Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Ngày 13-9-2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch hành động số 3054/KH-UBND triển khai Chương trình số 32-CTr/TU ngày 12 tháng 5 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Kế hoạch nhằm mục đích cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp được xác định trong Chương trình 32-CTr/TU ngày 12 tháng 5 năm 2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2022 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị “về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Quyết định số 334/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ, phê duyệt chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045” sát với tình hình thực tế của địa phương; nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về tài nguyên địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch nêu rõ 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường công tác phổ biến tuyên truyền pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; Tham gia hoàn thiện hệ thống pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; Phối hợp trong công tác điều tra địa chất và khoáng sản; Xây dựng Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh Kon Tum; Khoanh định khu vực cấm, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản; Nâng cao năng lực, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; Ưu tiên sử dụng công nghệ, thiết bị khai thác, chế biến tiên tiến, hiện đại theo mô hình kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính; Tăng cường tổ chức, quản lý công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản; Huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong công tác địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm.
Trong đó, để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khoáng sản, xử lý nghiêm các vi phạm, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ qua công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch, chống tiêu cực, lãng phí tài nguyên khoáng sản, tăng nguồn thu cho ngân sách; xem xét xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, sử dụng khoáng sản và các hoạt động liên quan đến địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; đặc biệt là các hành vi vi phạm về khai thác khoáng sản trái phép, khai thác không đúng theo dự án đầu tư; kê khai các nghĩa vụ tài chính với nhà nước không đầy đủ theo sản lượng khai thác thực tế.