A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Ngày 09/01/2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum ban hành Chương trình số 50-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW , ngày 06-10-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. 

Theo đó, Chương trình xác định mục tiêu chung xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định, phát triển toàn diện, bền vững, trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Tây Nguyên với đa ngành nghề, đa lĩnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đô thị và nông thôn. Trong đó, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; quản lý, bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng gắn với sinh kế của người dân; tăng cường thu hút công nghiệp chế biến; phát huy tiềm năng, lợi thế về du lịch; đẩy mạnh phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới; lấy đầu tư nâng cấp, mở rộng kết cấu hạ tầng giao thông làm động lực để đẩy nhanh kết nối với các trung tâm kinh tế lớn, tăng cường liên kết vùng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; tăng cường hội nhập và phát triển; bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. 

Công an thành phố Kon Tum ra quân tấn công trấn áp các loại tội phạm (Ảnh: Đức Nhuận)

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 10%/năm, giai đoạn 2026-2030 đạt trên 9,5%/năm. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt trên 10 triệu đồng/người; thu ngân sách nhà nước đạt trên 7.800 tỷ đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 50-52%/năm; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới khoảng 90%, trong đó, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao khoảng 30%. Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Kon Tum trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Tây Nguyên và hành lang kinh tế Đông-Tây với các nước Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS), là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ và hiện đại; là tỉnh có nền kinh tế phát triển, đáp ứng yêu cầu cao về an sinh xã hội; sử dụng hiệu quả tài nguyên và các nguồn lực tăng trưởng; có không gian sản xuất và sinh hoạt xã hội với định hướng xanh, thích nghi với biến đổi khí hậu; môi trường đầu tư năng động, chỉ số cạnh tranh đạt chuẩn quốc gia và khu vực; quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hộ được đảm bảo. 

Để đạt được mục tiêu trên, Chương trình đưa ra 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, trong đó, nhằm bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện, tranh chấp đất đai phức tạp, kéo dài, nhất là tranh chấp đất giữa người dân với các nông, lâm trường, các đơn vị thuộc doanh nghiệp nhà nước; đồng thời, chủ động phát hiện, xử lý sớm các nguy cơ dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện đông người, đảm bảo an ninh nông thôn. Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc, đồng bộ, toàn diện. Tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, nhất là nâng cao năng lực của lực lượng ở cơ sở. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo thế chủ động trong phòng ngừa và đấu tranh, kiên quyết làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch. Nắm chắc và làm chủ tình hình, ngăn chặn, triệt phá kịp thời hoạt động gây rối, biểu tình, tấn công trên không gian mạng... 

Tăng cường quan hệ đối ngoại, hợp tác với các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển Việt Nam-Lào-Campuchia. Tiếp tục xây dựng, đề xuất cấp thẩm quyền hỗ trợ xây dựng đường tuần tra biên giới kết hợp làm đường dân sinh. Phối hợp đề nghị xem xét, sớm mở cửa khẩu Hồ Le và những nơi đủ điều kiện, nâng cấp các cặp cửa khẩu Đăk Kôi-Kon Tuy Neak, Đăk Blô-Đăk Ba, Đăk Long-Văn Tắt thành cửa khẩu chính. Hợp tác chặt chẽ về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ động triển khai các hoạt động giao lưu nhân dân với các nước bạn. 


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan