A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kon Tum: Kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023

Thực hiện các chỉ đạo của Trung ương và của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước hiệu quả, tiết kiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; triển khai thực hiện công tác THTK, CLP đã đạt được những kết quả nhất định, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức đã có chuyển biến về ý thức, trách nhiệm trong quản lý, sử dụng tài sản; trang thiết bị được cấp phát, mua sắm, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước; các quy định về công khai minh bạch chủ trương, chính sách và tổ chức thực hiện trong các lĩnh vực như sử dụng ngân sách, mua sắm tài sản, xây dựng cơ bản, quản lý sử dụng đất đai, giải phóng mặt bằng... từng bước đi vào nề nếp.

Công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, mua sắm tài sản công được quản lý, kiểm soát chặt chẽ từ khâu lập dự toán, đến thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước. Thực hiện chi tiêu đúng tiêu chuẩn, định mức chế độ quy định, từng bước hạn chế việc bổ sung kinh phí ngoài dự toán.

Công tác quản lý sử dụng vốn đầu tư xây dựng được tăng cường, nhiều công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Công tác cải cách hành chính đã được quan tâm, chú trọng; đặc biệt là công tác chỉ đạo điều hành; công tác kiểm tra cải cách hành chính được thực hiện thường xuyên, những vấn đề phát hiện qua kiểm tra được xử lý kịp thời theo quy định.

Các nhiệm vụ cải cách hành chính đã được các sở, ngành, địa phương triển khai nghiêm túc theo kế hoạch.

Đã ban hành 08 quyết định công bố danh mục ban hành mới, chuẩn hóa, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, tổng số thủ tục hành chính trên địa bàn toàn tỉnh là 1.752 các thủ tục đã được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia đạt 100%.

Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đã được tăng cường, qua đó đã phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm; đồng thời kiến nghị khắc phục những bất cập về cơ chế chính sách, pháp luật hiện hành, góp phần nâng cao hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, quản lý đất đai, quy hoạch và mua sắm tài sản công trên địa bàn của tỉnh.

Toàn tỉnh đã triển khai 192 cuộc thanh tra, kiểm tra; đến nay đã kết thúc 141 cuộc thanh tra, kiểm tra trên lĩnh vực quản lý tài chính - kế toán; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý và sử dụng đất;... với tổng số tiền sai phạm 7.034,51 triệu đồng và 103.629 m2 đất. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 3.038,34 triệu đồng, thu hồi về đơn vị 3.124,22 triệu đồng; một số kiến nghị xử lý khác 871,95 triệu đồng và kiến nghị thu hồi 103.629 m2 đất. Xử phạt vi phạm hành chính các tổ chức, cá nhân 2.997,3 triệu đồng.

Bên cạnh đó, kiến nghị khắc phục các thiếu sót, sai phạm, khuyết điểm còn tồn tại và kiến nghị tổ chức họp kiểm điểm đối với các đơn vị, cá nhân có liên quan đến sai phạm.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc THTK, CLP cũng còn một số yếu kém, hạn chế như:

Việc xây dựng chương trình THTK, CLP thời gian qua đã được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm; tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị ban hành chương trình, kế hoạch THTK-CLP còn chậm so với thời gian quy định.

Trong quản lý xây dựng cơ bản, mặc dù đã có nhiều tiến bộ nhưng nhìn chung tiến độ thực hiện công trình của một số địa phương còn chậm hoàn thành so với tiến độ; công tác duy tu bảo dưỡng, kiểm tra giám sát hiệu quả đầu tư của các công trình dự án sau hoàn thành đưa vào sử dụng còn hạn chế.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác THTK, CLP trong thời gian tới, UBND tỉnh đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện, đáng chú ý như:

Tiếp tục quán triệt Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về THTK-CLP; rà soát bổ sung chương trình hành động có trọng tâm, trọng điểm, quản lý việc sử dụng ngân sách trong các lĩnh vực mua sắm tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý đất đai..., cải cách thủ tục hành chính.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật về THTK, CLP cho cán bộ, công chức, viên chức về ý thức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong thi hành công vụ gắn với “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đặc biệt là tư tưởng đạo đức của Người về THTK, CLP nhằm nâng cao ý thức chấp hành và thực hiện tốt công tác THTK, CLP trong cán bộ công chức, viên chức và người lao động.

Tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt là Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15 tháng 11 năm 2022 của Quốc hội về đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Khai thác tiềm năng lợi thế của tỉnh. Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất trọng tâm ưu tiên các qui hoạch liên quan đến các dự án thu hút đầu tư.

Rà soát, kiến nghị cấp thẩm quyền, sửa đổi, bổ sung ban hành mới các định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong các lĩnh vực, nhất là chi tiêu ngân sách, tài sản công; sắp xếp lại, xử lý tài sản công cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về THTK, CLP đối với các cơ quan, đơn vị sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, tài sản công, tài nguyên thiên nhiên và các doanh nghiệp có vốn của Nhà nước. Kiên quyết xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có vi phạm, gây lãng phí...

Phân bổ kế hoạch đầu tư công năm 2024 đảm bảo tiến độ, phù hợp định hướng của các Bộ, ngành Trung ương. Chủ động rà soát, điều chỉnh hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 từ các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tiến độ giải ngân tốt hơn.

Tiếp tục chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trên cơ sở đề xuất của các địa phương, đơn vị.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác quyết toán dự án hoàn thành theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh

Tiếp tục tăng cường triển khai, phổ biến, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án có sử dụng đất theo hình thức giao đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất ngay từ đầu năm để khai thác các nguồn thu về đất nhằm bảo đảm hoàn thành dự toán tiền sử dụng đất được giao, đặc biệt là các dự án do ngân sách cấp tỉnh đầu tư có thu tiền sử dụng đất. Các dự án có khả năng thực hiện trong năm 2024.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Nghị định 32/2019/NĐCP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên. Trong đó, tập trung triển khai công tác xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật của dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước, làm cơ sở ban hành đơn giá, giá sản phẩm dịch vụ công, để lập phương án xây dựng lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công tỉnh Kon Tum theo quy định.

Kiện toàn, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh theo các quy định, hướng dẫn mới của Chính phủ, Bộ, ngành trung ương, đảm bảo thu gọn đầu mối nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công. Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ và nâng mức độ tự chủ của các đơn vị sự nghiệp ở mức tự chủ cao hơn, tăng cường xã hội hóa, khai thác, mở rộng nguồn thu dịch vụ, sự nghiệp, phấn đấu thực hiện đạt tỷ lệ trên 10% giảm chi trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp.

Các cấp ngân sách địa phương, các sở, ban ngành tăng cường thực hiện công khai trên các lĩnh vực theo quy định của Luật, các hướng dẫn của các Bộ, ngành trung ương và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhất là công khai các hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, vốn và tài sản công.

Tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục chủ động sắp xếp, các nhiệm vụ chi cho phù hợp dự toán được giao; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố điều hành chi phù hợp với khả năng thu ngân sách trên địa bàn; các đơn vị tăng cường quản lý chi ngân sách nhà nước, bảo đảm chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện rà soát, sắp xếp, cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên chưa thực sự cấp thiết, không ban hành các đề án, chương trình, chính sách mới hoặc nâng định mức làm tăng chi ngân sách khi chưa cân đối được nguồn.

Tiếp tục thực hiện về cải cách tổ chức bộ máy hành chính và tinh giản biên chế theo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 18/NQTW; Nghị quyết số 19/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII.

Tăng cường vai trò trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan đơn vị trong việc sử dụng ngân sách phải đảm bảo đúng đối tượng, đúng chế độ, có hiệu quả và tiết kiệm. Tổ chức công khai việc sử dụng ngân sách, mua sắm, sử dụng tài sản công; công khai các nguồn vốn huy động, các quỹ có nguồn huy động đóng góp của Nhân dân; công khai quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên... theo quy định hiện hành.

Đẩy mạnh cải cách hành chính nhà nước, nhất là cải cách về thủ tục hành chính trong giải quyết các công việc liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.

Thực hiện nghiêm các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, cơ quan thanh tra trong các năm qua; nghiêm túc khắc phục, rút kinh nghiệm những hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý tài sản, ngân sách Nhà nước mà Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị

 


Tác giả: Thái Ngân
Tin liên quan