A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước tham gia thảo luận dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

Ngày 24/11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Đường bộ và dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp. Tham gia thảo luận, đại biểu Trần Thị Thu Phước - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum đã có nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết.

Sáng ngày 24/11, tham gia góp ý dự án Luật Đường bộ, đại biểu Trần Thị Thu Phước khẳng định sự cần thiết xây dựng luật, tạo sự lành mạnh trong công tác quản lý, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để thúc đẩy, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, tạo bước đột phá trong việc thể chế hóa các chủ trương trong việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, phát triển phương tiện giao thông đường bộ, phát triển vận tải đường bộ, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đảm bảo giao thông thông suốt an toàn.

Góp ý hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đề nghị cần có quy định thu hút tối đa nguồn lực ngoài ngân sách để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đại biểu Trần Thị Thu Phước cho biết, tại khoản 1 Điều 5 về chính sách phát triển đối với hoạt động đường bộ, đã có nội dung ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu để đề xuất các thành các chính sách cụ thể hơn nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, nhất là các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa như: Có chính sách ưu tiên đối với các doanh nghiệp thực hiện việc đầu tư xây dựng đối với hạ tầng giao thông tại các khu vực trên và việc huy động xã hội hóa trong cứng hóa mặt đường nông thôn… Trường hợp các quy định trong dự thảo luật đã có nội dung liên quan, đại biểu kiến nghị ban soạn thảo giải thích rõ hơn về tác động tích cực của các quy định đối với việc cải thiện điều kiện giao thông ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo, vùng dân tộc thiểu số trong quá trình thi hành luật.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước tham gia phát biểu tại Hội trường (nguồn ảnh: quochoi.vn)

Về vận tải hành khách và hàng hóa bằng xe ô tô, đại biểu Trần Thị Thu phước cho biết tại khoản 2 Điều 62 về “Vận tải hành khách bằng xe ô tô” và khoản 2 Điều 67 về “Quyền và nghĩa vụ của đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô” của dự thảo Luật có chung quy định về vấn đề: “Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lái xe và sử dụng người lái xe đủ sức khỏe theo quy định”. Trước đây, ngày 21/8/2015, Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe. Trong đó, có quy định về vấn đề sử dụng các chất ma túy thì không đủ điều kiện để lái xe theo các hạng xe tương ứng.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Thu Phước bày tỏ băn khoăn và lo lắng trước thực trạng theo thống kê 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 1.700 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy... Việc lái xe có chất ma túy trong người không những gây nguy hiểm cho tính mạng hành khách, mà còn gây mất ổn định trật tự xã hội, an toàn giao thông.

Trước thực trạng trên, đại biểu Trần Thị Thu Phước đề nghị có giải pháp và chế tài để gắn chặt chẽ hơn nữa gắn trách nhiệm của doanh nghiệp đối với lái xe bị vi phạm; đồng thời bổ sung quy định về Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế phối hợp lưu trữ những thông tin hồ sơ của những lái xe dương tính với chất ma túy để có thể chia sẻ đối với đến với tất cả các đơn vị chức năng, doanh nghiệp để kiểm tra khi tuyển dụng.

Ngoài ra, về sử dụng hành lang an toàn giao thông đường bộ, đại biểu cho rằng cần quy định cụ thể chặt chẽ hơn về cơ chế kiểm soát hoạt động của người sử dụng đất trên phạm vi đất hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi để tránh phát sinh những vấn đề phức tạp.

​Chiều cùng ngày, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Góp ý đối với dự án Luật, đại biểu Trần Thị Thu Phước nhấn mạnh, giấy phép lái xe là một trong những giấy tờ rất quan trọng, không chỉ là phương tiện để nhà nước, xã hội công nhận về khả năng của một người có đủ năng lực điều kiện thực hiện hành vi điều khiển loại phương tiện giao thông nhất định để tham gia giao thông hay không, mà còn là một công cụ phục vụ đắc lực cho công tác quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Tuy nhiên, thời gian qua tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông vẫn diễn biến rất phức tạp, nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây thiệt hại to lớn về người và tài sản liên tiếp xảy ra, gây lo lắng, bức xúc trong quần chúng Nhân dân. Tình trạng này một phần nguyên nhân chính đó là do ý thức của người điều khiển giao thông chưa cao; hậu quả về mặt pháp lý đối với hành vi vi phạm hành chính chỉ mang tính chất nhất thời chưa đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước tham gia phát biểu tại Hội trường (nguồn ảnh: quochoi.vn)

Trước hình này, đại biểu Trần Thị Thu Phước kiến nghị với Quốc hội và ban soạn thảo bổ sung quy định về tính điểm giấy phép lái xe; xem xét sử dụng việc trừ điểm giấy phép lái xe là một biện pháp quản lý nhà nước. Đây là biện pháp đánh trực tiếp vào ý thức của người điều khiển phương tiện đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng, tùy vào hành vi vi phạm mà lái xe sẽ bị trừ số điểm nhất định. Vi phạm nhiều lần thì lái xe sẽ bị trừ nhiều lần, trừ đến khi bị tước giấy phép lái xe và buộc phải học lại, thi lại để được cấp giấy phép lái xe trở lại. Từ đó người điều khiển phương tiện buộc phải tự ý thức về số điểm trên giấy phép của mình, hạn chế tối đa khả năng vi phạm để bị trừ điểm.

Cảm thấy đau lòng trước số liệu thống kê tại Hội nghị chuyên đề về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với học sinh, báo cáo tại Hội nghị cho thấy, mỗi năm có khoảng 500 em học sinh chết, 800 em bị thương do tai nạn giao thông. Đại biểu Trần Thị Thu Phước khẳng định, con số đó là hồi chông cảnh tỉnh về trách nhiệm của những người trưởng thành, đặc biệt ở đây chính là những người đang thực hiện vai trò tại cơ quan lập pháp, trong việc phải hoàn thiện pháp luật và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh. Đại biểu đề nghị Quốc hội giao cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về trách nhiệm của các ngành các cơ quan liên quan trong đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh. Đó cũng chính là giải pháp bảo đảm căn cơ, bền vững và lâu dài giảm tình trạng tai nạn giao thông. 

Đề cập đến thực trạng đất nước càng phát triển, nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa cũng phát triển mạnh mẽ, tạo áp lực rất lớn đến công tác quản lý của lực lượng chức năng nói chung, trong đó có lực lượng Cảnh sát giao thông. Theo thống kê, hiện nay cả nước có gần 80 triệu phương tiện gồm 6,1 triệu ô tô và 73,4 triệu xe mô tô, mỗi năm lại tăng thêm 500.000 ô tô và 03 triệu mô tô. Trước tình hình trên, đại biểu Trần Thị Thu Phước đề nghị cần thể chế vào Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định rõ việc ưu tiên nguồn lực đầu tư hiện đại hóa các lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông nói chung và lực lượng cảnh sát giao thông nói riêng để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho yêu cầu thực hiện nhiệm vụ này.


Tác giả: Hoàng Phúc
Tin liên quan