Kết quả đạt được qua 10 năm triển khai, thực hiện Chỉ thị số 18
Qua 10 năm triển khai thực hiện, Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông” đã khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, kịp thời, có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nói riêng và sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chung.
Quang cảnh Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18 và quán triệt triển khai Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại điểm cầu Công an tỉnh Kon Tum
Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là nhiệm vụ rất quan trọng, tác động trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự, bảo đảm an ninh con người, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khoẻ, tài sản, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của Nhân dân. Do vậy trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển kết cấu hạ tầng giao thông gắn với bảo đảm TTATGT và Ban Bí thư đã ban hành rất nhiều Chỉ thị để lãnh đạo, chỉ đạo công tác này, đó là những phát biểu mà Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh trong phát bài phát biểu khai mạc tại Hội nghị trên.
Đại tướng Tô Lâm - Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu khai mạc Hội nghị
Qua 10 năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, tình hình TTATGT có những chuyển biến hết sức tích cực, tình trạng ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và trên các tuyến quốc lộ trọng điểm đã được cải thiện đáng kể; vi phạm về chở hàng quá tải trên đường bộ đã giảm mạnh, đặc biệt là số xe vi phạm quá tải trên 100% giảm mạnh, tình trạng xe “cơi nới” thành thùng gần như đã chấm dứt trên toàn quốc; học sinh, sinh viên đã có nhận thức và ý thức tự giác đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy và xe đạp điện; tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép gây mất TTATGT và trật tự xã hội trên đường thủy nội địa được đấu tranh, ngăn chặn. Qua đó, số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT tiếp tục giảm sâu, đặc biệt là số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng được kiềm chế, đã góp phần bảo đảm TTXH trên các tuyến, địa bàn giao thông đường bô, đường sắt và đường thủy nội địa, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn 2013- 2022. Tuy nhiên, tình hình TTATGT còn diễn biến phức tạp. Từ năm 2012-2022, cả nước xảy ra hơn 190.000 vụ, làm chết 76.000 người, bị thương 165.000 người; so với 10 năm trước: giảm 37% số vụ, giảm 29% số người chết, giảm 44% số người bị thương.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo tóm tắt 10 năm thực hiện Chỉ thị 18 của Ban Bí thư Trung ương Đảng
Các cấp uỷ, Ban cán sự Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo Bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội và địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT; hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa tai nạn giao thông. Các cơ quan thông tin - truyền thông của Trung ương và địa phương đã xây dựng nhiều phóng sự, tin bài phản ánh tình hình TTATGT, phát các thông điệp an toàn giao thông, cảnh báo nguy hiểm về việc không đội mũ bảo hiểm, tốc độ, rượu, bia…
Bộ Công an đã phối hợp Uỷ ban ATGT Quốc gia phát động thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hoá giao thông với bình yên sông nước”, tiến hành sơ kết 3 năm và tổng kết 5 năm thực hiện phong trào để rút kinh nghiệm, chỉ đạo thực hiện nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm TTATGT. Phát động cuộc thi sáng tác ca khúc về an toàn giao thông, thu hút sự tham gia của 300 nhạc sỹ dự thi. Tổ chức các Hội thi: tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ và lái xe mô tô an toàn cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp; “An toàn giao thông cho nụ cười ngày mai”; “An toàn giao thông cho nụ cười trẻ thơ”; “An toàn cùng xe đạp điện, xe máy điện”; “Doremon với an toàn giao thông”... đã thu hút được hơn một triệu học sinh, sinh viên tham gia; Liên hoan phim toàn quốc về ATGT với chủ đề “Đã uống rượu, bia, không lái xe”. Tăng cường công tác giáo dục ATGT trong trường học giai đoạn 2013-2022; Tổ chức ra mắt mô hình “Cổng trường giao thông an toàn” và tổ chức đưa giáo dục, phổ biến pháp luật về TTATGT vào chương trình giảng dạy chính khoá ở các cấp học nhắm nâng cao trình độ hiểu biết và ý thức tự giác chấp hành pháp luật về ATGT …Qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT của học sinh, sinh viên, giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh, sinh viên.
Công tác xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nâng cao năng lực vận tải được chú trọng kịp thời. Chính phủ đã phê duyệt các quy hoạch giao thông vận tải, kịp thời điều chỉnh theo từng giai đoạn phù hợp với điều kiện tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, như: “Phê duyệt điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, “Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020”, “Điều chỉnh chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”, “Điều chỉnh quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, “Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, “Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, “Điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” và “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”, “phê duyệt mạng lưới đường bộ, đường sắt và quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Cùng với đó, các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương đã tăng cường chỉ đạo công tác đầu tư, nâng cao năng lực, trình độ, trang thiết bị, điều kiện làm việc cho lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT, chỉ đạo xây dựng, triển khai nhiều dự án quan trọng góp phần nâng cao năng lực, trình độ, đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc ngày càng hiện đại, đồng bộ; lực lượng chuyên trách làm công tác bảo đảm TTATGT được bố trí ở 04 cấp Công an ngày càng chính quy, hiện đại, đáp ứng và hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Đã xây dựng và thường xuyên đào tạo, phổ biến, quán triệt, tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới có liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT và các kỹ năng chỉ huy, điều khiển giao thông cho các lực lượng chuyên trách và hỗ trợ (Công an cấp xã, Bảo vệ dân phố, dân phòng, Thanh niên tình nguyện...) để nâng cao năng lực tham gia phối hợp bảo đảm TTATGT, trật tự văn minh đô thị.
Thông qua việc quán triệt, triển khai Chỉ thị số 18-CT/TW, cấp uỷ Đảng các cấp, các ngành đã xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm TTATGT và khắc phục ùn tắc giao thông, coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của cả hê thống chính trị; nhận thức, ý thức trách nhiệm của từng cán bộ đảng viên về công tác này được nâng cao, qua đó góp phần tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, đảm bảo TTATGT, khắc phục ùn tắc giao thông trong toàn xã hội.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TW ở một số địa phương và đảng bộ, chi bộ cơ sở còn chậm; Công tác quản lý nhà nước về TTATGT trong một số lĩnh vực còn hạn chế, thiếu hiệu quả, chậm được khắc phục; Việc phát triển hạ tầng giao thông ở một số địa bàn chưa đáp ứng yêu cầu vận tải, đi lại của nhân dân. Tình trạng ùn tắc giao thông phức tạp tại các thành phố lớn vẫn diễn ra phổ biến, nhất là trong giờ cao điểm, ngày nghỉ lễ do lưu lượng phương tiện tăng đột biến, nhiều trường hợp ùn tắc gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế và ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của Nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Bảo đảm TTATGT là nhiệm vụ của toàn xã hội, do đó công tác bảo đảm TTATGT phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, về mọi mặt của các cấp uỷ Đảng, chính quyền. Huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác đảm bảo TTATGT, trong đó, lực lượng Công an nhân dân và ngành Giao thông vận tải giữ vai trò nòng cốt, xung kích. Trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, đòi hỏi lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phải sâu sát, nắm chắc tình hình; phân công, phân cấp bố trí lực lượng làm công tác đảm bảo TTATGT hợp lý, khoa học; thường xuyên trực tiếp kiểm tra, đôn đốc để kịp thời chấn chỉnh, điều chỉnh những chủ trương, giải pháp phù hợp với thực tế tình hình công tác đảm bảo TTATGT và điều kiện kinh tế xã hội của địa phương. Phát huy vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác đảm bảo TTATGT. Cùng với đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp, kết hợp tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa với xử lý nghiêm minh. Trong công tác tuyên truyền cần chú trọng tuyên truyền, phổ biến pháp luật với giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng tránh tai nạn giao thông để tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của quần chúng nhân dân nói chung và người tham gia giao thông nói riêng, đây là một trong những yếu tố có tính chất quyết định đối với công tác bảo đảm TTATGT, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông. Vừa tuyên truyền vừa tổ chức tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông, xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác bảo đảm TTATGT, nhất là hoạt động tuần tra, kiểm soát và quản trị, điều hành giao thông, nhằm nâng cao hiệu quả công tác, giảm bớt hoạt động tuần tra, kiểm soát trực tiếp của lực lượng chức năng, đảm bảo công khai, minh bạch, phòng ngừa sai phạm.
Trong thời gian tới, giao thông vận tải sẽ phát triển mạnh mẽ cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế, với nhiều loại hình, phương tiện giao thông tiếp tục gia tăng. Tình hình trật tự, an toàn giao thông sẽ có nhiều yếu tố mới phát sinh, phức tạp hơn. Các loại tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy có xu hướng tăng. Tình hình đó, đặt ra yêu cầu đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và khắc phục ùn tắc giao thông ngày càng khó khăn, nặng nề hơn. Thực tế đó cần tới những giải pháp cụ thể và hành động quyết liệt để tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.
Đ/c Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương phát biểu chỉ đạo Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18 và quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23 ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng
Tại Hội nghị quán triệt, triển khai Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao, ghi nhận sự nỗ lực thời gian qua của Đảng ủy Công an Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải, Ban An toàn giao thông các cấp, các cơ quan, tổ chức có liên quan, các cấp ủy, tổ chức đảng đã có nhiều giải pháp đảm bảo TTATGT, đạt được kết quả tích cực trong thực hiện Chỉ thị số 18, Đảng ủy Công an Trung ương đã kịp thời chủ trì, phối hợp, tham mưu Ban Bí thư sơ kết, ban hành Chỉ thị số 23 và khẩn trương tổ chức quán triệt, cụ thể hóa, đây là cơ sở quan trọng để nâng cao hiệu quả thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về bảo đảm TTATGT trong tình hình mới. Với trách nhiệm trước Nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước, đồng chí Trương Thị Mai mong muốn các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng nêu cao trách nhiệm, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, vừa vận động xã hội cùng xây dựng đạo đức và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông, yêu cầu cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm, gương mẫu; nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông Ban Bí thư yêu cầu thực nghiêm lộ trình di dời trụ sở các cơ quan hành chính Nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện, khu công nghiệp…ra ngoài khu vực trung tâm thành phố theo quy hoạch. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông…Các lực lượng được giao nhiệm vụ bảo đảm TTATGT phải toàn tâm, toàn ý, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.