A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Triển khai thực hiện Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025”

Triển khai Quyết định số 356/QĐ-BGDĐT, ngày 03/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về phê duyệt Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025” (Quyết định số 356/QĐ-BGDĐT), ngày 28/3/2023 Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 865/KH-UBND để tổ chức thực hiện.

Theo đó, Kế hoạch xác định các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện, gồm:

Thứ nhất, Kiện toàn bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện: Rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống ma túy các cấp; xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao về phòng, chống ma túy trong trường học và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống ma túy trong trường học.

Thứ hai, Tổ chức nắm bắt thực trạng tệ nạn ma túy và công tác phòng, chống ma túy tại các nhà trường: Tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê danh sách thành viên có liên quan đến tệ nạn ma tuý để xử lý theo quy định của luật pháp. Nhà trường phối hợp với gia đình và địa phương tổ chức cai nghiện đối với các trường hợp thành viên nghiện ma tuý. Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo, hội nghị tại các địa bàn phức tạp về ma tuý để đánh giá thực trạng tình hình công tác tổ chức phòng, chống ma túy của nhà trường. Thực hiện thống kê, báo cáo về công tác phòng, chống ma túy và biện pháp xử lý thành viên trường học liên quan đến tệ nạn ma túy.

Thứ ba, Tổ chức truyền thông phòng, chống ma túy trong nhà trường: Xây dựng kế hoạch truyền thông phòng, chống ma túy cho các thành viên trong nhà trường. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy trong nhà trường cho học sinh, học viên trên các website, trang thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức mít tinh, tọa đàm, giao lưu, nói chuyện chuyên đề, thi sáng tác các tác phẩm tuyên truyền về phòng, chống ma túy; lồng ghép tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy vào các hoạt động của nhà trường cho học sinh, học viên. Phổ biến tài liệu, học liệu (sách, phim tuyên truyền,…) cho các nhà trường tuyên truyền trong Tháng hành động phòng, chống ma túy hằng năm và hoạt động của Câu lạc bộ. Hằng năm, tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống ma túy, nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh, học viên; định kỳ một năm 02 lần phối hợp tổ chức cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, thông tin chuyên đề về phòng, chống ma túy cho học sinh, học viên tại nhà trường.

Hằng năm, tổ chức cho học sinh, học viên ký cam kết nghiêm túc chấp hành pháp luật về không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng ma túy; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào đấu tranh phòng, chống ma túy. Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin, phản ánh của các thành viên nhằm tư vấn, hỗ trợ và giải đáp những vấn đề phòng, chống ma túy trong trường học.
Phát triển, bồi dưỡng đội ngũ hạt nhân tuyên truyền về giáo dục phòng, chống ma túy trong các nhà trường; các cơ sở giáo dục phổ thông phát triển mô hình Câu lạc bộ “Học sinh phòng, chống ma túy” nhằm tăng cường đội ngũ tuyên truyền về các tác hại của ma túy, khó khăn khi cai nghiện ma túy, cách phát hiện và phòng tránh nghiện ma túy đến các thành viên trong nhà trường và gia đình người học. Quan tâm hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, tài liệu tuyên truyền phục vụ hoạt động của Câu lạc bộ về phòng, chống ma túy.

Thứ tư, Triển khai bộ tài liệu giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh, học viên: Triển khai các bài giảng điện tử về kỹ năng phòng, chống ma túy và các bộ tài liệu kỹ năng nhận biết, phòng chống ma túy cho học sinh các cấp tại các nhà trường sau khi được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt đưa vào sử dụng.
Thứ năm, Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống ma túy: Đối với cơ sở giáo dục phổ thông: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cốt cán các nội dung về phòng, chống ma túy và hình thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa cho cán bộ thực hiện công tác phòng, chống ma túy, cán bộ Đoàn, Đội, Câu lạc bộ “Học sinh phòng, chống ma túy” trong nhà trường (tối thiểu 01 lần/năm).

Đối với cơ sở đào tạo: Tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền về phòng, chống ma túy cho đội ngũ cốt cán, cán bộ Đoàn, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống ma túy”  (tối thiểu 01 lần/năm).

Thứ sáu, Tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống ma túy trong các hoạt động giáo dục của các cấp học:

Đối với cơ sở giáo dục phổ thông: Lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống ma tuý vào trong các hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục cho học sinh theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Đối với các các cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở đào tạo: Lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống ma tuý vào Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa học, năm học và các hoạt động ngoại khóa cho học viên.

Thứ bảy, Tăng cường công tác phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội: Xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống tệ nạn ma tuý cho học sinh, học viên. Nắm bắt các thông tin của học sinh, học viên liên quan đến tệ nạn ma túy, để kịp thời giáo dục, nhắc nhở và xử lý theo quy định.

Thứ tám, Tăng cường trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục trong công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy: Trang bị cho Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống ma túy”, Câu lạc bộ “Học sinh phòng, chống ma túy” của các cơ sở giáo dục vùng kinh tế khó khăn và trọng điểm về phòng, chống ma túy thiết bị, công nghệ phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy.

Thứ chín, Tăng cường công tác xã hội hóa cùng chung tay phòng, chống ma túy trong trường học: Triển khai xã hội hóa dưới nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt, phù hợp và thiết thực nhằm góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy trong trường học. Các nhà trường chủ động kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị phối hợp để hỗ trợ nguồn lực về con người, tài nguyên, kinh phí thực hiện nhiệm vụ xã hội hóa, bảo đảm nguồn huy động được thực hiện đúng mục đích, nhiệm vụ được giao; thực hiện lồng ghép vào các chương trình khác phù hợp với học sinh, học viên các cấp. Xây dựng, tổ chức phát động chương trình “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” trong tỉnh nhằm huy động nguồn lực xã hội tham gia.


Tác giả: Thái Ngân