Tích cực thu nhận Căn cước công dân gắn chíp cho người già yếu cư trú trên địa bàn tỉnh Kon Tum
Bà Trương Thị Diệu (88 tuổi) xúc động và phấn khởi khi được cán bộ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Kon Tum đến tận nhà làm Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp.
Bà Diệu có hộ khẩu thường trú tại xã Mỹ Trinh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định lên ở với con tại xã Đắk Cấm, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, do tuổi cao, sức yếu nên khó khăn trong công tác đi lại. Gia đình bà đã được hướng dẫn liên hệ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Kon Tum đề nghị cấp CCCD tại nhà cho bà. Bà cho biết, có CCCD gắn chíp, các thủ tục về bảo hiểm, chế độ, chính sách khác sẽ được làm thuận lợi hơn.
Lực lượng chức năng tiến hành thu nhận CCCD gắn chíp tại nhà cho công dân Trương Thị Diệu
Đại úy Hà Minh Đức, cán bộ phòng Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết: “Theo Thông tư 59/2021/TT-BCA hướng dẫn thi hành Luật CCCD, từ ngày 01/7/2021 công dân có thể đề nghị và được cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD ở nơi công dân tạm trú. Hiện nay, tất cả các trường hợp lưu trú trên địa bàn nếu thông tin của công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đều có thể được thu nhận CCCD gắn chíp tại bất kỳ đơn vị thu nhận CCCD nào trên cả nước. Tuy nhiên, khi đi làm CCCD công dân nên mang theo chứng minh nhân dân hoặc CCCD mã vạch đã được cấp; giấy khai sinh hoặc các giấy tờ hợp pháp khác trong trường hợp thông tin công dân khai trên tờ khai đề nghị cấp CCCD gắn chíp có thay đổi so với thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.
Chị Cầm Thị Phương trú tại Tổ 3, phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum có đơn đề nghị cấp CCCD tại nhà cho mẹ là bà Nguyễn Thị Gái (93 tuổi) thường trú tại Phường Hội Thương, thành phố Plei Ku, tỉnh Gia Lai, do tuổi cao, sức yếu, không đi lại được nên bà lên ở với chị để tiện chăm sóc. Qua liên hệ với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, chị đã được đơn vị hỗ trợ thu nhận CCCD gắn chíp cho mẹ của mình.
Cán bộ phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tiến hành chụp ảnh cho cụ Nguyễn Thị Gái, 93 tuổi
Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội rất phấn khởi khi được người nhà cụ Đặng Thị Ứng (99 tuổi) thường trú tại Phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum đề nghị hỗ trợ cấp CCCD tại nhà cho cụ bà do không có khả năng đi lại được.
Lực lượng chức năng tiến hành thu nhận ảnh cho cụ bà Đặng Thị Ứng 99 tuổi
Đồng chí Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng – Đội trưởng Đội hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú, cấp, quản lý CCCD cho biết: “Nếu như trước đây người dân khi khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) cần mang theo giấy Chứng minh nhân dân, thẻ BHYT, xác nhận của cơ quan chức năng (nếu có) thì nay chỉ cần mang thẻ CCCD gắn chíp để thực hiện khám chữa bệnh BHYT. Khi khám chữa bệnh BHYT bằng thẻ CCCD gắp chíp sẽ mang lại nhiều tiện ích cho người dân như: Thời gian thực hiện thủ tục khám chữa bệnh được tiết giảm tối đa, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi đi khám chữa bệnh BHYT. Người có thẻ BHYT chỉ cần xuất trình thẻ CCCD gắn chíp để thực hiện quét mã QR code để lấy thông tin (mất từ 2 đến 3 phút) mà không cần phải chờ đợi nhân viên y tế kiểm tra gấy tờ,nhập thông tin như trước đây; và không phải mang theo nhều loại giấy tờ để chứng minh thông tin”.
Cùng với thực hiện cấp CCCD gắn chíp, thu nhận tài khoản Định danh điện tử tại Trung tâm phục vụ hành chính công (số 70 Lê Hồng Phong, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum), Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội còn đến tận nhà những người già, khuyết tật, đau yếu, neo đơn... để hỗ trợ làm CCCD gắn chíp, vừa nhằm giúp đỡ bà con, vừa đẩy nhanh tiến độ công tác này trên địa bàn.
Lực lượng chức năng tiến hành thu nhận vân tay cho công dân
Hiện nay, các lực lượng của Công an tỉnh Kon Tum đang tập trung triển khai thực hiện Đề án “Phát triển ứng dụng về dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06), cán bộ, chiến sĩ phụ trách khu vực và Đoàn viên, thanh niên đã đến tận nhà những người dân gặp khó khăn về di chuyển để hỗ trợ làm CCCD gắn chíp, đồng thời kết hợp tuyên truyền cho các hộ gia đình về Định danh điện tử; sự cần thiết và những ưu điểm, tiện ích của CCCD gắn chíp đối với cuộc sống của người dân.
Thượng tá Võ Quang Huy, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh cho biết, dù gặp một số khó khăn trong triển khai Đề án 06 nhưng Công an các huyện, thành phố và tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ trong lực lượng Công an tỉnh đã và đang phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, nỗ lực để thực hiện nhiệm vụ. Hoạt động của các tổ công tác lưu động làm CCCD gắn chíp tại nhà cho người yếu thế, kết hợp tuyên truyền, vận động người dân tham gia sử dụng các dịch vụ công trực tuyến là rất thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền về Đề án 06, tăng cường bám địa bàn, tích cực rà soát và triển khai cấp CCCD gắn chíp tại nhà kết hợp hỗ trợ hướng dẫn tạo lập tài khoản Định danh cá nhân mức 2 cho người lớn tuổi, người yếu thế và xây dựng các áp phích tuyên truyền qua các hội, nhóm trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook; tuyên truyền qua hệ thống loa phát thanh lưu động tại cấp xã; đăng tin, bài, clip tuyên truyền, hướng dẫn dịch vụ công trực tuyến, in và phát tờ rơi tuyên truyền về Đề án 06 đến các hộ gia đình trên địa bàn./.