A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Ứng dụng định danh điện tử (VNeID) thay thế sổ hộ khẩu giấy khi làm thủ tục nhập học cho học sinh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, các trường Tiểu học đã đăng thông báo tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2023-2024, trong đó yêu cầu hồ sơ dự tuyển có: “Tài khoản định danh điện tử của cha, mẹ hoặc người giám hộ trong Ứng dụng định danh điện tử (VNeID) được cài đặt trên điện thoại….” hoặc số định danh cá nhân của học sinh, cha hoặc mẹ.

Một số yêu cầu hồ sơ dự tuyển của Trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Tại Nghị định số 59/2020/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử có hiệu lực thi hành từ 20/10/2022, theo đó người dân có thể sử dụng ứng dụng VNeID để tố giác tội phạm, thay thế giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế hay sổ hộ khẩu khi giao dịch hành chính, dân sự.

Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường nhất định không được đặt ra những yêu cầu gây phiền hà trái với quy định của Chính phủ về bãi bỏ yêu cầu nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, giấy xác nhận cư trú khi thực hiện thủ tục hành chính. Hiện nay, Bộ Giáo dục và đào tạo đã phối hợp với Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai kết nối thông suốt và hoàn tất việc tích hợp chức năng khai thác dữ liệu dân cư trên hệ thống quản lý thi và hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung. Vì vậy, các điểm tiếp nhận hồ sơ sẽ sử dụng chức năng này để tra cứu, khai thác thông tin này từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đối chiếu, xác nhận cho thí sinh, học sinh.

Để dùng ứng dụng VNeID thay thế Sổ hộ khẩu, công dân phải thực hiện các bước sau:

Bước 1: Cài đặt ứng dụng VNeID, đến cơ quan công an đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2.

Bước 2: Kích hoạt tài khoản định danh trên thiết bị di động khi nhận được tin nhắn thông báo đăng ký tài khoản thành công theo các bước trong ứng dụng VNeID.

Bước 3: Sau khi ứng dụng VNeID được kích hoạt, người dân đăng nhập vào ứng dụng. Để truy cập tính năng thông tin cư trú, người dân truy cập vào mục “Ví giấy tờ”. Tiếp đến, người dùng phải nhập mật khẩu (passcode) để kiểm tra được thông tin cư trú. Sau khi nhập xong, thông tin cư trú sẽ được hiển thị, bao gồm:

Thông tin về hành chính như: hình chân dung, họ và tên, số định danh, dân tộc, quốc tịch, quê quán…

Thông tin cư trú: nơi thường trú, nơi tạm trú, nơi ở hiện tại, họ tên chủ hộ, số định danh chủ hộ, quan hệ với chủ hộ...

Thành viên khác trong hộ gia đình: hiển thị họ tên, ngày sinh, giới tính, quan hệ với chủ hộ… của các thành viên trong hộ gia đình của người dùng.

Thông tin cư trú của công dân hiển thị trong mục “Ví giấy tờ”

Thời gian qua, triển khai việc bỏ sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy bên cạnh những thuận lợi, song vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Điển hình là việc nhiều bộ, ngành chưa ban hành Quyết định công bố thủ tục hành chính có yêu cầu công dân nộp bản sao hoặc xuất trình giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú. Do vậy các cơ quan, đơn vị thực hiện giải quyết thủ tục hành chính vẫn yêu cầu công dân cung cấp giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú.

Để khắc phục tình trạng này, việc đẩy mạnh cấp mã định danh cá nhân, thẻ Căn cước công dân gắn chíp cho công dân đủ điều kiện; tiếp tục hoàn thiện và tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng ứng dụng VNeID là rất cần thiết.

Theo quy định Nghị định 104/2022/NĐ-CP ngày 21/12/2022 của Chính phủ ban hành  sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023). Khi đó, người dân đi làm thủ tục hành chính, giao dịch chỉ cần xuất trình thẻ Căn cước công dân gắn chíp để chứng minh thông tin cư trú.

Đồng thời, Nghị định số 59/2020/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử quy định 2 mức độ về tài khoản định danh điện tử của cá nhân, cá nhân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong các hoạt động, giao dịch điện tử thay Căn cước công dân khi làm thủ tục hành chính, giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước công dân.

Như vậy, với thông tin “hộ khẩu điện tử” được tích hợp trong ứng dụng VNeID, người dân có thể xuất trình khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch mà cần đến thông tin nhân khẩu, hộ khẩu... Còn lại việc xác minh, đối chiếu thông tin cư trú để giải quyết cho người dân là trách nhiệm của cán bộ, cơ quan nhà nước.

Công dân cần mang theo thẻ Căn cước công dân gắn chíp của mình để thu nhận tài khoản định danh điện tử mức 2

Lực lượng chức năng tích cực tuyên truyền, thu nhận Căn cước công dân gắn chíp và tài khoản Định danh điện tử mức 2 cho công dân

Để sử dụng VNeID thay sổ hộ khẩu, công dân cần đến cơ quan công an đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 2. Sau khi được kích hoạt ứng dụng này, công dân đăng nhập để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mà trước đây cần đến sổ hộ khẩu. Đối với VNeID, công dân sử dụng tài khoản, mật khẩu đăng nhập ứng dụng trên thiết bị di động. Sau đó, người dân có thể sử dụng các thông tin Căn cước công dân, thông tin dân cư được tích hợp hiển thị trên ứng dụng này để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và các giao dịch dân sự./.

 

 


Tác giả: Nguyễn Thị Tâm
Tin liên quan