khuẩn cũng tăng từ 10 – 20% so với thời điểm trước khi dịch tái phát trở lại trong cộng đồng.

Theo tìm hiểu, tuy giá khẩu trang đã có sự biến động nhưng thị trường thành phố Kon Tum cũng như các huyện, chưa ghi nhận hiện tượng người dân đổ xô, chen chúc nhau mua khẩu trang như đợt dịch trước. Bên cạnh đó, hiện nay người dân cũng đã dùng nhiều loại khẩu trang vải nên việc tìm mua, săn lùng khẩu trang y tế không còn rầm rộ như đợt dịch trước.

Trong khi cả nước đang “gồng mình” cùng nhau chống đại dịch Covid-19 thì các cơ sở kinh doanh nhỏ, lẻ lại tranh thủ lợi dụng cơ hội tăng giá các mặt hàng, nhất là khẩu trang y tế khiến người dân luôn nghĩ “Mùa dịch đồng nghĩa với việc khẩu trang y tế cũng sẽ tăng giá cao hơn so với mức bình thường”.

Khẩu trang y tế không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá theo quy định tại Nghị định 177/2013/NĐ-CP.

Khoản 1 điều 11 Luật Giá 2012 quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh phải niêm yết theo giá do tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh quyết định và không được mua, bán cao hơn giá niêm yết.

* Xử lý hành chính:

Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP quy định về mức xử phạt đối với Hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý:

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý.

* Xử lý hình sự:

Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội đầu cơ:

1. Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

b) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Khi xử lý hình sự tùy theo tính chất và hành vi vi phạm sẽ có mức xử lý phù hợp.

C:\Users\Administrator\Desktop\_110791068_22a008b6-65b0-4879-90ea-7aac25644552.jpg

Các trường hợp tăng giá bất hợp lý sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. (Ảnh mình họa: Nguồn Internet)

Theo Bộ Y tế, thời gian qua, đã có nhiều cơ sở sản xuất trong cả nước đầu tư, tham gia sản xuất khẩu trang y tế, khẩu trang vải, các trang thiết bị phòng, chống dịch với năng lực đảm bảo phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đặc biệt một số cơ sở đã sản xuất sinh phẩm xét nghiệm, máy thở chung tay cùng cả nước phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ngày 28/7, Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 4026/BYT- TB-CT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc tăng cường thanh kiểm tra xử lý vi phạm trên địa bàn.

Thực hiện nghiêm Thông báo số 253/TB-VPCP ngày 25/7/2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19, để bảo đảm sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, thiết bị y tế được cung ứng đầy đủ cho công tác phòng, chống dịch trước tình hình hiện nay, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các Sở, ngành đôn đốc các đơn vị sản xuất khẩu trang y tế, trang thiết bị phòng, chống dịch trên địa bàn ổn định sản xuất, kinh doanh, nguồn nguyên liệu, sẵn sàng đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường theo hướng chủ động sản xuất gắn với bảo đảm chất lượng, không để xảy ra tình trạng khan hiếm. Ưu tiên cung cấp cho các bệnh viện, cơ sở y tế và cộng đồng để phục vụ nhu cầu phòng, chống dịch bệnh.

Trước tình hình giá cả thị trường đầy biến động trong mùa dịch, cần tăng cường kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm theo quy định đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh lợi dụng tình hình dịch bệnh để găm hàng, gây khan hiếm giả tạo, tăng giá bất hợp lý tác động tiêu cực đến thị trường, tâm lý người dân và báo cáo về Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, SĐT: 024.62732272, email: dmec@moh.gov.vn).

Nhân Bình