A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão số 9 và chủ động ứng phó với bão số 10

Theo thông báo của UBND tỉnh, bão số 9 và mưa lũ lớn vừa qua đã gây ra thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh. Tổng giá trị thiệt hại khoảng trên 386 tỷ 265 triệu đồng.

Cụ thể, đã làm hư hỏng 2.093 căn nhà; sập đổ, hư hỏng, tốc mái 17 điểm trường bị; 03 trạm y tế bị ảnh hưởng; 01 công trình văn hóa bị hư hỏng; 17 công trình thủy lợi bị hư hỏng; trên 6.200ha cây trồng bị ảnh hưởng; làm mất điện tại 21 xã thuộc huyện Kon Plông, Sa Thầy, Đăk Hà, Đăk Glei, Đăk Tô,  Ia H’Drai, Tu Mơ Rông và thành phố Kon Tum và làm hư hỏng 09 trụ điện bị ngã đổ.

Các tuyến đường QL 24, QL14C, QL40, QL40B, Đường Ngọc Hoàng – Măng Bút – Tu Mơ Rông – Ngọc Linh, Đường tỉnh lộ 675, Đường tỉnh lộ 677, Đường Sa Thầy -Yaly – thôn Tam An (xã Sa Sơn) – Ya Mô – Làng Rẽ (Mô Rai) và các tuyến đường liên thôn, liên xã thuộc các huyện Đăk Glei, Kon Plông, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi, Kon Rẫy…. bị sụt ta luy dương, ta luy âm hàng chục vị trí với khối lượng khoảng 325.021m3, 42 cái cầu, 15 cái cống, ngầm, rãnh thoát nước bị hư hỏng, sạt lở, một số cây lớn ngã đổ chắn ngang đường hơn 239 điểm bị sạt lở gây ách tác giao thông… Ước tính thiệt hại khoảng 239 tỷ 495 triệu đồng.

C:\Users\Administrator\Downloads\20201029_135117.jpg

Lực lượng chức năng di dời dân đến nơi an toàn (ảnh: congankontum.gov.vn)

 Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thành phố, đến nay bước đầu các công trình cơ sở hạ tầng từng bước đã được khắc phục đáp ứng giao thông đi lại, phục vụ cho sản xuất, sớm ổn định đời sống, sinh hoạt của Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn, Bão số 10 có khả năng ảnh hưởng gián tiếp, kết hợp với không khí lạnh tăng cường gây mưa vừa ở các huyện phía Đông, Đông Bắc tỉnh Kon Tum (Kon Plong, Tu Mơ Rông, Đăk Glei) từ đêm 4 đến ngày 6/11; lượng mưa cả đợt khả năng đạt từ 50 – 100mm; trên các sông, suối xuất hiện lũ nhỏ với mực nước đỉnh lũ đạt xấp xỉ mức báo động cấp 1; cần đề phòng nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá và gió mạnh cấp 4, cấp 5, có lúc giật cấp 6.

Để khắc phục hậu quả do cơn bão số 9 gây ra và thực hiện tốt công tác phòng, chống, ứng phó với bão số 10, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, tập trung sửa chữa các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, các công trình phúc lợi như trường học, trạm y tế để đảm bảo chỗ học hành an toàn cho học sinh, phòng chống dịch bệnh thường xảy ra sau bão lũ; tập trung mọi nguồn lực để sớm phục hồi sản xuất và ổn định đời sống cho Nhân dân do bão số 9 gây ra trong thời gian qua.

 Thứ hai, tiếp tục rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt sâu để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, các bến đò, khu vực đường bị ngập, đã, đang và  có nguy cơ xảy ra sạt lở; tổ chức cắm các biển báo, cảnh báo, nghiêm cấm người, phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập lụt, nguy hiểm. Rà soát, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ); sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời; nhất là các tình huống bão, mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất…

Thứ ba, theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai.

Thứ tư, khẩn trương kiểm ra, rà soát, đề nghị các chủ đập thủy lợi, thủy điện tổ chức vận hành, chủ động xả lũ bảo đảm an toàn theo quy trình vận hành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phân công cụ thể, bố trí lực lượng thường trực tại các hồ chứa để kịp thời xử lý khi có tình huống; triển khai công tác đảm bảo an toàn, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu; chủ động tiêu thoát nước đệm phòng, chống úng ngập, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp.

Thái Ngân