A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Kon Tum

Ngày 28/02/2024, Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Kon Tum (gọi tắt là Hội đồng phối hợp tỉnh) ban hành Kế hoạch số 24/KH-HĐPHLN về hoạt động năm 2024.

Mục đích của Kế hoạch là nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng tỉnh Kon Tum và Tổ giúp việc của Hội đồng; tăng cường quan hệ phối hợp cụ thể, phản hồi và trao đổi thông tin, giới thiệu người thuộc diện được trợ giúp pháp lý giữa các Cơ quan tiến hành tố tụng với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước; đặc biệt tăng cường phối hợp với Tòa án nhân dân trong việc triển khai Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án và và Chương trình phối hợp giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự. Từ đó, nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý, đặc biệt chất lượng vụ việc được thực hiện bằng hình thức tham gia tố tụng, bảo đảm các đối tượng thuộc diện được trợ giúp pháp lý được kịp thời cung cấp thông tin và dịch vụ trợ giúp pháp lý chất lượng tốt.

Kế hoạch đề ra các nội dung hoạt động năm 2024 như sau:

Các thành viên Hội đồng ban hành Kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện việc triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 10.

Triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 05/CTPH-STP-TAND ngày 25/7/2022 giữa Sở Tư pháp và Tòa án nhân dân tỉnh về người thực hiện trợ giúp pháp lý trực tại Tòa án nhân dân.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến; Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp ngày 15/12/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý.

Triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 01/CTPH-STP-CAT ngày 24/1/2024 giữa Sở Tư pháp và Công an tỉnh về trực trợ giúp pháp lý trong điều tra hình sự.

Củng cố, kiện toàn tổ chức Hội đồng phối hợp tỉnh và Tổ giúp việc cho Hội đồng.
Thường xuyên rà soát, kịp thời tham mưu việc kiện toàn Hội đồng phối hợp tỉnh và Tổ giúp việc cho Hội đồng, đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 10.

Đẩy mạnh truyền thông về trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý như:

Tiếp tục cung cấp, đặt, kiểm tra, thay thế Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý đã bị hư hỏng (nếu có); cung cấp Tờ gấp thông tin về trợ giúp pháp lý, tờ gấp pháp luật tại trụ sở các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, cấp huyện, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ (đặt tại nơi người dân có thể dễ dàng tiếp cận được thông tin về trợ giúp pháp lý), hoặc các phương thức truyền thông khác như xây dựng bài viết về hoạt động trợ giúp pháp lý để đăng trên các phương tiện truyền thông như báo in, báo mạng hoặc qua các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông.

Cung cấp Đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý; Biên bản giải thích về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí của người bị buộc tội, người bị hại, đương sự thuộc diện được trợ giúp pháp lý;

Cung cấp danh sách, số điện thoại của Trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh; cung cấp USB hoặc phương tiện khác có chứa nội dung thông tin về trợ giúp pháp lý cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp tỉnh, cấp huyện, Trại tạm giam, Nhà tạm giữ;

Thực hiện đầy đủ hoạt động giải thích, thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch số 10 (chú trọng bảo đảm việc thông báo, thông tin về trợ giúp pháp lý trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự được thực hiện theo Mẫu số 03, 04  ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 10, ghi vào biên bản tố tụng và lưu tại hồ sơ vụ án) và thực hiện các hoạt động phối hợp khác để nâng số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý được chuyển gửi tới Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước.
Xây dựng tài liệu hỏi đáp, Tờ gấp hoặc các hình thức phổ biến khác liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý phát hành đến các cơ quan, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức rà soát các Văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý, từ đó đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ cho phù hợp.

Về công tác kiểm tra: Tổ chức kiểm tra kết quả thực hiện công tác phối hợp trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng trên địa bàn tỉnh (trong đó, có lồng ghép nội dung đánh giá việc tham gia tố tụng và chất lượng tham gia tố tụng của người thực hiện trợ giúp pháp lý).

Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định tại Thông tư liên tịch số 10 và theo chỉ đạo của Hội đồng phối hợp liên ngành Trung ương.

Thực hiện các hoạt động được nêu trong Kế hoạch hoạt động của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng ở Trung ương năm 2024 (đối với các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của cấp tỉnh)./.

 


Tác giả: Thái Ngân