A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum

Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tai nạn, sự cố cháy, nổ đặt tại Công an tỉnh do Phó Trưởng ban là Giám đốc Công an tỉnh phụ trách, tham mưu và chỉ đạo thực hiện.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum vừa ký Quyết định số 4283/QĐ-BCH ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum.

Quy chế này quy định tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc và phối hợp công tác của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Kon Tum (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ huy) trong công tác phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả lũ, bão, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Áp dụng đối với các thành viên Ban Chỉ huy; các Cơ quan thường trực làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự.

Theo Quy chế, nhiệm vụ của Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Quyết định số 440/QĐ-UBND ngày 07 tháng 8 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh. Trong đó:

Lĩnh vực phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn: Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật Phòng, chống thiên tai và khoản 4 Điều 27 Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, cụ thể như sau:

Tổ chức phổ biến, tuyên truyền và triển khai thực hiện pháp luật về phòng, chống thiên tai; nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai.

Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý.

Tổ chức thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng khu đô thị, điểm dân cư nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và quy hoạch sản xuất thích ứng với đặc điểm thiên tai trên địa bàn, bảo đảm phát triển bền vững.

Xây dựng và phê duyệt phương án ứng phó thiên tai trên địa bàn; tổ chức việc chuẩn bị nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm và tổ chức diễn tập theo phương án được duyệt.

Kiểm tra, đôn đốc việc dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, hóa chất xử lý nước, thuốc chữa bệnh, phòng dịch, phương tiện, vật tư và trang thiết bị theo phương châm bốn tại chỗ (Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để chủ động ứng phó khi thiên tai xảy ra. Xây dựng, tu bổ, nâng cấp và quản lý, bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai trên địa bàn thuộc trách nhiệm quản lý.

Tổ chức thường trực, chỉ huy công tác ứng phó thiên tai; tổng hợp, thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất khi xảy ra thiên tai để giảm nhẹ thiệt hại, nhanh chóng phục hồi sản xuất.  Tổ chức quản lý, phân phối tiền, hàng cứu trợ khẩn cấp của Nhà nước, tổ chức và cộng đồng để ổn định đời sống, phục hồi sản xuất và khắc phục hậu quả thiên tai theo quy định của pháp luật.

Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền. Chỉ đạo, đôn đốc việc xây dựng và trình phê duyệt kế hoạch, phương án ứng phó thiên tai. Chỉ huy ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai.

Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, kiểm tra, tổng hợp báo cáo công tác thống kê đánh giá thiệt hại, khắc phục hậu quả và phục hồi tái thiết sau thiên tai. Thực hiện các nội dung về Quỹ phòng, chống thiên tai theo quy định. Tổ chức huấn luyện, đào tạo diễn tập, tập huấn cho các lực lượng tham gia hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm từng bước nâng cao năng lực dân sự trong hoạt động ứng phó thiên tai. Tập trung nguồn nhân lực, trang thiết bị, xây dựng công cụ hỗ trợ cho Văn phòng thường trực; kết nối trực tuyến với cơ quan phòng, chống thiên tai Trung ương và các cấp ở địa phương phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy điều hành phòng, chống thiên tai...

Lĩnh vực Phòng thủ dân sự: Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại khoản 4 Điều 23 Nghị định số 02/2019/NĐ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về phòng thủ dân sự, cụ thể:

Tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự trong phạm vi địa phương quản lý.

Xây dựng kế hoạch phòng thủ dân sự của địa phương; hướng dẫn, theo dõi các sở, cơ quan, đơn vị thực hiện chiến lược, kế hoạch phòng thủ dân sự.

Chỉ đạo xây dựng thế trận phòng thủ dân sự và hoạt động phòng thủ dân sự của cấp mình và cấp dưới thuộc quyền.

Chỉ huy phòng thủ dân sự, ứng phó thảm họa và tìm kiếm cứu nạn trong phạm vi địa phương.

Bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội trong vùng, khu vực xảy ra thảm họa, chiến tranh.

Thanh tra, kiểm tra, đôn đốc các sở, cơ quan, đơn vị tại địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự.

Cũng theo Quy chế trên, các cơ quan Tìm kiếm cứu nạn thuộc lĩnh vực chuyên ngành (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) có nhiệm vụ: Chủ trì tham mưu, triển khai hiệp đồng, phối hợp, thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn theo quy định của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ủy ban nhân dân tỉnh và Trưởng ban Ban Chỉ huy.

Theo dõi nắm tình hình mọi hoạt động liên quan đến công tác ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn để tham mưu cho Ban Chỉ huy chỉ đạo, điều hành, xử lý kịp thời và có hiệu quả các tình huống về sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Khi có sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn xảy ra, căn cứ vào mức độ sự cố, thiên tai và lĩnh vực được giao, các cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn trực tiếp tham mưu các cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Trung ương, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo xử lý và thành lập Sở chỉ huy tại hiện trường với đầy đủ các trang thiết bị phục vụ làm việc 24/24 giờ để phục vụ công tác chỉ đạo.

Chủ trì xây dựng các kế hoạch, phương án tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn hằng năm và các trường hợp tai nạn, sự cố được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; lập, chủ trì việc triển khai kế hoạch chỉ đạo, hiệp đồng, phối hợp các lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Trung ương và địa phương khi xảy ra sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh; lập kế hoạch và tổ chức thực hiện huấn luyện, đào tạo, diễn tập tìm kiếm cứu nạn; thực hiện nhiệm vụ cảnh báo thiên tai theo quy định. đ) Chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng cơ động tham gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm thông tin liên lạc trong mọi trường hợp.

 Tham mưu tổ chức thực hiện các giải pháp nhằm từng bước nâng cao năng lực dân sự trong hoạt động ứng phó thiên tai.

Kiểm tra, đôn đốc các ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn; chuẩn bị, thực hiện các báo cáo về tìm kiếm cứu nạn theo định kỳ và đột xuất của Ban Chỉ huy.

Các cơ quan thường trực Tìm kiếm cứu nạn thuộc lĩnh vực chuyên ngành sử dụng con dấu của Ban Chỉ huy và con dấu của cơ quan nơi công tác (của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) để thực hiện nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công.

Tổ chức trực ban theo quy định; chủ trì tham mưu, chỉ đạo, xử lý, tổ chức tìm kiếm cứu nạn theo lĩnh vực được giao, đồng thời báo cáo diễn biến và kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ huy.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh (Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu hộ và phòng thủ dân sự) chủ trì tham mưu, chỉ đạo, xử lý, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra các tình huống thiên tai, thảm họa, sự cố mang tính chất nghiêm trọng, thiệt hại lớn trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Công an tỉnh (Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn, cứu sập và cháy, nổ) chủ trì tham mưu, chỉ đạo, xử lý, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ tai nạn, sự cố cháy, nổ đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (Cơ quan thường trực tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khu vực biên giới) chủ trì tham mưu, chỉ đạo, xử lý, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khu vực biên giới đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhà nước và Nhân dân.

Quản lý, bảo quản duy tu trang thiết bị, vật tư, phương tiện cho công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; tham mưu và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí cấp cho hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và khắc phục hậu quả đúng quy định pháp luật.

Xem toàn văn văn bản tại đây: Quyết định 4283.pdf

 


Tác giả: Bá Tuấn