A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường công tác phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong Công an tỉnh Kon Tum năm 2024

Dịch bệnh truyền nhiễm trên thế giới và tại Việt Nam dự báo vẫn diễn biến khó lường trong thời gian tới và tiếp tục có nguy cơ xuất hiện và lây lan các biến thể mới, các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi. Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều, cùng với bối cảnh toàn cầu hoá, nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao, diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là các điều kiện thuận lợi làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh (từ các bệnh dịch lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi...; các bệnh dự phòng bằng vắc xin như bạch hầu, ho gà, uốn ván... đến các bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập từ nước ngoài như đậu mùa khỉ...).

Với mục tiêu giảm tối đa tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm đảm bảo kiểm soát kịp thời, hiệu quả, bền vững các dịch bệnh truyền nhiễm, hạn chế nguy cơ bùng phát và chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai để bảo vệ sức khỏe của CBCS và nhân dân. Công an tỉnh Kon Tum đã ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong Công an tỉnh Kon Tum năm 2024.

Theo đó, lãnh đạo Công an tỉnh đề nghị các Phòng, Công an các huyện, thành phố: Tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống dịch, củng cố Ban chỉ đạo phòng chống dịch, tăng cường trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên. Giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, đáp ứng nhanh, xử lý triệt để các ổ dịch nhằm giảm số mắc và tử vong các bệnh truyền nhiễm, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm nguy hiểm không để dịch xâm nhập. Tăng cường năng lực hệ thống điều trị để phát hiện sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, giảm biến chứng và giảm quá tải bệnh viện tuyến cuối. Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về công tác phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là tiêm chủng vắc xin đầy đủ, đúng liều, đúng lịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tăng cường hiệu quả phối hợp liên ngành trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch, kiểm tra, giám sát. Đảm bảo đủ kinh phí, thuốc, vật tư, hóa chất đáp ứng kịp thời công tác phòng, chống dịch tại các phòng, Công an các huyện, thành phố.

Bác sĩ Trần Thị Thu Thảo – Cán bộ y tế Bệnh xá khám bệnh cho chiến sĩ

Đồng thời, đề nghị các cơ sở y tế trong Công an tỉnh: Đảm bảo các bệnh, dịch bệnh mới phát sinh được phát hiện, xử lý kịp thời. Đảm bảo các cán bộ làm công tác phòng chống dịch được đào tạo liên tục, tập huấn về các bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi. Đảm bảo các cán bộ làm công tác thống kê báo cáo bệnh truyền nhiễm được tập huấn về giám sát, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm. Đảm bảo cán bộ y tế làm việc tại các cơ sở y tế trong Công an tỉnh được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị. Chủ động theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và kịp thời thông báo, chỉ đạo các Phòng, Công an các huyện, thành phố triển khai các biện pháp chủ động ứng phó, không để dịch bệnh bùng phát, hạn chế tỷ lệ mắc, tử vong do dịch bệnh. Tăng cường năng lực hệ thống giám sát, phòng, chống bệnh truyền nhiễm các cấp, trong đó tập trung giám sát đáp ứng nhanh các bệnh dịch nguy hiểm, mới nổi như: COVID-19, Đậu mùa khỉ, Ebola, MERS-CoV, Cúm A(H5N1), Cúm A(H7N9), Cúm A (H5N8)... Tổ chức lồng ghép giám sát COVID-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm giám sát trọng điểm hội chứng Cúm (ILI), giám sát viêm phổi nặng do vi rút (SVP), giám sát đặc điểm di truyền của vi rút SARS-CoV-2 để theo dõi các biến thể của vi rút. Triển khai thực hiện có hiệu quả giám sát trọng điểm một số bệnh truyền nhiễm gây dịch (sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm,...) nhằm cung cấp chính xác, kịp thời, đầy đủ các thông tin cần thiết về dịch tễ học, vi khuẩn học và các yếu tố liên quan làm cơ sở lập kế hoạch dự phòng và khống chế dịch.

Công tác khám chữa bệnh và cấp phát thuốc đảm bảo đúng quy định của Bộ Y tế (Dược sĩ Nguyễn Thị Hồng và Dược sĩ trung học Phạm Thị Ngọc Huyền – CBYT Bệnh xá Kon Tum

Để đảm bảo cho Kế hoạch được thực hiện tốt, đúng và hiệu quả, Công an tỉnh Kon Tum giao Phòng Hậu cần chủ trì, phối hợp các đơn vị có liên quan tham mưu Công an tỉnh tăng cường các hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các cấp trong Công an tỉnh; triển khai các hoạt động giám sát trọng điểm quốc gia; ban hành và tổ chức triển khai thực hiện công tác vệ sinh môi trường - diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống dịch bệnh năm 2024 trong Công an tỉnh; kiểm tra giám sát, xử lý y tế; triển khai hoạt động xử lý triệt để ổ dịch theo quy định của Bộ Y tế; kiện toàn các đội cơ động chống dịch, sẵn sàng hỗ trợ các địa phương khi cần thiết…


Tác giả: Phạm Thị Diên
Tin liên quan