A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình quần chúng tự quản về an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình quần chúng tự quản về an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" trên địa bàn huyện Đăk Hà.

Huyện Đăk Hà được thành lập theo Nghị định 26/CP ngày 24/3/1994 của Chính phủ, có tổng diện tích tự nhiên 84.503,78 ha, gồm 11 đơn vị hành chính cấp xã, với 84 thôn (tổ dân phố), có 01 xã trọng điểm phức tạp về trật tự an toàn xã hội. Với đặc thù là huyện miền núi còn nhiều khó khăn, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, các chủ trương, chính sách dân tộc được triển khai đồng bộ hiệu quả; việc đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng được các cấp uỷ đảng, chính quyền xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân trên địa bàn. Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội cũng được cấp uỷ, chính quyền địa phương đặc biệt quan tâm, xem đây là cơ sở, tiền đề để phát triển kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho người dân an tâm sinh sống, xây dựng quê hương.

Những năm qua, thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với vùng miền núi và dân tộc cả nước nói chung và Tây Nguyên nói riêng, Đảng và Nhà nước đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và hướng dẫn thực hiện. Cấp ủy các cấp quan tâm quán triệt, triển khai, thực hiện, sơ kết, tổng kết các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương về công tác vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Nghị quyết Trung ương 7 (khóa IX) về "Công tác dân tộc”, Nghị quyết số 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”; Nghị quyết số 26-NQ/TW về “Phương hướng nhiệm vụ phát triển đến năm 2020”, Chỉ thị số 49-CT/TW về “Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc về “Công tác vận động quần chúng trước yêu cầu mới”; phương hướng “Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng dân tộc thiểu số”.

Trên cơ sở nắm vững những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Huyện uỷ đã chỉ đạo lực lượng Công an huyện chủ động nắm tình hình, tham mưu cấp ủy, chính quyền các chủ trương, biện pháp quan trọng về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; tham mưu cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm đẩy mạnh việc chỉ đạo củng cố xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong vùng đồng bào DTTS, nhất là việc xây dựng, nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình “tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về ANTT” phù hợp với đặc điểm từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng. Đồng thời, phối hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa lực lượng Công an với Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận Tổ quốc, Ban Dân vận, các cơ quan, ban ngành các cấp trong công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ vùng DTTS.

Nhằm phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước phấn đấu xây dựng huyện nhà đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2025, thời gian qua cấp uỷ đảng, chính quyền huyện Đăk Hà đã tập trung mọi nguồn lực thực hiện tốt phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” với phát triển văn hóa nông thôn, kế hoạch xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững theo quy hoạch; tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân, đảm bảo tốt tình hình an ninh trật tự phục vụ xây dựng nông thôn mới. Có thể phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đã được triển khai đồng bộ, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân, cùng các doanh nghiệp đóng trên địa bàn cùng chung sức chung lòng cùng thực hiện có hiệu quả việc xây dựng nông thôn mới, đưa chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào thi đua sâu rộng giữa các hộ dân, giữa cộng đồng dân cư, các tổ chức kinh tế trên địa bàn cùng nhau đóng góp bằng trí tuệ, công sức, nguồn lực…

Với tinh thần đó, huyện Đăk Hà quyết tâm thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới bằng những việc làm cụ thể như: đẩy mạnh phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” , phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn theo từng lĩnh vực, chuyên đề; thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp tuyên truyền, phù hợp với từng khu dân cư, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từng đối tượng cụ thể qua đó nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng và năng lực phòng, chống âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; phòng, chống “Tự diễn biến”, “Tự chuyển hóa” trong nội bộ; phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, tệ nạn xã hội, phòng, chống mua bán người... tập trung chỉ đạo, củng cố kiện toàn các mô hình tự quản về an ninh trật tự và các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ an ninh tại cơ sở, qua đó có một số mô hình được nhân dân trên địa bàn ghi nhận, đánh giá cao góp phần đảm bảo an ninh trật tự xây dựng nông thôn mới như: mô hình "Tiếng kẻng an ninh", "Giáo xứ bình yên - đảm bảo ANTT", mô hình "Camera an ninh",… Đặc biệt, việc triển khai, xây dựng các mô hình luôn được bám sát vào tình hình thực tiễn của công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn, dự báo các tình huống phức tạp về ANTT có thể xảy ra để chủ động phòng ngừa và xây dựng phương án triển khai cụ thể khi có yêu cầu. Có thể kể đến việc phát động, tổ chức cho nhân dân trên địa bàn huyện tham gia tập huấn, diễn tập các phương án về PCCC và CNCH; điều này xuất phát từ yêu cầu trong công tác PCCC trong tình hình mới, khi các vụ cháy, nổ xảy ra với tính chất, mức độ, hậu quả ngày càng lớn trên địa bàn cả nước; chính vì thế, trong năm 2023, Huyện uỷ, UBND huyện đã chỉ đạo Đảng uỷ Công an huyện chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai các phương án thực tập PCCC, huy động đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn tham gia; xây dựng và nhân rộng mô hình “tổ liên gia an toàn về PCCC” tại các xã, thị trấn, được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.

Nhìn chung, các mô hình đã được đông đảo quần chúng tham gia, nhiều mô hình đã đi vàotrong hương ước, quy ước về giữ gìn an ninh trật tự tại cộng đồng dân cư và đang tiếp tục được phát triển sâu rộng trong nhân dân. Việc triển khai xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình quần chúng tự quản về an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được gắn chặt với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” trên địa bàn huyện. Hiện nay trên địa bàn huyện có 10/10 xã đạt chỉ tiêu 19.2 về an ninh trật tự trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới; 5/10 xã đạt chỉ tiêu 19.2 trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao; 01 xã đạt tiêu chí 3.6 bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Xây dựng mô hình nông thôn mới tại xã Ngok Wang

Qua những kết quả đã đạt được, có thể thấy, việc triển khai các mô hình quần chúng tự quản về an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số cùng với việc tích cực thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” là một trong những biện pháp tích cực trong công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn huyện Đăk Hà nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung.

Tuy nhiên, qua thực tiễn triển khai các mặt công tác liên quan đến các mô hình quần chúng tự quản về ANTT, huyện Đăk Hà nhận thấy có một số vấn đề đáng lưu ý như sau: Một số cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị nhận thức chưa cao về ý nghĩa, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác xây dựng phong trào toàn dân BVANTQ nói chung, trong xây dựng các mô hình đảm bảo ANTT nói riêng, đặc biệt là trong vùng đồng bào DTTS; nội dung, hình thức của một số mô hình ANTT ở một số nơi trong vùng đồng bào DTTS còn thiếu lôi cuốn, không đa dạng, thiếu trực quan sinh động nên đồng bào DTTS chưa thực sự hiểu, nắm và tự giác tham gia; Công tác sơ kết, tổng kết đánh giá, nhân rộng các mô hình ANTT chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Hiện nay, bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước có những diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo; đan xen cả thời cơ và thách thức, thuận lợi và khó khăn đối với sự nghiệp đổi mới nói chung và đường lối xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc nói riêng. Điều này đặt ra yêu cầu cao trong việc huy động sức mạnh của Nhân dân trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ nói chung, xây dựng và nhân rộng mô hình tự quản về ANTT nói riêng. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cấp uỷ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn cần tập trung thực hiện tốt các mặt công tác sau đây:

Thứ nhất: Để các mô hình tự quản hoạt động có hiệu quả yếu tố quan trọng và quyết định đó là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, của chính quyền, sự phối hợp giữa Mặt trận và các ban ngành đoàn thể từ xã, phường đến thôn, tổ dân phố, sự đồng thuận của nhân dân; mô hình phải phù hợp với đặc điểm, tình hình ở từng khu dân cư, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống, xã hội. Về quy mô tổ chức, phạm vi và lĩnh vực hoạt động sẽ linh hoạt tùy thuộc vào điều kiện và tình hình thực tế ở từng địa phương, phát huy tính chủ động và sáng tạo ở cơ sở. Thường xuyên tổ chức sơ, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để có giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình cụ thể từng giai đoạn.

Thứ hai, quan tâm củng cố và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS, tôn giáo và tiến hành rà soát, thanh loại các mô hình hoạt động không hiệu quả. Tập trung nghiên cứu xây dựng các mô hình, nhất là tại các địa bàn thường xuyên xảy ra các vụ việc phức tạp về ANTT như tại các điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo, một số địa bàn tập trung nhiều đồng bào di cư tự do…

Thứ ba, duy trì tổ chức các điểm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ với nhiều hình thức đa dạng, phong phú lôi cuốn được thanh thiếu niên trong vùng đồng bào DTTS tích cực và tự nguyện tham gia trong đó lồng ghép với các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, các hoạt động an sinh xã hội từ thiện, dân vận héo của các cơ quan, đoàn thể trên địa bàn.

Ra mắt mô hình nhân dân tự quản về ANTT tại xã Đăk Pxi

Việc xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình quần chúng tự quản về an ninh, trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư", phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới" là một trong những mặt công tác quan trọng, góp phần bảo đảm tình hình ANTT trên địa bàn huyện Đăk Hà nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung.


Tác giả: Giang Thanh