A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum

Ngày 19/01/2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2023 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ban Quản lý các công trình thủy lợi tỉnh và các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi theo chức năng, nhiệm vụ được giao rà soát, xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2022 - 2023 phù hợp với thực trạng nguồn nước, trong đó, cần lưu ý các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước trong mùa khô; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá nguồn nước tại các công trình thủy lợi, có kế hoạch phân phối nước hợp lý ngay từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đủ cho các nhu cầu thiết yếu (Sinh hoạt, chăn nuôi...) và sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. 

Tăng cường các giải pháp thiếu nước mùa khô năm 2023 (Ảnh: kontumtv.vn)

Theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước trữ, nước đến của các công trình để thực hiện kế hoạch gieo trồng, giảm thiểu thiệt hại khi nguồn nước không đảm bảo; bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp, thời vụ gieo trồng phù hợp với khả năng nguồn nước, tránh gieo trồng ở vùng không bảo đảm chủ động về nguồn nước trong cả vụ sản xuất; kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu vụ Đông Xuân, phân phối nước hợp lý từ đầu vụ sản xuất và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm cung cấp đủ nước cho các nhu cầu thiết yếu trong cả mùa khô.

Nghiên cứu, triển khai thực hiện các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và cây trồng cạn, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nước tối thiểu vào các thời kỳ nhạy cảm về nước của cây trồng, đặc biệt với cây ăn quả, cây trồng có giá trị kinh tế cao; rà soát các hạng mục công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị hư hỏng do các đợt mưa, lũ, bão trong năm 2022, ưu tiên nguồn kinh phí tổ chức khắc phục sửa chữa, tổ chức phát dọn, nạo vét kênh mương, cửa lấy nước hoàn thành đầu vụ để phục vụ sản xuất; bảo dưỡng máy móc, thiết bị; vận hành thử các máy bơm dự phòng để phục vụ chống hạn khi xảy ra; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để nâng cao năng lực khai thác nguồn nước và hiệu quả khai thác công trình thủy lợi. 

Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, phòng ban chức năng thường xuyên kiểm tra các công trình nước tự chảy, giếng nước sinh hoạt trên địa bàn để có giải pháp chống hạn riêng cho từng khu vực công trình; vận động Nhân dân trong vùng hưởng lợi từ các công trình nước tự chảy thường xuyên nạo vét đầu mối, súc rửa bể lắng lọc, sửa chữa tuyến đường ống và các bể chứa để chống rò rỉ, nước chảy tràn gây thất thoát nước; tuyên truyền vận động Nhân dân dùng nước tiết kiệm, chuẩn bị các vật dụng như: Bồn chứa, thùng nhựa, can đựng nước... để dự trữ nước sinh hoạt khi hạn hán xảy ra. 

Chỉ đạo các trạm thủy nông thường xuyên kiểm tra nguồn nước, quan trắc mực nước hồ, quản lý hệ thống tưới để chủ động điều chỉnh kế hoạch điều tiết tưới phù hợp với tình hình thực tế. Tổ chức tưới luân phiên, tưới tiết kiệm, tổ chức tưới tập trung vào ban ngày đóng nước vào ban đêm; phối hợp với chính quyền địa phương và hộ dùng nước để điều tiết nước hiệu quả. Hạn chế mức thấp nhất việc thiếu nước tưới vào cuối vụ của các công trình do đơn vị quản lý. Chủ động điều tiết nước cho các công trình trên cùng một hệ thống cụ thể: (i) Huyện Sa Thầy: Hệ thống công trình hồ chứa Đăk Sia 1, đập Đăk Sia 2, đập Đăk Car; (ii) Thành phố Kon Tum: Hệ thống công trình hồ chứa Đăk Yên, đập Đăk Tía, hồ chứa Tân Điền và Trạm Bơm Vinh Quang, Trạm bơm chuyền Tân Điền; Hệ thống hồ chứa Đăk Loy, hồ chứa Đăk Phát 1, đập Đăk Phát 2; (ii) Huyện Đăk Hà: Hệ thống công trình hồ chứa Đăk Uy, hồ chứa Cà Sâm, đập Đăk Căm, đập Ông Phiêu và hệ thống công trình hồ chứa Đăk Loh, đập Kon Trang Kla, đập Bà Tri, đập Cà Ha; (iii) Huyện Đăk Tô: Hệ thống tưới tiêu công trình hồ chứa Hố Chè, hồ chứa C19, đập Tà Cang; (iv) Huyện Ngọc Hồi: Hệ thống tưới tiêu công trình hồ chứa Đăk Kan, đập Đăk Long. 

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích, trữ nước, đồng thời sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nước, triệt để chống thất thoát, lãng phí nước. Trong trường hợp hạn hán gây ra thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng ở một số khu vực, chính quyền địa phương cần có giải pháp cấp nước sinh hoạt hỗ trợ cho Nhân dân bằng biện pháp chở nước sinh hoạt từ các nơi khác đến; xây dựng cụ thể kế hoạch chống hạn và phương án cấp nước cho sản xuất, dân sinh trên địa bàn do đơn vị quản lý; chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách của đơn vị, địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ  sản xuất nông nghiệp và dân sinh; phòng, chống hạn hán, thiếu nước hiệu quả. Trường hợp nguồn kinh phí vượt quá khả năng của địa phương báo cáo về Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định hoặc báo cáo các Bộ ngành Trung ương xem xét hỗ trợ theo quy định. 

 


Tác giả: Khánh Vi
Tin liên quan