A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ẩu đả với thanh niên thôn, nhóm côn đồ dùng giáo đâm một người tử vong

 

Vừa qua, trong hai ngày 17 và 18/4/2014, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Trần Thái Lâm, sinh năm 1991, trú tại tổ 5 phường Lê Lợi, TP. Kon Tum về tội ‘Giết người’, và tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ đối với 14 bị cáo gồm: Trịnh Minh Thảo (25 tuổi), Trịnh Văn Hoài Tuấn (27 tuổi), Trần Thiện Tùng (26 tuổi, đang chấp hành án trại giam Gia Trung), Nguyễn Tiến Lợi (22 tuổi), Lê Thanh Tùng (27 tuổi), Lê Công Tuấn (23 tuổi), Hà Văn Sinh (27 tuổi), Mai Văn Vũ (21 tuổi) cùng trú trên địa bàn thành phố Kon Tum; Ngô Văn Tòng (22 tuổi), Lê Công Tuấn (20 tuổi) Hoàng Trọng Kiên (22 tuổi), Hoàng Ngọc Lợi (22 tuổi), Nguyễn Trường Nghĩa (22 tuổi) cùng trú tại huyện Sa Thầy và Trần Hữu Tín (26 tuổi) trú tại 275 Hùng Vương, thành phố PLei Ku, tỉnh Gia Lai.

alt

Phiên tòa bắt đầu với phần kiểm tra căn cước của các bị cáo  

Đây là vụ án có đông bị cáo, nhiều tình tiết phức tạp, gây xôn xao dư luận trên địa bàn nên ngay từ sáng sớm, rất đông người dân đã tập trung trước phòng xử án để theo dõi phiên tòa. Người nhà của người bị hại cũng có mặt tại phiên tòa và tỏ ra kích động khi nhìn thấy các bị cáo bước vào phòng xử án.                               

 alt

Hàng trăm người dân theo dõi xét xử, hội trường không còn chỗ trống

alt

Bị cáo Trần Thái Lâm trước vành móng ngựa

Tình tiết vụ án như sau, ngày 17/2/2013, sau khi cùng một nhóm bạn nhậu ở nhà bà Thảo và bà Tuyết tại thôn Nhơn Nghĩa, xã Sa Nhơn, huyện Sa Thầy. Sau khi nhậu xong, Trần Thái Lâm lấy xe chở Tín ra chợ Sa Thầy để đón xe về Gia Lai, rồi chở Thương về thành phố Kon Tum. Trên đường đi nhận được điện thoại báo tin Vũ, Vương bị đánh trên Sa Thầy liền điện cho Tín rồi cả ba quay lại nhà bà Thảo để tìm Vương và Vũ nhưng không thấy, sau đó trở ra quán nước mía tại thôn 3 thị trấn Sa Thầy. Tại đây, khi nghe Vũ điện thoại bảo Lâm tìm người đưa Vũ về thì Lâm nói với Tín liền điện thoại cho một số đối tượng ở thành phố Kon Tum gồm Lợi, Vũ, Thảo, Tùng, Tuấn, Lê Công Tuấn, Lê Thanh Tùng gọi xe taxi Mai Linh lên Sa Thầy, khi đến Sa Thầy có Hà Văn Sinh, Hoàng Ngọc Lợi, Nguyễn Văn Hà, Lê Quốc Tuấn nhập lại thành nhóm, sau đó tất cả chuẩn bị hung khí đi vào thôn Nhơn Nghĩa để đưa Vương và Vũ ra.           

Vào trong thôn, Lâm cùng một số đối tượng đến nhà bà Tuyết tìm Vương và Vũ nhưng không gặp, thấy cây giáo của Vũ để trong nhà bà Tuyết nên cầm lấy. Lúc này trong thôn Nhơn Nghĩa có tiếng kẻng kêu liên tục, nhà người dân tắt hết điện, nên nhóm của Lâm bỏ ra về, trên đường đi thì bị nhóm thanh niên trong thôn là Hoàng Trọng Kiên, Ngô Văn Cầu, Nguyễn Trường Nghĩa và một số người dân ném đá vào nhóm của Lâm. Thấy vậy nhóm của Lâm đuổi đánh, lấy đá ném lại thì nhóm thanh niên bỏ chạy. Lúc này ông Nguyễn Thanh Tùng (bố của Nguyễn Trường Nghĩa) thấy vậy cũng chạy theo Kiên, Cầu nhưng bị vấp ngã xuống đường, Lâm chạy đến hai tay cầm giáo đưa lên đâm một nhát từ trên xuống vào mặt sau đầu gối chân trái của ông Tùng, lúc này Tuấn cầm rựa chém một nhát vào người ông Tùng để ông không ôm Lâm nữa, Lâm còn dùng tay trái đấm vào mặt ông Tùng. Đang chạy Nghĩa quay lại nhìn thấy phía sau ông Tùng bị đâm thì hét lên ‘Bố của tao bị đâm rồi kìa’, nhóm của Nghĩa chạy lại dùng đá ném về phía của Lâm, nhóm của Lâm bỏ chạy trốn; còn ông Tùng bị chết trên đường đi cấp cứu. Qua khám nghiệm, cơ quan chức năng kết luận cái chết của ông Tùng là do vết thương cẳng chân trái do bị đâm đứt động mạch chày dẫn đến mất máu cấp. 

Trong phần tranh luận, luật sư bào chữa cho bị cáo Lâm đề nghị HĐXX chuyển tội danh ‘Cố ý gây thương tích’ dẫn đến chết người theo khoản 3 điều 104 Bộ luật hình sự, không phạm tội ‘Giết người’ theo cáo trạng VKS đề nghị, bởi lẽ: ý thức chủ quan của bị cáo không muốn tước đoạt sinh mạng ông Tùng, mặt khác ngay từ khi vào thôn Nhơn Nghĩa với mục đích tìm Vương và Vũ để đưa ra chứ không có mục đích vào đánh nhau, giết người, chỉ khi bị phía thanh niên thôn Nhơn Nghĩa ném đá, ông Tùng gõ kẻng gây kích động náo loạn thì dẫn đến chuyện ẩu đả giữa 2 bên, khi đó Lâm mới dùng giáo đâm vào chân ông Tùng, và ý thức được đâm vào chân là phần không gây nguy hiểm. 

Với các chứng cứ, tài liệu và những người có liên quan đều hiện diện đầy đủ, đồng thời các bị cáo thể hiện thái độ thành khẩn khai báo, đã khắc phục một phần hậu quả cho bị hại. Tuy nhiên, HĐXX xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo Trần Thái Lâm là đặc biệt nghiêm trọng, không những tước đoạt mạng sống của người khác mà còn gây ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT trên địa bàn, nên cần phải ra một mức án thật nghiêm khắc. Sau khi xem xét và căn cứ tính chất, vai trò của các bị cáo, HĐXX tuyên phạt 13 năm tù đối với bị cáo Trần Thái Lâm phạm tội ‘Giết người’. Các bị cáo còn lại phạm tội ‘Gây rối trật tự công cộng’, tuy các bị cáo tuổi đời còn trẻ nhưng đa số đều đã có tiền án, tiền sự, sau khi chấp hành hình phạt xong vẫn không cố gắng hoàn lương, tiếp tục phạm tội nên phải chịu tình tiết tăng nặng, Tòa tuyên phạt Lê Thanh Tùng 72 tháng tù, Trần Thiện Tùng 32 tháng tù, Trịnh Minh Thảo 21 tháng tù (hình phạt tù của 3 bị cáo đã được tổng hợp của bản án trước đó); Hà Văn Sinh 48 tháng tù; các bị cáo Ngô Văn Tòng, Hoàng Trọng Kiên, Trần Hữu Tín, Trịnh Văn Hoài Tuấn, Hoàng Ngọc Lợi, Mai Văn Vũ, Lê Công Tuấn với mức án từ 9 đến 18 tháng tù. Có 2 bị cáo 12 tháng tù cho hưởng án treo Nguyễn Tiến Lợi và Lê Quốc Tuấn; Nguyễn Trường Nghĩa 9 tháng cải tạo không giam giữ. Bản án nghiêm minh dành cho các bị cáo đã nhận được sự đồng tình của đông đảo người dân có mặt tại phiên tòa.


                                                                                                     Ngọc Thoại